Cao ốc tan hoang vì bão Yagi: 'Áp đúng tiêu chuẩn, đảm bảo không có vấn đề gì'
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho rằng, bão số 3 chính là phép thử lớn cho chất lượng xây dựng, đồng thời đánh giá được tâm huyết của chủ đầu tư và trách nhiệm của nhà thầu.
Thiên tai như bão, lũ động đất gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng đối với các công trình xây dựng, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng. Ảnh hưởng của chúng phụ thuộc vào cường độ, tần suất và vị trí của thiên tai, cũng như khả năng chống chịu của các công trình trước những tác động này.
Vừa qua, siêu bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội với gió mạnh kèm mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng. Nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ.
Đáng chú ý, siêu bão Yagi vừa qua như một phép thử đối với chất lượng các công trình xây dựng hiện nay. Đã có không ít cao ốc, căn hộ tại các thành phố lớn như Hạ Long (Quảng Ninh), Hải Phòng, Hà Nội bị bung vách kính, kính vỡ vụn, hay nước tràn ngập nhà… Điều này cho thấy mức chịu đựng có giới hạn của các cao ốc này.
Tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ bị bão tấn công như Việt Nam, quy định xây dựng thường phải tuân theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, yêu cầu các tòa cao ốc phải có khả năng chịu bão.
Tuy nhiên, sau cơn bão Yagi, không ít người đặt ra câu hỏi liệu các công trình cao ốc này đã đảm bảo chất lượng hay chưa?
Trao đổi với VietnamFinance về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cho rằng việc các toà nhà bị vỡ kính, bong tróc vách kính không nằm ở chất liệu kính mà liên quan trực tiếp đến việc lựa chọn vật liệu và kỹ thuật thi công.
Ông Hiệp cho rằng việc sử dụng kính giá rẻ hoặc không đạt chuẩn có thể gây ra các vấn đề lớn. "Chủ đầu tư có đảm bảo chọn vật liệu tốt hay không? Hay là đặt kính rẻ, kính không đảm bảo", ông nêu.
Bên cạnh đó, kỹ thuật lắp đặt của nhà thầu cũng đóng vai trò quan trọng, từ việc treo kính, gắn các chi tiết như silicon đến việc đảm bảo độ an toàn tổng thể.
Theo ông Hiệp, bão số 3 chính là phép thử lớn cho chất lượng xây dựng, đồng thời đánh giá được tâm huyết của chủ đầu tư và trách nhiệm của nhà thầu.
Lấy ví dụ một trường hợp một người dân ở chung cư không muốn ở căn đầu hồi vì gió, ông Hiệp khẳng định kỹ thuật, chất lượng của nhà thầu làm có đảm bảo không và việc lựa chọn vật tư, vật liệu của chủ đầu tư có nghiêm túc hay không thì cái đó mới là điều quyết định đến việc công trình tồn tại.
Chủ tịch GP.Invest cũng cho biết hiện nay, Bộ Xây dựng đã đưa ra bộ Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), trong đó những tiêu chuẩn như chống động đất, gió và bão đều đã rất chặt chẽ.
"Nếu như áp dụng đúng những tiêu chuẩn đó thì công trình đảm bảo không có vấn đề gì", ông Hiệp nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề nâng cao tiêu chuẩn xây dựng, ông Hiệp cho rằng không cần thiết trừ khi có một số điểm nhỏ cần xem xét thêm dựa trên thực tế.
"TCVN hiện nay đã lường trước được các yếu tố như động đất, gió bão, và các tiêu chuẩn về phòng cháy, chiều cao, ánh sáng... đã đạt đến mức quốc tế. Vấn đề nằm ở việc thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn này", ông Hiệp nói.