Bất động sản nhà ở ăn theo "sóng" bất động sản công nghiệp

Lợi thế quỹ đất rộng, công nghiệp tăng trưởng mạnh, Long An là một trong những tỉnh thu hút nguồn vốn FDI mạnh nhất trong năm 2020. Theo đó, nơi đây cũng đang dần trở thành điểm đến lý tưởng của giới đầu tư nhà, đất

Tiềm năng công nghiệp trỗi dậy ở Long An

Đại dịch Covid-19 gây ra những đợt biến động về kinh tế trên toàn cầu, trong đó, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tuy vậy, với sự kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam vốn là quốc gia có nhiều tiềm năng về công nghiệp đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư các nước trong khu vực.

Theo báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 của Savills Việt Nam, những ảnh hưởng của đại dịch và các chính sách thuế quan của Mỹ khiến nhiều nhà sản xuất đa quốc gia có trụ sở tại Trung Quốc di dời đến Việt Nam. 

Việt Nam đã trở thành một điểm đến thay thế cho các cơ sở sản xuất này do có những điều kiện thuận lợi về cả cơ sở vật chất và chi phí lao động. Các công ty đa quốc gia sản xuất các sản phẩm có giá trị cao như đồ điện tử, với áp lực trong việc cắt giảm chi phí, sẽ có xu hướng dịch sản xuất sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi cung ứng địa phương. 

Ngoài ra, lạm phát tiền lương có xu hướng tăng sau khi khủng hoảng toàn cầu giảm bớt. Chi phí lao động ở Trung Quốc đã cao gấp ba lần so với Việt Nam, việc này sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất đa quốc gia xem xét chuyển đến các quốc gia Đông Nam Á, nơi có chi phí lao động thấp hơn.

Bất động sản nhà ở ăn theo "sóng" bất động sản công nghiệp - Ảnh 1
Với tiềm năng lớn về công nghiệp, Long An là một trong những tỉnh thu hút nguồn vốn FDI mạnh nhất năm 2020

Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (SKEZ) trải dài trên TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu là những nơi hút nguồn vồn đầu tư công nghiệp mạnh mẽ. Các lợi thế của vùng bao gồm: Trung tâm kinh tế của Việt Nam, TP.HCM, Cảng nước sâu Cát Lái nằm trong TP.HCM, tập trung nhiều cơ sở giáo dục thúc đẩy nguồn cung lao động có kỹ năng, đa dạng các lĩnh vực đầu tư.

Riêng tại Long An, Công ty Cổ phần TIZCO và Công ty Cổ phần Quản lý KCN Sáng Tạo Việt Nam (VNIP) dự kiến sẽ tham gia đầu tư góp vốn vào Khu công nghiệp Việt Phát với tổng diện tích 1.800ha vào năm 2021. Đây là điểm sáng mới hứa hẹn về một năm bùng nổ về nguồn vốn FDI ở Long An trong năm 2021.

Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam đang là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp hàng đầu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều xem Việt Nam là một điểm đến ưu tiên. Đây là kết quả của việc Chính phủ vừa kiểm soát tốt dịch, vừa thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế. Hiệp định thương mại tự do được Chính phủ ký kết trong năm 2020 và có hiệu lực gần đây nhất là Hiệp định EVFTA cũng đã góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh.

Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, cho biết năm 1992, Long An được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép cho dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên. Đến nay, sau 28 năm, Long An được ghi nhận là “địa chỉ đỏ” trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Năm 2001, nhà đầu tư nước ngoài mới bắt đầu chú ý đến Long An, nhưng chỉ 5 năm sau, Long An đã thu hút được 97 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 400 triệu USD - một con số “nằm mơ” đối với tỉnh lúc này. 

Từ 2006 đến 2010, FDI tăng lên 355 dự án, tổng vốn đăng ký 3,2 tỷ USD (tăng 3,7 lần về số dự án và tăng 8,1 lần về vốn so với giai đoạn 2001 - 2005). Và 10 năm sau (năm 2020), FDI toàn tỉnh là 1.059 dự án, với vốn đăng ký 6,496 tỷ USD, trong đó, 585 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện khoảng 3,624 tỷ USD.

