Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Nền kinh tế thiệt đơn, thiệt kép
Theo ước tính của Kho bạc Nhà nước, tính đến hết tháng 10/2024, tổng khối lượng vốn đầu tư công giải ngân là 355.616 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, bằng 52,29% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Điều này được nhìn nhận có thể cản trở quá trình phục hồi và khiến nền kinh tế thiệt đơn, thiệt kép.
Nhiều khó khăn trong giải ngân đầu tư công
Theo Tổng cục Thống kê, cứ 1 đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn ngoài nhà nước đầu tư vào nền kinh tế.
Nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng 10% so với năm trước, GDP sẽ tăng thêm 0,6 điểm phần trăm. Đó là chưa kể, nếu hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng 1 điểm phần trăm thì sẽ thúc đẩy tăng thêm 0,12 điểm phần trăm cho GDP của đất nước.
Lợi ích và tác động của đầu tư công lớn như vậy nhưng theo thống kê của Kho bạc Nhà nước, tới hết tháng 10/2024, vốn đầu tư công mới giải ngân được 52% kế hoạch.
Trao đổi với Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, khẳng định việc vốn đầu tư công chậm sẽ khiến nền kinh tế thiệt đơn, thiệt kép.
“Vốn đầu tư công chậm sẽ khiến các công trình đầu tư chậm hoàn thành, dẫn đến lãng phí. Ngoài ra, việc chậm giải ngân sẽ khiến dòng vốn không được luân chuyển vào nền kinh tế, khi ấy vai trò ‘vốn mồi’ của đầu tư công đối với nền kinh tế sẽ không còn. Ngoài ra, Việt Nam vẫn phải đi vay rất nhiều để đầu tư nên nếu là ngân sách đi vay thì nhà nước sẽ phải trả lãi, nếu chậm giải ngân nhà nước sẽ thiệt hại”, ông Bình nói.
Lý giải về nguyên nhân của những chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công 2024, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết khó khăn lớn nhất nằm ở vật liệu thông thường để phục vụ cho thi công các công trình lớn, đặc biệt là các công trình giao thông.
“Vấn đề này liên quan đến rất nhiều luật khác, đặc biệt là luật về khoáng sản, cấp phép mỏ vật liệu cũng như việc cho phép bán các vật liệu thông thường phục vụ cho các công trình”, ông Phương nói.
Ở góc nhìn chuyên gia, trao đổi với Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho rằng có hai nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư. Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ tâm lý cố hữu đã tồn tại nhiều năm.
Tình trạng đầu năm giải ngân vốn đầu tư chậm, đến giữa năm tăng tốc và cuối năm đạt tốc độ cao đã gần như trở thành một “thông lệ”, một “đặc điểm” tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam, chứ không riêng đầu tư công.
Nguyên nhân thứ hai là những biến động về nhân sự quản lý các cấp từ trung ương và địa phương. Đáng nói, những biến động này lại tập trung ở phần lớn ở các cán bộ lãnh đạo, những người phải chịu trách nhiệm về đầu tư công của từng địa phương cũng như bộ ngành.
“Tất nhiên, khi nhân sự có biến động, sẽ ngay lập tức có phương án thay thế nhưng cán bộ thay thế cần thời gian để tiếp nhận công việc, nắm bắt thông tin và đưa ra quyết định”, ông Việt nói. Nhìn về mục tiêu giải ngân 95% số vốn đầu tư công trong năm nay, ông Việt cho rằng đây là mục tiêu khó thực thi, nhất là trong bối cảnh thời gian còn lại từ nay tới cuối năm không nhiều.
Tốc độ giải ngân không đồng đều giữa các bộ ngành và địa phương Nhìn sâu vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công, có thể thấy tốc độ giải ngân không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương và các chương trình mục tiêu khác nhau.
Cụ thể về kết quả giải ngân trong 10 tháng, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, hiện có 15 bộ, ngành và 41 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Tuy nhiên, còn tới 29 bộ, ngành và 22 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt có một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (do chưa phân bổ vốn); giải ngân rất thấp như: Ủy ban Dân tộc (1,12%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1,35%)…
Bộ Tài chính lý giải việc một số địa phương được giao kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (TP. HCM được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng đến hết tháng 10 mới giải ngân được 19,63%; TP. Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ nhưng tỷ lệ giải ngân cũng mới chỉ đạt 44,62%).
Đẩy mạnh vốn đầu tư công như thế nào?
Ông Việt cho rằng, không nên quy sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công ở các bộ, ngành, địa phương vào một vài lý do giống nhau. Mỗi dự án có một bối cảnh, chịu sự tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau, vì thế, gặp phải các vướng mắc dẫn đến tiến độ bị trì hoãn khác nhau.
“Chẳng hạn, theo thông tin tôi nắm được, tại dự án cao tốc Tiên Yên - Cao Bằng - Lạng Sơn, vướng mắc đang nằm ở đầu Lạng Sơn bởi địa phương này chưa kịp bổ sung quy hoạch đất liên quan đến giao thông.
Hay với dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), các khâu chuẩn bị của Tây Ninh đã hoàn tất nhưng khó khăn đang nằm ở chỗ cần một cơ chế để sử dụng nguồn lực lớn hơn từ ngân sách TP. HCM để đầu tư cho tuyến đường kết nối hai địa phương. Một dự án cao tốc khác tại khu vực Đông Nam bộ lại bị trì hoãn do vấn đề định giá đất, khiến việc giải phóng mặt bằng chậm trễ”, ông Việt phân tích.
Ở thời điểm hiện tại, để nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, trong lựa chọn dự án, ông Việt cho rằng cần ưu tiên những dự án có tính chất tăng cường kết nối hạ tầng, phục vụ sinh kế và sự phát triển kinh tế ở các địa phương, đặc biệt là những vùng xa, vùng khó khăn.
Cùng với đó, ông Việt cho rằng cần có sự đầu tư quyết liệt hơn cho khoa học công nghệ. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và phân cực về địa kinh tế - địa chính trị, nếu chỉ thụ động trông chờ vào đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ, nền kinh tế trong nước có nguy cơ phải đối diện với nhiều rủi ro.
Đầu tư vào các chương trình, dự án trọng điểm về khoa học và công nghệ là để bổ sung nội lực cho cả nền kinh tế trong tương lai.
Cuối cùng, ông Việt cho rằng cần tăng tốc độ triển khai dự án.
Lựa chọn dự án đúng trọng tâm, trọng điểm là bước đầu tiên, tiếp đến phải làm cho dự án sớm đi vào khai thác, mang lại tác động lan tỏa tới các ngành, các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng trước mắt và những năm tiếp theo.
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Trần Quốc Phương cho biết để đẩy nhanh vốn đầu tư công, Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập 7 Tổ công tác của Chính phủ do các phó thủ tướng và 2 bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng đi đôn đốc giải ngân.
“Cộng với cơ chế là các thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, có phân công các địa phương để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Hai cơ chế này vẫn đang diễn ra và các thành viên cũng rất là tích cực làm việc với các địa phương,” ông Phương nói.
Cùng đó, ông Trần Quốc Phương cũng cho biết nhóm giải pháp về tổ chức triển khai thực hiện đẩy nhanh đầu tư công cũng đang được hoàn thiện. Đây là nhóm giải pháp khá khó mà trách nhiệm chính thuộc về các bộ, ngành, địa phương.