Cầu qua sông Thị Vải có bước ngoặt mới, từng bước giải 'bài toán khó' của tuyến cao tốc nối thông các tỉnh ở Đông Nam Bộ
Cầu bắc qua sông Thị Vải là phần quan trọng và khó khăn của tuyến cao tốc kết nối các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ.
Sau 7 năm khởi công, vào ngày 9/7 vừa qua, cây cầu bắc qua sông Thị Vải thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã chính thức hợp long. Cầu Thị Vải cùng một số cầu cạn thuộc gói thầu A7 của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc cao tốc Bắc Nam.
Cầu Thị Vải có tổng chiều dài 3,3km gồm cầu vượt sông và cầu cạn kết nối nút giao Quốc lộ 51 tại huyện Long Thành. Cầu có 77 trụ, trong đó có 4 trụ cầu dưới sông Thị Vải. Tổng vốn đầu tư cầu Thị Vải cùng cầu cạn là hơn 720 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng của toàn bộ gói thầu A7.
Gói thầu A7 cùng với gói thầu A5 và A6 nằm trong nhóm các gói thầu phía Đông của cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công vào cuối năm 2017. Tuy nhiên quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn do vấn đề về dịch bệnh và nguồn vốn. Gói thầu A7 với cầu Thị Vải cũng là hạng mục khó khăn nhất do địa chất phức tạp. Chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đặt kế hoạch hoàn thành toàn bộ gói thầu trong tháng này.
Về cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua địa phận 3 tỉnh là TP. HCM, Đồng Nai và Long An. Dự án có điểm đầu đi qua huyện bên Bến Lức, tỉnh Long An dài gần 5km và kết nối cao tốc TP. HCM - Trung Lương. Tại tỉnh Đồng Nai, nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối với huyện Long Thành ra Quốc lộ 51 đi các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng chiều dài cao tốc Bến Lức - Long Thành là 57,8km với mức đầu tư khoảng 31.320 tỷ đồng.
Đây được xem là cao tốc lớn nhất phía Nam, khi đưa vào sử dụng, tuyến đường giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, giảm ùn tắc cho TP. HCM. Dự kiến, tuyến cao tốc sẽ hoàn thành vào năm 2025.