Cập nhật tiến độ di dời của hàng loạt doanh nghiệp ra khỏi khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam: ‘Gặp khó’, nhiều 'nút thắt' chờ được 'gỡ'
Cho đến thời điểm hiện tại, tiến độ di dời doanh nghiệp khỏi khu công nghiệp này vẫn còn khá ì ạch.
Mới đây, ông Võ Tấn Đức - quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chủ trì buổi làm việc với các Sở, ngành vào hôm 16/5 để nghe báo cáo về Kế hoạch triển khai phương án di dời nhà máy, xí nghiệp.
Việc này được thực hiện theo Đề án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ (được ban hành vào cuối tháng 2/2024).
Theo đó, trong báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Đồng Nai, quá trình di dời này được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ di dời 14 doanh nghiệp và hoàn thành trước tháng 12/2024.
Giai đoạn 2 sẽ di dời toàn bộ các doanh nghiệp còn lại và hoàn thành trước tháng 12/2025.
Trong quá trình thực hiện di dời, các doanh nghiệp đã gặp phải nhiều "nút thắt" chưa được gỡ như:
Thứ nhất, chưa lên được kế hoạch di dời do chưa tìm được "bến đỗ" tiếp theo. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai gia hạn thêm thời gian di dời.
Thứ hai, các doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về chính sách bồi thường khi di dời, chính sách về hỗ trợ người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để tái đầu tư.
Nhìn nhận về tiến độ thực hiện thực tế, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Võ Tấn Đức đánh giá tiến độ di dời các doanh nghiệp trong giai đoạn 1 hiện đang rất chậm.
Để "tháo gỡ" được những vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải cũng như đẩy nhanh tiến độ di dời, ông Đức đã đề nghị Sở KH&ĐT tham mưu phương án hỗ trợ di dời, tiến hành tổng hợp và xử lý những nội dung kiến nghị của doanh nghiệp, định kỳ hàng tháng báo cáo về tiến độ thực hiện.
Sở TN&MT Đồng Nai được giao tham mưu cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ di dời giải phóng mặt bằng và trình Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh tiến hành xem xét, thông qua.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Sở Tài chính tiến hành tham mưu về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động, công tác di dời cũng như giải phóng mặt bằng để trình lên HĐND tỉnh thông qua.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Nai cũng được giao xây dựng chính sách giới thiệu về chương trình vay vốn, ưu đãi dành cho các doanh nghiệp di dời để bố trí tái đầu tư ở "vùng đất mới".
Thực tế từ khi UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 324/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 vào cuối tháng 2/2024, tính đến thời điểm hiện tại các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Do đó, việc di dời 14 doanh nghiệp trong giai đoạn 1 thực hiện xong trước tháng 12/2024 như dự kiến được xem là điều khó khả thi.
KCN Biên Hòa 1 được biết đến là một trong những KCN đầu tiên có mặt tại Việt Nam, đánh dấu sự thay đổi trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa của nước ta. Theo Nghị định số 49/KT ngày 21/5/1963, KCN Biên Hòa 1 chính thức ra đời với tên gọi sơ khai là Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Năm 1975, Khu kỹ nghệ Biên Hòa đổi tên thành KCN Biên Hòa 1.
Tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án Cải tạo và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật KCN Biên Hòa 1, trong đó quy định KCN này được tổ chức và hoạt động theo quy chế KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Cuối tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam.
Tháng 2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.
Mục tiêu của đề án là xây dựng một KĐT dịch vụ - thương mại mới văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, tạo bộ mặt mỹ quan đặc trưng cho khu vực nói riêng và TP. Biên Hòa nói chung, giúp cải thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai.
Theo như báo cáo của Tổng công ty Sonadezi, mức chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng sau khi thực hiện đề án là hơn 7,5 nghìn tỷ đồng.