Chính phủ yêu cầu NHNN báo cáo phương án xử lý Ngân hàng SCB

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước khẩn trương hoàn thành việc định giá các ngân hàng yếu kém để sớm thực hiện chủ trương chuyển giao bắt buộc; hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý Ngân hàng SCB.

Đó là yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 20 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024.

Tại nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện hạn mức tín dụng năm 2024, điều hành linh hoạt, kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kiên quyết chống tiêu cực trong cung ứng tín dụng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu nhà điều hành theo dõi chặt chẽ diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong mua, bán vàng, ngoại tệ và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, Chính phủ còn yêu cầu NHNN phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước khẩn trương hoàn thành việc định giá các ngân hàng yếu kém để sớm thực hiện chủ trương chuyển giao bắt buộc; hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Qua đó, có giải pháp hiệu quả kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, bảo đảm an ninh, kỷ luật thị trường tiền tệ, ngân hàng.

SCB là 1 trong 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank và SCB.

SCB là ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt.

Hồi đầu năm nay, trong báo cáo gửi tới cuộc họp Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trong lĩnh vực ngân hàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay giai đoạn 2021 - 2023, NHNN đã triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Với các ngân hàng, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, NHNN đã báo cáo Thủ tướng về chủ trương xử lý.

Riêng với SCB, từ báo cáo và đánh giá tổng thể thực trạng, đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB và ban kiểm soát đặc biệt SCB, NHNN đã có báo cáo Thủ tướng về chủ trương xử lý SCB.

Theo đó, hướng xử lý được đưa ra trên cơ sở đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB và Ban kiểm soát đặc biệt ngân hàng này.

Báo cáo cho biết NHNN đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư để sớm trình Chính phủ phương án cơ cấu lại ngân hàng này theo quy định.

Mai Anh

Theo VietnamFinance