Chính phủ yêu cầu NHNN xử lý các ngân hàng yếu kém

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới.

Chính phủ yêu cầu NHNN xử lý các ngân hàng yếu kém - Ảnh 1

Đó là nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 vừa được Chính phủ ban hành.

Trong nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo để nghiên cứu chiến lược và kịp thời điều hành, có các phản ứng chính sách hiệu quả, phù hợp để ứng phó với các vấn đề phát sinh.

Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát; có các giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường khác; điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu NHNN tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tăng cường công tác thanh tra, giám sát.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 3 năm nay.

Cuối năm 2021, đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025” đã được thông qua.

Ngay trong văn bản chỉ đạo đầu tiên sau Tết 2022, tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu NHNN triển khai ngay việc cơ cấu lại 2 ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương, tiếp tục xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn lại.

Việc tái cơ cấu đã thành chủ đề nóng trong mùa đại hội cổ đông năm 2022 khi những kế hoạch tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt được nhiều ngân ngân hàng công khai xin ý kiến cổ đông.

Trong số đó, có 3 ngân hàng TMCP làm ăn thua lỗ được nhà nước mua lại với giá 0 đồng và giao cho các “ông lớn” nhóm Big 4 hỗ trợ quản lý điều hành. Cụ thể, OceanBank và GPBank được giao cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) hỗ trợ. Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) hỗ trợ CBBank… Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cũng thuộc diện kiểm soát đặc biệt do làm ăn thua lỗ kéo dài.

Trước đây, việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém kỳ vọng sẽ được đẩy nhanh sau quyết định mua lại 0 đồng. Sau khi được giao hỗ trợ, các ngân hàng lớn đã cử nhân sự sang làm lãnh đạo cấp cao, cùng với đó là các hỗ trợ khác về nhân sự, quản trị… với mục tiêu ban đầu sau 3 – 4 năm sẽ khắc được khó khăn và tìm hướng để tái cơ cấu và phát triển. Tuy nhiên, sau thời gian dài hơn dự kiến, các ngân hàng 0 đồng bị kiểm soát đặc biệt vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Con số thua lỗ của 3 ngân hàng không công bố chính thức nhưng đã từng được hé lộ lên tới vài chục nghìn tỷ đồng.

Mai Anh

VietnamFinance