Theo ghi nhận, toàn tỉnh Long An hiện có 32 khu công nghiệp (KCN) đã được quy hoạch đồng bộ, diện tích 11.523,14ha và 62 cụm công nghiệp (CCN) diện tích 3.106ha, trong đó 16 KCN và 21 CCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy lần lượt đạt 87,4% và 89,7%. Trong 1.059 dự án FDI, có 678 dự án nằm trong KCN, CCN, tổng vốn đăng ký 3,9 tỷ USD.

Nóng nhu cầu nhà ở cho chuyên gia

Theo các chuyên gia, Long An vốn có lợi thế quỹ đất rộng, giá đất còn mềm nên tiềm năng đầu tư sinh lời còn rất lớn. Đặc biệt là nếu đem so sánh giá đất ở khu Tây so với khu Đông đã tạo ra một sự tương quan khá dễ chịu. Khi khu Đông đang “nhảy giá” bởi TP. Thủ Đức, thì sự bình lặng tạm thời ở khu Tây dần trở thành cơ hội lớn cho các nhà đầu tư có tầm nhìn.

Mặt khác, một khi nguồn cung về công nghiệp tăng cao chắc chắn sẽ kéo theo hàng loạt nhu cầu về nhà ở cho chuyên gia khu công nghiệp, tầng lớp công nhân lao động cũng tăng lên. Từ đó, Long An sẽ có thể phát triển đa dạng về các dòng sản phẩm có mức giá từ trung cấp đến cao cấp để phục vụ tốt cho từng đối tượng phù hợp. Điều này mở ra cơ hội đầu tư bất động sản đa dạng về dòng vốn ở Long An.

Ngoài ra, theo Đề án quy hoạch TP.HCM, 3 huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa trong tương lai sẽ là đô thị vệ tinh của TP.HCM. Thời gian qua, nhiều dự án bất động sản quy mô lớn và bài bản cũng đã manh nha phát triển ở các khu vực này, với giá dao động trong khoảng 1 - 2,5 tỷ đồng/1 sản phẩm. Các dòng sản phẩm nhà phố, đất nền, shophouse ghi nhận mức độ quan tâm tăng mạnh so với năm 2019.

Bất động sản nhà ở ăn theo "sóng" bất động sản công nghiệp - Ảnh 2
Công nghiệp phát triển tăng trưởng mạnh, Long An dần trở thành điểm nóng về nhu cầu nhà ở cho chuyên gia và người lao động

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, Bình Dương hay Đồng Nai đều là những khu vực phát triển lâu đời, hệ thống hạ tầng bài bản nên quỹ đất không dễ tìm, giá bán cũng không rẻ. Trong khi đó, khu vực Long An liền kề TP.HCM nhưng giá đất còn mềm phù hợp với người đầu tư có vốn ít. 

Một thực tế cho thấy, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, rất nhiều nhà đầu tư có nguồn tài chính nhàn rỗi từ 1 -3 tỷ đồng rất nan giải khi phải cân nhắc giữa các kênh đầu tư. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh dịch gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, bất động sản lại càng được kỳ vọng là kênh đầu tư mang lại mức độ an toàn và khả năng sinh lời có thể chấp nhận được. Với những lợi thế ở Long An cho thấy nơi đây đang dần mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư gửi gắm dòng tiền.

Ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, trong 1 tháng trở lại đây, CBRE nhận được nhiều yêu cầu tìm kiếm quỹ đất, đặc biệt quỹ đất KCN tại Long An. Trong xu hướng dịch chuyển nhà máy về Việt Nam, nhiều nhà đầu tư đã chọn Long An bởi nơi đây gần TP.HCM, kết nối thuận tiện về TP qua tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương hay cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được xây dựng.

Theo ông Kiệt, Đồng Nai, Bình Dương hay Long An đang là những thị trường quyết định nguồn cung lớn trong năm 2020 và các năm tới. Trong đó, sản phẩm nhà phố, đất nền vẫn được ưu chuộng, nhất là các dự án có chủ đầu tư uy tín và pháp lý rõ ràng. Một khi nhu cầu bất động sản công nghiệp tăng lên thì sẽ kéo theo hàng loạt các yếu tố về hạ tầng, logistics, dịch vụ… và làm gia tăng nhu cầu về nhà ở. Khi đó, Long An chắc chắn trở thành điểm đến mới được ưa chuộng nhất trong vài năm tới.

Khánh Hòa

Theo Reatimes