Cạnh tranh hút vốn: Ngân hàng tăng lãi suất, tích cực phát hành trái phiếu

Trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng mạnh dịp cuối năm, nhất là vốn trung và dài hạn, nhiều ngân hàng đã chạy đua tăng lãi suất huy động lẫn phát hành trái phiếu.

Đua nhau tăng lãi suất huy động

Tính từ đầu tháng 11, có 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn, bao gồm BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, Indovina, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank và VietBank. Trước đó, làn sóng tăng lãi suất đã chững lại trong tháng 10/2024 khi chỉ có vài ngân hàng điều chỉnh tăng 0,1 0,2%/năm

Theo thống kê, hiện Nam Á Bank là ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất đối với kỳ hạn 3 tháng, ở mức 4,7%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động của Bắc Á Bank cao nhất thị trường, 5,6%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng PVcomBank huy động với lãi suất cao nhất 9,5%/năm và 24 tháng là Bắc Á Bank với lãi suất 6,35%/năm.

Liên quan đến nguyên nhân đằng sau làn sóng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng, chuyên gia phân tích của MBS cho biết: “Không riêng tháng 11, xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ được tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay khi tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn”.

Từ đầu tháng 11 đến nay, có 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Từ đầu tháng 11 đến nay, có 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động.

Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 năm nay đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Đây là những yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản, đại diện MBS nhận định.

Sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm cũng sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào. Tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng đã tăng 10.08%, cao hơn so với mức 7.4% ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và FED hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Các chuyên gia MBS dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản, dao động quanh mức 5,1% - 5,2% vào cuối năm 2024.

Làn sóng phát hành trái phiếu

Bên cạnh tăng lãi suất huy động, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong những tháng còn lại của năm 2024.

Thống kê từ HNX cho thấy, tính từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều ngân hàng như LPBank, ACB, TPBank,… liên tục phát hành các lô trái phiếu với lãi suất dao động từ 4,9% - 7,58%/năm, nhỉnh hơn so với mặt bằng lãi suất huy động.

Cụ thể, LPBank phát hành lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng, Eximbank với lô trái phiếu với tổng giá trị 400 tỷ đồng, TPBank với 3 lô trái phiếu tổng cộng 1.412 tỷ đồng, MSB với lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng, HDBank với 2 lô trái phiếu trị giá 640 tỷ đồng, ACB với 2 lô trái phiếu trị giá 3.500 tỷ đồng, Bắc Á Bank với lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng,

Ngoài ra, trong tháng 11, Vietcombank cũng đã phát hành lô trái phiếu xanh đầu tiên của ngân hàng với trị giá 2.000 tỷ đồng, lãi suất 4,9%/năm cùng kỳ hạn 2 năm.

Cạnh tranh hút vốn: Ngân hàng tăng lãi suất, tích cực phát hành trái phiếu - Ảnh 1
Nhiều ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong tháng 11.

Lũy kế từ đầu năm đến tháng 10/2024, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 263.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 72%. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu của nhóm ngân hàng đã tăng 154%. Ngoài ra, lãi suất bình quân gia quyền là 5,6%/năm và kỳ hạn bình quân 5,2 năm.

Chuyên gia MBS nhận định, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay. Trong 10 tháng năm 2024, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 10,08%, cao hơn mức 7,4% của cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc trong 2 tháng còn lại của năm nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.

Làn sóng tăng cường phát hành trái phiếu của các ngân hàng còn được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng vốn cấp 2 của nhiều ngân hàng. Theo quy định hiện tại, các lô trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên sẽ được tính vào vốn cấp 2 của các ngân hàng. Bên cạnh đó là nhu cầu tăng vốn trung và dài hạn của các ngân hàng khi áp lực nợ xấu ngày càng lớn, đặc biệt sau cơn bão số 3 vừa qua và ngày Thông tư 02 hết hạn đang đến gần.

Một lý do khác có thể kể đến là các ngân hàng muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tiền gửi khách hàng bởi lãi suất tiết kiệm liên tục biến động và có xu hướng đi lên trong những tháng cuối năm. Việc tăng phát hành trái phiếu vừa có thể giúp các ngân hàng giảm áp lực cạnh tranh về lãi suất lại vừa đảm bảo được nguồn vốn ổn định hơn.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance