Chủ nhà đòi bồi thường 3,9 tỷ mới di dời, chủ đầu tư chi 350 tỷ xây cầu vượt chạy vòng quanh thành điểm check-in đắt giá
Không tìm được tiếng nói chung, đường cứ xây và nhà vẫn ở khiến nơi đây trở thành một địa điểm ấn tượng.
Năm 2008, dự án xây dựng cầu vượt Hồng Đức, Trung Quốc đã được phê duyệt và khu dân cư tại đây được giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, một số hộ gia đình không đồng tình với tiền bồi thường và yêu cầu số tiền cao hơn. Gia đình ông Quách Chí Minh là gia đình "cứng" nhất khi không đồng ý với điều kiện đưa ra của chủ đầu tư.
Khi mới thương lượng với chủ đầu tư, ông Quách cho rằng gia đình ông khi đó gồm 7 người, trong đó có gia đình anh trai, gia đình riêng của ông và mẹ ông. Vì thế, khi được đền bù nhà mới để di cư, ông yêu cầu phải được nhận tiền đền bù tương đương 3 căn hộ, tức khoảng 1,2 triệu NDT (3,9 tỷ đồng).
Tuy nhiên, chủ đầu tư cho rằng, căn hộ của ông Quách vốn có 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, chỉ có thể tính giá bồi thường theo m2, việc đòi hỏi đền bù 3 suất nhà mới là vô lý. Chủ đầu tư chỉ có thể đền bù 400.000 NDT (1,3 tỷ đồng). Đôi bên không thể đạt được thoả thuận và cầu vượt cứ xây còn gia đình vẫn cứ ở.
Chủ đầu tư sẵn sàng bỏ ra thêm 100 triệu NDT (khoảng 350 tỷ đồng thời điểm xây dựng) để xây cầu vượt hình tròn, đi vòng qua toà nhà. Sau khi cầu vượt Hồng Đức xây xong thì đã hết hạn đền bù và gia đình ông Quách không còn nhận được tiền đền bù nữa.
Gia đình ông Quách vẫn sinh sống ở ngôi nhà giữa cầu vượt, không hề bị cắt dịch vụ điện nước. Thậm chí nhà thầu còn bỏ tiền trang bị thiết bị cách âm đặt gần toà nhà để bớt gây phiền phức cho gia đình ông. Chỉ có điều gia đình ông Quách phải sống chung với tiếng ô tô và khói bụi cả ngày. Hiện, những thành viên trong gia đình cũng chuyển đi, chỉ còn lại 3 thành viên sinh sống trong nhà này.
Sự độc đáo của cầu vượt và ngôi nhà vô tình trở thành điểm check-in lý tưởng cho du khách khi đến với thành phố Quảng Châu.
Ngôi nhà của ông Quách không phải là duy nhất nằm giữa đường tại Trung Quốc. Những ngôi nhà kỳ dị như thế này tại Trung Quốc được gọi là “hộ đinh”. Đây là vấn đề thường xuyên nảy sinh trong quá trình đô thị hóa hiện nay khi cư dân từ chối bồi thường, giải toả do không đạt được thoả thuận.
Lược dịch từ ABCnews, CBC.