Căng thẳng Nga-Ukraine: Liệu giá Bitcoin có 'tuột dốc' xuống dưới 30.000 USD?
Với tình hình khó đoán hiện tại, Bitcoin nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục lao dốc nếu các diễn biến tại Ukraine không hạ nhiệt.
Theo dữ liệu của CoinMarketCap, chiều 24/2, giá BTC ở mức 35.000 USD. Trong ngày, có lúc giá Bitcoin hạ xuống mức 34.400 USD, do những căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Trong 7 ngày giao dịch gần nhất, giá Bitcoin đã mất tới hơn 20% và khiến tâm lý của các nhà đầu tư rơi vào hoảng loạn. Các đồng tiền mã hóa lớn khác như Ethereum, Cardano, Solana hay Avalanche đều có mức giảm mạnh, trong khoảng từ 9-12%.
Diễn biến tiêu cực liên tiếp của thị trường tiền số xuất phát từ tình hình căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine. Sáng 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép lực lượng đặc nhiệm tiến đến vùng Donbas của Ukraine để thực hiện nhiệm vụ "phi quân sự hóa" khu vực này.
“Cuộc khủng hoảng Ukraine, cộng với việc Fed tăng lãi suất và các quy định về tiền mã hóa ở Mỹ, có thể tạo ra một \'cơn bão\' hoàn hảo nhấn chìm Bitcoin xuống mức 30.000 USD”, Winston Ma, đối tác quản lý của CloudTree Ventures nhận định.
Bên cạnh đó, ông Ma cho rằng sự tham gia ồ ạt của các tổ chức hay quỹ đầu tư vào lĩnh vực tiền mã hóa đã khiến thị trường trở nên nhạy cảm hơn.
Theo ông Nicholas Cawley, chiến lược gia tại DailyFX, việc tình hình địa chính trị diễn ra phức tạp khiến giới đầu tư rất khó để định giá Bitcoin. Do đó, nó có chiều hướng lao dốc chủ yếu đến từ tâm lý hoảng loạn của các nhà tham gia thị trường.
“Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đang ảnh hưởng đến tất cả các thị trường tài chính vào lúc này, không chỉ riêng Bitcoin. Luồng tin tức từ khu vực này đang thay đổi liên tục, giữa cả tin tốt và tin xấu. Do đó, việc định giá và giao dịch thị trường trở nên rất khó khăn vào thời điểm hiện tại”, Nicholas Cawley cho biết.
Trước đó, Bitcoin từng được ông Yuya Hasegawa, nhà phân tích của Bitbank, ví như một loại tiền tệ không quốc tịch và hoạt động tốt ngay cả khi chính trị biến động mạnh.
Tuy nhiên, tình hình giá hiện tại lại đang chứng minh cho thực tế rằng Bitcoin quá mỏng manh và không phải “vàng kỹ thuật số” như nhiều người kỳ vọng.
Với tình hình khó đoán hiện tại, Bitcoin nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục lao dốc nếu các diễn biến tại Ukraine không hạ nhiệt.
Ở góc độ kỹ thuật, Brett Sifling, cố vấn đầu tư cho Gerber Kawasaki Wealth & Investment Management, cho biết có giá Bitcoin có 2 mốc cần chú ý.
“Mức đầu tiên là mức thấp nhất từ đợt điều chỉnh hiện tại, tức mức đáy 33.000 USD vào ngày 24/1. Một mức chính khác là 30.000 USD. Đây là hỗ trợ chính kể từ đầu năm 2021. Việc Bitcoin phá vỡ mức hỗ trợ này có thể dẫn tới một đợt suy thoái lớn khác”, vị chuyên gia nhận định.
Chiều ngược lại, Bitcoin cần xuyên thủng kháng cự 50.000 USD nếu muốn hướng tới mốc 60.000 USD hay lập kỉ lục mới.