Chiến lược gom tiền rẻ: Cuộc đua CASA ngày càng khốc liệt
Cuộc đua gia tăng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giữa các nhà băng đang ngày càng trở nên gay cấn. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ CASA trong hệ thống ngân hàng đã có sự biến động.
Gay cấn cuộc đua gia tăng CASA
CASA (Current Account Savings Account) được định nghĩa là tiền gửi không kỳ hạn. Đây chính là loại tiền gửi ngân hàng mà khách hàng chủ động gửi, thực hiện thanh toán thường xuyên và hưởng lãi suất không kỳ hạn với lãi suất rất thấp (0,1-0,5%) được tính qua ngày.
Tỷ lệ CASA là một trong những chỉ số quan trọng nhất để đánh giá tiềm lực của một ngân hàng. Chỉ số này thể hiện khả năng huy động vốn rẻ của ngân hàng, phản ánh khả năng sinh lời hoặc khả năng tạo ra lợi nhuận của ngân hàng.
Hiện các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng càng lớn thì càng có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Đây cũng là tiền đề giúp ngân hàng có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay.
Nếu như một năm trước, môi trường lãi suất cao là lý do chính khiến CASA toàn thị trường sụt giảm thì 2024 được dự báo là năm mà các ngân hàng sẽ có “thuận lợi kép” để cải thiện chi phí vốn. Kể từ nửa cuối 2023, lãi suất giảm đã thu hẹp chênh lệch mức sinh lời giữa tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi không kỳ hạn.
Cuộc đua gia tăng tỷ lệ CASA đang ngày càng trở nên gay cấn trong hệ thống ngân hàng. Mặt bằng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn duy trì ở mức thấp là điều kiện tác động tích cực lên tỷ lệ CASA ở nhiều nhà băng tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm nay.
Thống kê từ báo cáo tài chính ngành ngân hàng trong quý II/2024 cho thấy, chỉ số CASA đã có sự biến động đáng kể, khi trong nửa đầu năm 2024 có hơn 10 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA giảm sút.
Đáng chú ý là MB vươn lên vị trí dẫn đầu với tỷ lệ CASA đạt 37,8%, sau khi tăng 1,8 điểm phần trăm nhờ nền tảng khách hàng lớn và giao dịch qua kênh số.
Trong khi đó, Techcombank đã lùi 1 bậc xuống vị trí thứ 2 với tỷ lệ CASA cuối quý II/2024 là 37,4%, giảm 2,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2023. Dù vậy, số dư CASA của Techcombank vẫn giữ ở mức cao, hơn 180.000 tỷ đồng.
Vietcombank duy trì vị trí thứ 3 với tỷ lệ CASA đạt 34,2%, tăng nhẹ 0,3 điểm phần trăm so với mức 33,9% vào cuối năm ngoái.
Tương tự, MSB vẫn giữ vị trí thứ 4, đạt 26,2%, dù giảm 0,1 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.
Vị trí tiếp theo là VietinBank khi vượt ACB để đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng với tỷ lệ CASA đạt 22,5%. Tỷ lệ này tăng 0,1 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.
Đứng thứ 6 là ACB với tỷ lệ CASA đạt 22,3%, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái.
Xếp vị trí thứ 7 là TPBank khi tỷ lệ CASA giảm 0,6 điểm phần trăm xuống mức 22,1%.
Sacombank đứng vị trí thứ 8 khi có tỷ lệ CASA tại thời điểm cuối quý II/2024 đạt 18,6%, tăng 0,2 điểm phần trăm.
BIDV đứng vị trí thứ 9 với tỷ lệ CASA đạt 18,5%, giảm 1,3 điểm % so với thời điểm cuối năm trước
Vị trí còn lại trong Top 10 thuộc về VPBank với tỷ lệ CASA đạt 17,9%, tăng 0,5 điểm phần trăm.
Xét về tốc độ tăng trưởng, SeABank là ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh nhất về CASA. Số dư CASA của ngân hàng này ở mức 19.079 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cuối năm ngoái.
Ngoài top 10 nêu trên, chỉ có 3 ngân hàng có mức tăng trưởng về tỷ lệ CASA trên 1 điểm % tính đến hết quý 2/2024. Đó là VIB tăng 1,5 điểm %, đạt 14,8%; Eximbank tăng 1,1 điểm %, đạt 17,2% và BVBank tăng 1 điểm %, đạt 6,8%.
Ở chiều ngược lại, có nhiều ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm mạnh so với cùng kỳ như như PGBank (giảm 2,8 điểm %); Bac A Bank (giảm 1,8 điểm %); HDBank (giảm 1,3 điểm %)...
Cách nào "hút" CASA?
Nâng cao tỷ lệ CASA là nội dung được cổ đông của nhiều ngân hàng quan tâm tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024. Đây cũng là vấn đề được các nhà băng luôn chú trọng.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều nhà băng nhận định “hút” CASA là một bài toán không hề dễ dàng cho bất cứ một ngân hàng nào, nhất là trong bối cảnh lãi suất huy động đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.
Chia sẻ với báo giới mới đây, ông Jens Lottner, CEO Techcombank, cho biết, lý do CASA ngân hàng bị giảm là vì nhóm khách hàng khá giả đang chuyển tiền nhàn rỗi sang đầu tư vào nhiều lớp tài sản khác nhau như bất động sản, trái phiếu. Do tỷ trọng nhóm khách hàng này lớn, CASA của Techcombank có thể biến động nhiều hơn so với các ngân hàng khác.
Lãnh đạo Techcombank cũng nhìn nhận đây không phải là yếu tố mà bản thân ngân hàng có thể kiểm soát.
CASA có ưu thế là lãi rẻ hơn so với huy động có kỳ hạn, nhưng nhược điểm là khách có thể rút ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, để giữ được lượng CASA, các ngân hàng cần chú trọng hơn nữa chất lượng dịch vụ.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh ngân hàng nào cũng muốn gia tăng CASA, để hút được nguồn lực này, các ngân hàng cần có những cách làm mới, sáng tạo hơn.
Chẳng hạn, các ngân hàng phải tạo ra hệ sinh thái giao dịch trực tuyến hoàn thiện, như: phải đầu tư mạnh vào công nghệ để số hóa các dịch vụ từ thanh toán đến cho vay, kết nối với ví điện tử, công ty tài chính, bảo hiểm.
Có thể thấy, những ngân hàng đầu tư mạnh cho chuyển đổi số đang có lợi hơn trên đường đua CASA, bởi khi càng có nhiều dịch vụ vừa tiện, vừa rẻ, sẽ càng có nhiều người lựa chọn đó là ngân hàng chính và để tiền giao dịch thường xuyên hơn.
Thêm nữa, ngân hàng phải có thêm các ưu đãi phí, hoàn tiền… Cùng với đó, các ngân hàng cần gia tăng sự thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng. Có như thế mới khuyến khích người dân để tiền trong tài khoản thanh toán, qua đó giúp tăng CASA.
Các chuyên gia dự báo, tỷ lệ CASA trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, thu nhập của người dân tốt hơn, tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán sẽ nhiều hơn.
Theo PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, đánh giá tuy người dân có dấu hiệu chuyển hướng sang kênh đầu tư phù hợp, nhưng chưa rõ ràng hình thành nên xu hướng tiết kiệm hay đầu tư. Dòng tiền vẫn nằm trong ngân hàng chờ cơ hội đầu tư sang những kênh khác và điều này sẽ tiếp tục tạo ra việc tăng tiết kiệm và tăng CASA, giúp ngân hàng tiết kiệm được chi phí, duy trì NIM tăng.