Căng thẳng nội bộ giữa các cổ đông lớn chưa hồi kết, PVI đang kinh doanh ra sao?
Quyền chi phối tại CTy Cổ phần PVI (MCK: PVI) giữa PVN và HDI đang căng thẳng, thì bất ngờ CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC, MCK: HCM) trở thành cổ đông lớn tại PVI nhờ HDI thoái vốn.
Chứng khoán HSC mua lại số cổ phần PVI mà HDI thoái vốn?
Vào tháng 4/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định phạt vi phạm hành chính đối với HDI Global SE với tổng số tiền phạt lên tới 185 triệu đồng do vi phạm nhiều lỗi, trong đó có hành vi thực hiện một hoặc một số giao dịch nhằm che giấu quyền sở hữu thực sự đối với một chứng khoán để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định; Vi phạm tỷ lệ nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài che giấu tỷ lệ sở hữu cổ phiếu thực.
Theo cơ quan chức năng, tính đến ngày 31/1/2019, HDI sở hữu tổng cộng 126.297.216 cổ phiếu PVI, bao gồm sở hữu trực tiếp 83.711.071 đơn vị, sở hữu 27.117.895 đơn vị thông qua Funderburk Lighthouse Limited (FLL), sở hữu 15.468.250 đơn vị thông qua Công ty cổ phần Đầu tư Đường Mặt Trời, chiếm 54,64% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết và vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại PVI (49%) trước ngày 19/4/2019.
Ngoài ra, UBCKNN còn áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả “buộc” phải chuyển nhượng cổ phiếu trong thời hạn tối đa 60 ngày để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng quy định.
Biện pháp khắc phục hậu quả này ít nhiều khiến giới đầu tư băn khoăn không rõ HDI sẽ bán cổ phiếu PVI theo phương thức thỏa thuận hay khớp lệnh. Nhiều câu hỏi được đặt ra về việc có cá nhân hay tổ chức nào đứng lên mua lại số cổ phẩn PVI mà HDI sắp thoái vốn?
Sau đó, HDI thông báo bán ra hơn 13,8 triệu cổ phiếu PVI trong khoảng thời gian từ ngày 10/6 - 22/6/2021, tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn 85,3 triệu cổ phiếu PVI, tương đương với 38,18% vốn điều lệ.
Kết quả, ngày 23/6 vừa qua, chứng khoán HSC đã mua vào hơn 13,8 triệu cổ phiếu PVI, qua đó nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần từ 0% lên 5,91% vốn điều lệ, chính thức trở thành cổ đông lớn tại PVI.
Lượng cổ phần giao dịch này trùng khớp với khối lượng mà HDI thông báo bán ra trong khoảng thời gian từ ngày 10/6 - 22/6/2021. Thị trường chứng khoán cũng ghi nhận khối lượng cổ phiếu PVI đúng bằng con số trên được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị đạt 501 tỷ đồng, tương ứng bình quân khoảng 36.300 đồng/cổ phiếu.
Do đó, nghi vấn lượng cổ phiếu mà HDI đã thoái ra đã được "sang tay" cho Chứng khoán HSC là rất cao.
Cùng thời điểm, một cổ đông lớn khác của PVI là Funderburk Lighthose Ltd (FLL) cũng đăng ký bán ra gần 123.000 cổ phiếu PVI, giảm sở hữu xuống 27 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 12,08%. Ngoài ra, FLL đăng ký bán thêm 2 triệu cổ phiếu PVI từ ngày 21/6 đến 16/7/2021 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Như vậy nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu cổ phần tại PVI sau giao dịch sẽ giảm xuống còn khoảng 25 triệu đơn vị.
Hiện tại, tổng số lượng cổ phiếu PVI mà nhóm nhà đầu tư có liên quan đến HDI nắm giữ là 112,3 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 50,26%. Nếu FLL hoàn tất bán cổ phiếu PVI như đã đăng ký, tỷ lệ sở hữu của HDI và FLL sẽ xuống dưới 49%.
HSC nghiêng về bên nào, bên đó có tiếng nói quan trọng tại PVI?
Hội đồng quản trị (HĐQT) PVI đã quyết định triệu tập Đại hội cổ đông bất thường tổ chức vào ngày 31/7/2021. Một trong những nội dung chính được bàn bạc quyết định tại đại hội cổ đông bất thường này có việc bầu bổ sung thành viên HĐQT và nhân sự Tổng Giám đốc PVI.
Vào cuối tháng 7 tới, nhiệm kỳ của ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI sẽ kết thúc. Để được tái bổ nhiệm, ông Thuận phải được HĐQT PVI phê chuẩn. Hiện nay, HĐQT PVI khá phân hóa, trong đó có 4 ghế thuộc về cổ đông lớn HDI, 4 ghế còn lại sẽ do PVN giới thiệu.
