Chính phủ gỡ vướng cho 'siêu dự án' chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP. HCM

Chính phủ đã có nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 212/NQ-CP nhằm tháo gỡ các vướng mắc pháp lý then chốt cho "siêu dự án" Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) và Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1 (đoạn 3 - đường Vành đai 2 TP. HCM).

Chính phủ gỡ vướng cho 'siêu dự án' chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP. HCM - Ảnh 1

Trong đó, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) là một trong những dự án trọng điểm của thành phố, đóng vai trò quan trọng trong chương trình đột phá "Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng". Dự án được triển khai nhằm kiểm soát triều cường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho khu vực có diện tích 570km2, bảo vệ khoảng 6,5 triệu người dân sinh sống tại bờ hữu sông Sài Gòn và khu vực trung tâm TP. HCM.

Bắt đầu khởi công từ giữa năm 2016, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018 với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do các khó khăn trong giải phóng mặt bằng và huy động vốn, tiến độ hoàn thành đã nhiều lần bị trì hoãn. Dự án đã hoàn thành hơn 90% song vướng pháp lý, thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư nên dự án đã ngưng trệ nhiều năm nay.

Theo Nghị quyết 212 của Chính phủ, TP. HCM được phép lập, thẩm định, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi hai dự án BT trên. Đối với dự án ngăn triều, TP. HCM được thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất, nếu giá trị đất nhỏ hơn giá trị công trình BT (đã rà soát, loại bỏ chi phí bất hợp lý...), phần chênh lệch sẽ thanh toán bằng tiền từ vốn đầu tư công của TP. HCM. Thành phố chịu trách nhiệm trong việc xác định giá đất, tiền sử dụng đất... của những khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư.

Chính phủ cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét thực hiện việc kiểm toán dự án làm cơ sở tổ chức thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, sớm đưa dự án vào vận hành, khai thác, không để lãng phí thất thoát.

Ngoài ra, Chính phủ lưu ý chỉ xem xét, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan mà nguyên nhân dẫn đến vi phạm do lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc do lỗi của cả cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư. Thẩm quyền xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án đầu tư thuộc cấp nào thì cấp đó xử lý.

Quá trình giải quyết phải bảo đảm kịp thời, khả thi, đúng quy định pháp luật, phù hợp với thực tiễn khách quan; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí ngân sách và tài sản của Nhà nước; không hợp pháp hóa sai phạm, không để sai chồng sai.

PV

Theo Vietnamfinance