Chậm nộp BCTC kiểm toán 2022, cổ phiếu HBC bị đưa vào diện kiểm soát

HOSE vừa ra quyết định chuyển cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ 15/5/2023.

 

Một dự án do Hòa Bình thi công trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM.
Một dự án do Hòa Bình thi công trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM.

Lý do Hòa Bình chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 38 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Đồng thời, cổ phiếu HBC được theo dõi ở diện kiểm soát theo Quyết định số 165/QĐ-SGDHCM ngày 10/4/2022 của Tổng Giám đốc HOSE do công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm đã kiểm toán trong 2 năm liên tiếp.

Được biết, HOSE đã đưa cổ phiếu HBC vào diện cảnh báo từ ngày 25/4/2023 do công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 15 ngày so với thời hạn quy định.

Trong công văn giải trình về việc chậm nộp báo cáo tài chính 2022 đã được kiểm toán, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình cho biết, trong thời gian vừa qua, công tác quản trị nội bộ của công ty đã phát sinh một số vấn đề. Ban điều hành cùng toàn thể công nhân viên phải tập trung toàn lực để giải quyết các vấn đề trên. Điều này ảnh hưởng đến các hoạt động xuyến suốt của công ty, trong đó có việc hoàn thành báo cáo tài chính năm theo đúng thời hạn.

Ông Lê Viết Hải cho biết thêm, hiện tại, các vấn đề quản trị nội bộ của Tập đoàn Hòa Bình đã được giải quyết hoàn toàn, công ty đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để sớm hoàn thành và công bố báo cáo tài chính, dự kiến chậm nhất vào 30/5/2023. Trong năm 2024, Tập đoàn Hòa Bình sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định về việc công bố báo cáo tài chính năm 2023 theo đúng hạn.

Theo báo cáo tài chính quý 4/2022 hợp nhất, trong năm 2022, Hòa Bình đạt 14.123 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước (YoY); lỗ sau thuế 1.241 tỷ đồng trong khi năm trước đó đạt 103 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Nguyên nhân thua lỗ do lợi nhuận gộp giảm mạnh, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao. Trong năm vừa qua, lợi nhuận gộp của của Hòa Bình giảm 545 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm mạnh từ mức 7,07% của năm 2021 về mức 1,83%.

Chi phí lãi vay tăng 74,2% YoY (+222 tỷ đồng) do lãi suất tăng cao và dư nợ tại 31/12/2022 lên đến 6.648 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 129% YoY (+530 tỷ đồng) do dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng 109,6% YoY (+405 tỷ đồng).

Doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế của Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2022 và kế hoạch dự kiến 2023 (đơn vị tính: tỷ đồng).
Doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế của Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2022 và kế hoạch dự kiến 2023 (đơn vị tính: tỷ đồng).

Chưa dừng ở đó, trong quý 1/2023, Hòa Bình tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Công ty đạt 1.194 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 60% YoY; lỗ 444 tỷ đồng trong khi cùng kỳ ghi nhận 13 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Đáng chú ý là công ty bắt đầu ghi nhận lỗ gộp 203 tỷ đồng bên cạnh doanh thu tài chính giảm mạnh còn chi phí tài chi tài chính tăng cao. Tại thời điểm 31/3/2023, công ty ghi nhận 1.137 tỷ đồng lỗ lũy kế.

Do gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh nên cổ phiếu HBC của Hòa Bình đã giảm 8,5% từ đầu năm đến nay. Đóng cửa ngày 10/5, HBC đạt 8.430 đồng/cổ phiếu khiến vốn hóa chỉ còn 2.220 tỷ đồng.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và cuộc sống