Cảnh hoang tàng ở dự án Takara Residence Bình Dương sau 14 năm triển khai
Năm 2010, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định giao đất để thực hiện dự án Takara Residence cho Công ty Thành Nguyên với tổng diện tích 93.876,1m2 (khoảng 47,47%) để thực hiện. Đến nay, dù các công trình xây dựng đã xuống cấp nhưng vẫn còn khoảng 103.887m2 chưa được lập thủ tục đất đai.
Theo thông tin tìm hiểu, vốn dĩ ban đầu dự án Võ Minh Đức (tên thương mại là Takara Residence) là Khu dân cư và nhà ở cho người có thu nhập thấp phường Chánh Nghĩa tại phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một (nay là TP.Thủ Dầu Một) do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Bửu Lộc làm chủ đầu tư.
Năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty Thành Nguyên được tiếp nhận toàn bộ dự án Khu dân cư này.
Sau đó, dự án được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết với quy mô hơn 19,4ha. Đến năm 2008 được điều chỉnh lên thành 19,7ha. Năm 2010, UBND tỉnh Bình Dương có các Quyết định giao đất để thực hiện dự án cho Công ty Thành Nguyên với tổng diện tích 93.876,1m2 (khoảng 47,47%) để thực hiện.
Đến nay, dù các công trình xây dựng đã xuống cấp nhưng vẫn còn khoảng 103.887m2 chưa được lập thủ tục đất đai.
Theo giới thiệu, dự án Takara Residence là Khu đô thị phức hợp đầy đủ tiện ích với trung tâm thương mại và hàng loạt các tiện ích nội và ngoại khu đa dạng, kết hợp những mảng xanh tự nhiên.
Dự án được kỳ vọng sẽ đem lại trải nghiệm không gian sống hoàn hảo và tiện nghi. Phát triển với xu hướng “Sống phong cách chuẩn Nhật Bản” hiện là xu hướng đô thị hiện đại kiểu mới tại khu vực châu Á và toàn cầu với tiêu chí Green Living – Wellness Living.
Tuy nhiên, thực tế lại không như tưởng tượng khi trải qua hơn 14 năm được giao đất, trải qua thời gian dài dừng thi công, cùng việc không được trùng tu, bảo dưỡng đã khiến những công trình đã xây dựng tại dự án xuống cấp và hoang tàn theo năm tháng.
Người dân sống cạnh dự án cho hay, vào khoảng 20 năm trước, chúng tôi có nghe nói về về dự án này. Những công trình hiện hữu được xây dựng khoảng năm 2018, 2019 nhưng đến đợt dịch Covid-19 thì dừng cho đến giờ.
Trước khi có dự án, ở đây có tuyến đường nông thôn do Nhà nước làm, có cống thoát nước được đấu nối với đường chính. Nhưng khi xây dựng những tòa nhà này thì chủ đầu tư đã móc hết cống lên làm đường thoát nước bị tắc dẫn đến nước chảy trực tiếp lên mặt đường, lâu ngày xói mòn thành rãnh vào vườn của nhiều hộ dân.
Những ngày nắng thì không sao, vào mùa mưa, nước chảy như suối rất nguy hiểm. Sau nhiều lần phản ánh đến chính quyền, phường mới đổ đá dăm để người dân đi tạm như bây giờ. Người này cũng chia sẻ thêm: “Rãnh nước hiện hữu là do gia đình tôi chấp thuận cho chính quyền múc để cho nước chảy trên đất mình. Nếu không có thì mưa to nước chảy xiết làm cho chúng tôi không đi lại được, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sinh hoạt. Chúng tôi cũng mong muốn dự án nhanh triển khai lại để chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng, để tình trạng này không kéo dài nữa”.
Theo thông tin mới đây từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, dự án này được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 01/8/2024 với tiến độ hoàn thành đến quý IV/2028, trong đó tiến độ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đến quý IV/2026.
Ngổn ngang vật liệu thừa không được dọn, tường phần trên chưa được tô vữa, các thanh sắt đang “lộ thiên” đã có hiện tượng rỉ sét, đổi màu. Nếu thi công lại, việc đảm bảo chất lượng công trình là rất khó khăn.
Đây cũng là dự án phải trải qua nhiều biến cố, lùm xùm khi phải chứng kiến việc tranh dành quyền lợi nội bộ giữa các thành viên chủ đầu tư xảy ra vào những năm 2018, 2019… hay bị cơ quan chức năng xử phạt vì xây dựng không phép. Cho đến nay, dự án này vẫn bị cắm biển báo nhằm ngăn chặn việc mua bán, chuyển nhượng trái phép khi chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Ngoài dự án trên, hiện còn có dự án dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ Đông Bình Dương tại phường Tân Bình (TP.Dĩ An) do Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương làm chủ đầu tư có quy mô 126 ha, gồm 6.433 nền đất. Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2003, nhưng sau 20 năm triển khai vẫn chưa thể hình thành diện mạo khu đô thị.
Tiếp đến là dự án Hồ Gươm xanh Thuận An (còn có tên gọi khác là khu nhà vườn, biệt thự Vườn cau) do Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Bình Dương làm chủ đầu tư, được xây dựng trên quỹ đất 26,4 ha tại số 136 - Đại lộ Bình Dương, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An. Ngày 13/12/2002, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà vườn, biệt thự Vườn cau (Khu A).
Tiếp đó, ngày 2/12/2005, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản chấp thuận chủ trương chuyển đổi chủ đầu tư Dự án Thương mại - dịch vụ phố vườn Lái Thiêu.
Đến ngày 31/10/2007, UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư nhà vườn, biệt thự Vườn cau (tên thương mại là Khu phức hợp Siler Lake), thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An (nay là TP.Thuận An). Tuy nhiên, đến thời điểm này, Dự án vẫn chưa thể hoàn thiện và đi vào hoạt động.