Chi 750 tỷ đồng nâng cấp tuyến huyết mạch nối Kiên Giang với TP lớn nhất vùng hạ lưu sông Mê Kông
Tuyến đường huyết mạch nối tỉnh duy nhất trên cả nước sở hữu sân bay quốc tế, sân bay nội địa cùng cảng biển với TP lớn nhất vùng hạ lưu sông Mê Kông được duyệt chi 750 tỷ đồng nâng cấp, tu bổ.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây đã phê duyệt đầu tư Dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, trên địa phận TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang với tổng mức đầu tư khoảng 750 tỷ đồng.
Dự án bao gồm các hạng mục chính như cào bóc tái chế gia cố lớp móng, thảm bê tông nhựa mặt đường, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.
Liên danh CTCP Hải Đăng - CTCP Công trình Giao thông Sài Gòn được chọn là nhà thầu xây lắp của dự án.
Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trước ngày 31/12/2025, chủ đầu tư dự án là BQLDA Mỹ Thuận.
Tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi giai đoạn 1 có chiều dài 51,5km, nền đường rộng 17m với quy mô 4 làn xe đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 1/2021; đây một phần của tuyến đường Hồ Chí Minh khu vực phía Nam dài khoảng 440km nối từ Châu Thành (Bình Phước) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang) và kết thúc tại mũi Cà Mau.
Sau khi hoàn thành, tuyến này sẽ tạo thêm một trục dọc "xương sống" ở Nam Bộ, bên cạnh Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng mức đầu tư 6.355 tỷ đồng, trong đó 4.550 tỷ là vốn vay ODA của chính phủ Hàn Quốc, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án được khởi công tháng 1/2016 và hoàn thành tháng 1/2021.
Bên cạnh tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tuyến đường nối cầu Vàm Cống (gần Lộ Tẻ) đến cầu Cao Lãnh cũng chuẩn bị được nâng cấp thành đường cao tốc từ cuối năm 2024 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Tuyến cao tốc Cao Lãnh - Mỹ An hiện đang chuẩn bị xây dựng. Sau khi hoàn thành, trục đường Hồ Chí Minh khu vực phía Nam nối từ Đức Hoà (Long An) đến Rạch Giá (Kiên Giang) sẽ dần lộ rõ hình hài.
Dự án có điểm đầu tại Km02+104.11 thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ), kết nối với dự án xây dựng cầu Vàm Cống (đã hoàn thành và đưa vào khai thác).
Điểm cuối của dự án tại Km53+553 thuộc địa bàn huyện Châu Thành (Kiên Giang), kết nối với dự án tuyến tránh của TP. Rạch Giá.
Theo BQLDA Mỹ Thuận, vì nguồn vốn hạn chế nên ở thời điểm đó, tuyến đường chỉ hoàn thiện theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng, mặt đường láng nhựa và đây cũng chưa phải là tuyến đường cao tốc.
Tổng mức đầu tư của tuyến đường lúc đó khoảng 6.355 tỷ đồng; suất đầu tư khoảng 90 tỷ đồng/km so với suất đầu tư theo quy định của Bộ Xây dựng 170 tỷ đồng/km).
Sau thời gian đưa vào khai thác, tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã ổn định lún và đủ điều kiện để thảm bê tông nhựa mặt đường, giúp tăng cường độ êm cho các phương tiện lưu thông.
Tuy nhiên hiện nay, do mặt đường hiện hữu là mặt đường quá độ nên khi vào mùa mưa, một số vị trí mặt đường xuất hiện nhiều khuyết điểm như ổ gà, bong tróc và gợn sóng.
Trước tình trạng này, BQLDA Mỹ Thuận đã cử các kỹ sư bám sát và túc trực tại công trường, đôn đốc nhà thầu thi công tiến hành dặm vá nhằm đảm bảo lưu thông của các phương tiện được thông suốt.
Tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như kết giao giao thông khu vực ĐBSCL.
Tuyến đường đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Cần Thơ đến TP. Rạch Giá từ 1h30 phút xuống còn 50 phút, tăng cường năng lực cũng như hiệu quả khai thác của tuyến đường liên vận quốc tế nối liền với Campuchia, Thái Lan đến Việt Nam.
Cùng với các dự án kết nối trung tâm ĐBSCL, tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối các tuyến giao thông trọng điểm, hình thành mạng lưới giao thông đường bộ hiện đại của khu vực Tây Nam Bộ, đảm bảo về quốc phòng và an ninh cho khu vực.
Cần Thơ là TP trực thuộc Trung ương lớn thứ 4 của cả nước về cả diện tích và dân số, đây cũng là thành phố lớn nhất vùng hạ lưu sông Mê Kông.
Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045, Cần Thơ sẽ phấn đấu trở thành thành phố thông minh, đáng sống và là điểm đến hấp dẫn về dịch vụ, tiêu dùng chất lượng cao.
Trong khi đó, Kiên Giang là tỉnh duy nhất tại Việt Nam sở hữu cả sân bay quốc tế, sân bay nội địa và cảng biển; tỉnh này hiện có sân bay Quốc tế Phú Quốc; sân bay Rạch Giá và một số cảng biển như cảng Lình Huỳnh (huyện Hòn Đất), cảng xã Tiên Hải (TP. Hà Tiên), cảng xã đảo Sơn Hải và Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương), cảng Xẻo Nhàu (huyện An Minh)...