VN-Index vượt 1.400 điểm: ‘Cú sập’ 2018 và 2022 có lặp lại?

Theo chuyên gia, xác suất để VN-Index rơi vào nhịp điều chỉnh sâu, kéo dài như các giai đoạn trước là không cao, bởi thị trường hiện tại đang giao dịch ở vùng định giá hợp lý.

Sau hơn 3 năm, VN-Index đã chính thức trở lại mốc 1.400 điểm, một cột mốc mang ý nghĩa cả về mặt kỹ thuật lẫn tâm lý. Tuy nhiên, cùng với đà tăng ấn tượng của chỉ số, không ít nhà đầu tư bắt đầu liên tưởng tới những kịch bản không mấy tích cực từng xảy ra vào các năm 2018 và 2022 – thời điểm thị trường trải qua chuỗi tăng mạnh trước khi rơi vào các nhịp điều chỉnh sâu, kéo dài.

Kịch bản cũ khó lặp lại

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), thừa nhận có những điểm tương đồng giữa thị trường hiện tại và các giai đoạn trước, đặc biệt là sự hồ hởi lan tỏa cùng với đà tăng mạnh mẽ của VN-Index và thanh khoản ngày càng sôi động. Tuy nhiên, cũng chính điều này dẫn đến sự lo ngại của nhiều nhà đầu tư rằng một kịch bản lặp lại: sau những nhịp tăng mạnh đi kèm với kỷ lục thanh khoản, VN-Index có thể trải qua nhịp điều chỉnh sâu và rất lâu sau mới có thể quay trở lại vùng đỉnh cũ.

VN-Index vượt 1.400 điểm: ‘Cú sập’ 2018 và 2022 có lặp lại? - Ảnh 1
Nỗi lo của nhà đầu tư về một kịch bản lặp lại không phải không có cơ sở.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, xác suất để kịch bản tương tự năm 2018 hay năm 2022 tái diễn là không cao: “Khả năng lặp lại kịch bản giống như giai đoạn năm 2018 và năm 2022 là thấp bởi thị trường ở thời điểm hiện tại đã có sự khác biệt lớn so với quá khứ”.

Một trong những điểm khác biệt quan trọng là định giá. Năm 2018, VN-Index lập đỉnh quanh mốc 1.200 điểm với P/E ở mức rất cao, lên tới 22–23 lần. Tương tự, năm 2022, chỉ số đạt 1.500 điểm, với P/E ở mức 17-18 lần, cũng là mức cao so với trung bình lịch sử. Trong khi đó, hiện tại, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 13,76 lần và P/B 1,78 lần, gần bằng bình quân ba năm và thấp hơn rất nhiều so với hai giai đoạn tạo đỉnh trước đó.

“Điều này cho thấy thị trường đang giao dịch ở mức hợp lý, không phải vùng định giá quá cao. Vậy nên, khả năng xuất hiện các nhịp điều chỉnh của thị trường trong quá trình điểm số đi lên là có, nhưng rủi ro về một nhịp điều chỉnh sâu sẽ khó xảy ra. Thay vào đó là những nhịp điều chỉnh nhẹ để giải tỏa áp lực chốt lời ngắn hạn”, ông Nguyễn Anh Khoa nhận định.

Bên cạnh đó, ông Khoa chỉ ra rằng, đà tăng của VN-Index chủ yếu là nhờ nhóm VN30 (nếu xét theo chỉ số) hoặc nhóm bất động sản, ngân hàng (nếu xét theo nhóm ngành). Trong khi đó, nhiều cổ phiếu vẫn còn giao dịch ở nền giá thấp, tạo ra sự chênh lệch về định giá giữa các nhóm cổ phiếu.

Theo vị chuyêm gia, điều này mang tới cơ hội giải ngân vào nhóm cổ phiếu chưa hồi phục, đặc biệt là những doanh nghiệp sở hữu nền tảng cơ bản tốt và tình hình tài chính lành mạnh: “Các nhóm ngành chưa phục hồi trở lại so với nền giá trước phiên giao dịch 2/4 (phiên đầu tiên VN-Index giảm điểm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thông tin áp thuế) có thể đang bị định giá thấp so với giá trị thực hoặc tiềm năng tăng trưởng của chúng, tạo cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư giá trị”.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh VN-Index chạm mốc tâm lý 1.400 điểm, nơi áp lực chốt lời có thể gia tăng, việc lựa chọn các cổ phiếu chưa tăng nóng sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro trong kịch bản thị trường xuất hiện những nhịp điều chỉnh bất ngờ.