Theo Luật Doanh nghiệp, khi số phiếu trong hội đồng quản trị là cân bằng, quyết định sẽ nghiêng về phía có lá phiếu của chủ tịch, tức nhóm cổ đông HDI đang có cơ hội đưa người vào vị trí CEO. Tuy nhiên, điều lệ PVI có quy định, CEO của doanh nghiệp phải được đại hội đồng cổ đông phê chuẩn. Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - cổ đông lớn thực hiện quyền quản lý vốn nhà nước tại PVI sở hữu 36% cổ phần tại PVI, đồng nghĩa có quyền phủ quyết nhân sự CEO.
Nhìn lại cơ cấu cổ đông ở PVI có thể thấy nhóm cổ đông nước ngoài HDI và FLL sẽ sở hữu dưới 49%, PVN sở hữu gần 36%, HSC sở hữu 5,91%. Với cơ cấu cổ đông như vậy, HSC nghiêng về bên nào, bên đó sẽ có tiếng nói quan trọng tại PVI.
PVI đang kinh doanh ra sao?
Liên quan tới hoạt động kinh doanh tại PVI, giai đoạn 2017 - 2020 doanh thu tại doanh nghiệp giảm nhẹ qua các năm: năm 2017 đạt 4.789 tỷ đồng, năm 2018 đạt 5.685 tỷ đồng, năm 2019 tăng nhẹ lên 5.911 tỷ đồng và đến năm 2020 giảm còn 4.776 tỷ đồng.
Trái ngược với doanh thu, lợi nhuận sau thuế tại PVI tăng liên tục từ 540 tỷ đồng (năm 2017) lên 849 tỷ đồng (năm 2020). Tuy nhiên, giữa doanh thu và lợi nhuận tại PVI có sự chênh lệch khá lớn, doanh thu hàng nghìn tỷ nhưng lợi nhuận chưa năm nào cán đích nghìn tỷ.
Tình hình tài chính tại PVI cũng ghi nhận nhiều biến động liên quan đến nợ phải trả. Tính đến 31/12/2020, nợ phải trả tại PVI tăng 18% so với năm 2017, ghi nhận 15.071 tỷ đồng, chiếm 68% tổng tài sản và gấp 2 lần vốn chủ sở hữu.
Quý 1/2021, PVI cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, đạt 1.233 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tại PVI tăng gấp đôi, đạt 190 tỷ đồng.
Năm 2021, PVI đặt mục tiêu đạt 10.411 tỷ đồng tổng doanh thu. Như vậy kết thúc quý 1/2021 công ty đã hoàn thành 26% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Đáng lưu ý, dù ghi nhận lợi nhuận khủng nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh tại PVI đang âm hơn 310,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ âm hơn 63 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh tại PVI âm xuất phát từ nhiều yếu tố như: hàng tồn kho tại PVI tăng 69% so với đầu năm, lên mức 1,6 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng lên 9.359 tỷ đồng; nợ ngắn hạn phải trả cũng tăng nhẹ 5%, ghi nhận hơn 15.751 tỷ đồng, chiếm tới 68% tổng tài sản.
Dòng tiền là tiêu chí quan trọng trong quản trị doanh nghiệp. Dòng tiền dương chưa chắc đã có lợi nhuận nhưng có một điều chắc chắn là nếu để dòng tiền âm trong một thời gian dài mà không có chiến lược cải thiện thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ phá sản.
Ở một diễn biến khác, nhìn lại quá trình điều hành của HĐQT với việc HDI là nhóm cổ đông chiếm đa số cho thấy có những quyết định của Hội đồng Quản trị gây tranh cãi.
Cụ thể Hội đồng Quản trị PVI đã thông qua nghị quyết bán tòa nhà 25 tầng mà PVI đang dùng làm trụ sở chính (tại số 1 Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội). Đặc biệt là Nghị quyết về việc đổi địa vị pháp lý của PVI từ công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ trở thành công ty đại chúng sở hữu 100% vốn nước ngoài…
Cuối cùng, khi HDI hoàn tất việc thực hiện nội dung quyết định của UBCKNN đưa tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tại PVI về dưới mức 49% sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề pháp lý cần phải làm sáng tỏ tại PVI như: một loạt các nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị… từ sau thời điểm cổ đông ngoại vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu chứng khoán trở lại đây có giá trị pháp lý không? Phía PVN cần phải tiếp tục thực hiện các bước đi pháp lý cần thiết để đảm bảo các hoạt động tại PVI phải thực hiện đúng pháp luật Việt Nam.