Chậm gửi kinh phí bảo trì, một doanh nghiệp bị xử phạt 180 triệu đồng
Công ty TNHH An Quý Hưng bị xử phạt 180 triệu đồng với hành vi chậm gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn tại tổ chức tín dụng. Đồng thời, doanh nghiệp phải gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đúng quy định.
Bị xử phạt 180 triệu đồng
UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 2557/QĐ-XPVPHC ngày 21-7-2022 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH An Quý Hưng (Km28 quốc lộ 6A, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ) vì đã có hành vi chậm gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn tại tổ chức tín dụng.
Theo đó, Công ty TNHH An Quý Hưng bị xử phạt 180 triệu đồng và buộc gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đúng quy định. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định.
Trước đó, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra việc thu, nộp và sử dụng kinh phí bảo trì của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nhà chung cư cao tầng – khu C thuộc dự án Khu nhà ở Thượng Thanh, phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Dự án do Công ty TNHH An Quý Hưng là chủ đầu tư. Qua đó, Đoàn Thanh tra đã phát hiện hành vi vi phạm nêu trên của chủ đầu tư.
Dự án do Công ty TNHH An Quý Hưng là chủ đầu tư. Qua đó, Đoàn Thanh tra đã phát hiện hành vi vi phạm nêu trên của chủ đầu tư, đồng thời báo cáo, kiến nghị UBND TP Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm.
Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư vẫn còn nhiều bất cấp, gây nhiều bức xúc cho người dân. Trong đó, việc chủ đầu tư "om" hay không bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị các nhà chung cư cũng diễn ra khá phổ biến.
Trước vấn đề trên, UBND TP Hà Nội đã giao các đơn vị chuyên môn, trong đó giao Sở Xây dựng thanh tra chuyên ngành về nhà ở trên địa bàn thành phố, tăng cường thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì các nhà chung cư; Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định.
Công an thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định.
Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng giao các quận, huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư; Trong đó, chú trọng đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư...
An Quý Hưng gây chú ý sau thương vụ thâu tóm Vinaconex.
Theo nguồn tin trên website, An Quý Hưng được biết là một tổng thầu chuyên xây dựng các dự án 100% vốn FDI tại Việt Nam. Doanh nghiệp được thành lập vào tháng 4/2001, có địa chỉ tại km28 quốc lộ 6A, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật hiện là ông Nguyễn Xuân Tùng (sinh năm 1994). Doanh nghiệp này đăng ký ngành nghề hoạt động chính là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo nguồn tin từ vneconomy, An Quý Hưng được biết đến chủ yếu qua thương vụ mua lại 255 triệu cổ phiếu VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), tương ứng tỉ lệ sở hữu 57,71%, trị giá 7.366 tỉ đồng cuối năm 2018, cao hơn 2.000 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm của SCIC. Ở thời điểm thâu tóm Vinaconex, An Quý Hưng “gây sốc” cho giới tài chính khi đã vượt qua nhiều đối thủ khi chi tới 7.400 tỷ đồng cho thương vụ.
Ngay sau đấu giá, nhiều lo ngại về nguồn tiền mua lô cổ phiếu Vinaconex được đặt ra, bởi quy mô cuả An Quý Hưng lúc đó khá nhỏ so với Vinaconex. Vốn hoá của Vinaconex lên tới 12.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối 2018 cũng vượt 20.000 tỷ.
Trong khi đó, theo hồ sơ thẩm định đấu giá được công bố, đầu năm 2018, An Quý Hưng chỉ có tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng và tổng cộng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, công ty đạt 956 tỷ đồng doanh thu thuần và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Vốn điều lệ công ty cuối năm 2018 là 500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông cũng rất cô đặc khi ông Nguyễn Xuân Đông (Tổng Giám đốc và đại diện theo pháp luật của An Quý Hưng khi đó) nắm giữ 78,4% cổ phần và vợ ông Đông – bà Đỗ Thị Thanh nắm giữ phần còn lại.
Điều này tạo ra một nghịch lý lơn khi An Quý Hưng là công ty nhỏ nhưng lại trở thành công ty mẹ của một doanh nghiệp lớn như Vinaconex.
Theo nguồn tin từ vneconomy, sau thương vụ, nhóm An Quý Hưng chính thức nắm quyền chi phối ở Vinaconex. Cùng với quá trình thâu tóm, nhiều diễn biến tài chính của công ty mẹ Vinaconex được hé lộ. Tổng tài sản của An Quý Hưng trong 1 năm đã tăng phi mã, từ mức 1.000 tỷ đầu năm 2018 đã tăng lên gần 12.700 tỷ đồng, trong đó nợ đầu năm là hơn 534 tỷ đồng nhưng nợ cuối năm là hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, hầu hết những tài sản mà An Quý Hưng có đều là tài sản vay, huy động vốn.
Đến đầu năm nay, An Quý Hưng đã chuyển nhượng toàn bộ gần 278 triệu cổ phần VCG, tương đương 62,9% vốn điều lệ tại Vinaconex theo đăng ký trước đó. Công ty mẹ của Vinaconex cho biết mục đích giao dịch để chuyển quyền sở hữu chứng khoán do góp vốn bằng cổ phần vào doanh nghiệp.
CTCP Đầu tư Pacific Holdings – tổ chức liên quan tới nhiều lãnh đạo của Vinaconex, là bên nhận chuyển nhượng. Trước giao dịch, Pacific Holdings không sở hữu cổ phiếu VCG nào.
Pacific Holdings là công ty con của An Quý Hưng, riêng An Quý Hưng đã sở hữu tới 99,9% cổ phần của doanh nghiệp này. 4 cổ đông sáng lập còn lại lần lượt là ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex; ông Dương Văn Mậu, Thành viên HĐQT Vinaconex; ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Vinaconex và ông Nguyễn Hữu tới, Thành viên HĐQT Vinaconex.