Cầu đi bộ 1.000 tỷ đồng sắp án ngữ trên sông nổi tiếng nhất TP. HCM
Cây cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, đặt mục tiêu khởi công vào ngày 30/4/2025.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. HCM đã chủ trì cuộc họp về thẩm định hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, do Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (nhà tài trợ) thực hiện, theo báo Tuổi Trẻ.
Theo đó, sau cuộc họp nhà tài trợ sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh hồ sơ, dự kiến sẽ trình lên Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. HCM chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Trước đó, vào tháng 12/2023, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã ký kết biên bản thỏa thuận tài trợ về tài trợ công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng công trình cầu đi bộ đều do Nutifood chi trả.
Sau khi ký kết thỏa thuận tài trợ, phía Nutifood cũng đã lựa chọn đơn vị tư vấn là liên danh Công ty TNHH Chodai & Kiso - Jiban Việt Nam, Công ty TNHH Chodai, Công ty TNHH Kiến trúc Niwa nhằm tiến hành lập đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi cho công trình cầu đi bộ.
Đây là liên danh có chuyên môn cao trong việc thiết kế các công trình có kiến trúc phức tạp tại Nhật Bản, cũng là đơn vị từng đoạt giải nhất cuộc thi tuyển kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn với hình tượng lá dừa nước, được UBND TP. HCM chọn.
Một vài công trình đã từng qua "bàn tay" của 3 công ty thuộc liên danh này như: Cầu Trần Hưng Đạo, cầu vượt sông Đuống, cầu Cần Thơ, cầu Iwagi (Nhật Bản)...
Theo dự kiến, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn sẽ được Nutifood tiến hành lễ khởi công chính thức vào 30/4/2025 và khánh thành vào năm 2027 với tổng mức đầu tư khoảng gần 1.000 tỷ đồng, được triển khai theo phương án thiết kế hình tượng lá dừa nước.
Cầu đi bộ có vị trí xây dựng ở giữa cầu Ba Son và hầm sông Sài Gòn. Công trình này sẽ nối từ quận 1 sang KĐT mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. Phía quận 1, chân cầu dự kiến được xây dựng ở khu vực công viên bến Bạch Đằng, gần đường Nguyễn Huệ.
Trong khi đó phía bên Thủ Thiêm, chân cầu nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A - phía Nam quảng trường trung tâm của KĐT này, theo báo Vnexpress.
Cầu được thiết kế hình lá dừa, được đánh giá giúp cho mặt cầu thông thoáng, mở ra tầm nhìn cho người đi bộ phía trên công trình.
Đơn vị thiết kế cũng đưa ra phương pháp thi công vòm thép theo cách chế tạo sẵn các bộ phận sau đó tập kết đến công trường lắp ráp. Điều này sẽ giúp hạn chế ảnh hưởng đến giao thông và môi trường trong quá trình thi công cầu ở trung tâm thành phố.
Trên cầu cũng sẽ được bố trí mảng xanh cùng các tiện ích ghế ngồi, thùng rác, điểm dừng chân... tạo thuận tiện cho người dân đến vui chơi và giải trí.
Sau khi hoàn thành, công trình chỉ dành cho người đi bộ, phương tiện hỗ trợ người khuyết tật, cấm các hình thức buôn bán và kinh doanh.
Cầu sẽ có hệ thống chiếu sáng mỹ thuật về đêm tạo điểm nhấn trên sông Sài Gòn và là không gian trải nghiệm ánh sáng để người dân và du khách đi dạo vui chơi.
Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn sau khi hoàn thành sẽ kết nối công viên phía đối diện đường Tôn Đức Thắng, bố trí bãi đậu xe máy ở hai đầu để người dân dễ tiếp cận.
Lãnh đạo TP. HCM cũng đã yêu cầu các phương án cần bám sát nội dung thiết kế, kết nối phù hợp với khu vực xung quanh.
Sông Sài Gòn hay còn có tên gọi khác là sông Hồng Bàng có chiều dài 256km, đây là một trong những con sông nổi tiếng nhất tại TP. HCM. Không chỉ mang giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt, sông Sài Gòn còn có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, là "sợi dây thừng" bền chặt liên kết các cư dân vùng miền ven sông giao thương và buôn bán.