Mặt khác, khi các thông tin vĩ mô quan trọng như thỏa thuận thuế quan Việt - Mỹ, dữ liệu kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2025 của Việt Nam đã được công bố, dòng tiền cũng có xu hướng chuyển dần sự chú ý sang các cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý II/2025, không chỉ giới hạn ở các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh mà còn mở rộng sang các doanh nghiệp tiềm năng khác. Điều này củng cố quan điểm rằng, việc giải ngân vào nhóm cổ phiếu chưa hồi phục là một chiến lược hợp lý.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Khoa, các cổ phiếu chưa hồi phục nhưng có nền tảng cơ bản vững chắc, hoạt động kinh doanh ổn định hoặc có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025 (như nhóm công nghệ thông tin) có thể trở thành mục tiêu thu hút dòng tiền khi nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm những cơ hội mới, ít rủi ro hơn và có biên độ tăng giá tốt hơn.

“Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng lưu ý việc lựa chọn các cổ phiếu ở nền giá thấp phải đảm bảo thanh khoản đủ lớn, đồng thời chủ động phân bổ tỷ trọng danh mục giữa các cổ phiếu đang thu hút dòng tiền/ở nền thấp một cách hợp lý để vừa đảm bảo có thể đón dòng tiền luân chuyển, vừa giảm thiểu thiệt hại nếu thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh bất ngờ”, đại diện Agriseco nhấn mạnh.

Đối với các nhóm ngành như khu công nghiệp, dệt may, thủy sản, vốn chưa ghi nhận sự hồi phục đáng kể do các lo ngại về chính sách thuế quan toàn cầu, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ nên duy trì tỷ trọng ở mức trung bình – thấp để quản trị rủi ro trước khi các thông tin được công bố rõ ràng hơn”,

VN-Index sẽ hướng đến những cột mốc mới

Về triển vọng thị trường chứng khoán trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Khoa cho rằng, VN-Index sẽ duy trì trạng thái tích cực trong các tháng cuối năm 2025 và tiếp tục hướng đến các mốc điểm số cao mới. Nhận định này được đưa ra trên cơ sở thực tế rằng môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng với mặt bằng lãi suất ở mức thấp đang tạo điều kiện thuận lợi cho các kênh tài sản, trong đó có thị trường chứng khoán.

Cùng với đó, triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết khả quan trong các quý tiếp theo và cả năm 2025 sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư trên thị trường. Mặt khác, kỳ vọng về việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được FTSE Russell nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 9 tới đây cũng sẽ trở thành yếu tố quan trọng thu hút dòng tiền vào thị trường, đặc biệt là sự quay trở lại của dòng vốn ngoại.

Chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ duy trì xu hướng tích cực trong nửa cuối năm 2025.
Chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ duy trì xu hướng tích cực trong nửa cuối năm 2025.

Dù vậy, ông Khoa cũng lưu ý nhà đầu tư không nên chủ quan, bởi một số rủi ro vẫn hiện hữu, nổi bật là chính sách thuế quan và vấn đề tỷ giá.

Về chính sách thuế quan, mặc dù đã có thỏa thuận khung giữa Mỹ và Việt Nam nhưng cũng còn nhiều điểm cần làm rõ, chẳng hạn như định nghĩa cụ thể về hàng “transshipping” sẽ chịu thuế 40% hay mức thuế được đưa ra với  các nước cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút FDI và xuất khẩu sang Mỹ.

Rủi ro thứ hai cần lưu tâm là vấn đề tỷ giá. Hiện tại, tỷ giá VND/USD đang liên tục tăng và lập đỉnh mới. Trong kịch bản tỷ giá tăng ngoài tầm kiểm soát, điều này có thể kích hoạt động thái thắt chặt lại chính sách tiền tệ, qua đó tác động tới thị trường chứng khoán.

“Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn đang duy trì trạng thái tích cực nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro, tôi cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn các nhóm ngành không chịu tác động tiêu cực bởi thông tin thuế quan và có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý II/2025 và các quý tiếp theo của năm 2025”, ông Khoa khuyến nghị.

Đại diện Agriseco cho hay, ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, công nghệ thông tin và chăn nuôi là các nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tích cực trong quý II. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể quan tâm tới các nhóm ngành hưởng lợi nhờ một loạt các chính sách trong thời gian gần đây như tăng cường siết chặt kiểm soát hàng nhái, hàng giả, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc các dự án bất động sản và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

“Cuối cùng, kỳ vọng nâng hạng thị trường giai đoạn cuối năm cũng sẽ mở ra cơ hội đối với nhóm chứng khoán và một số doanh nghiệp bluechips có thể thu hút dòng tiền nước ngoài”, ông Nguyễn Anh Khoa nói.

Thái Hà

Theo Vietnamfinance