Chính sách cần tập trung vào doanh nghiệp bất động sản không sở hữu ngân hàng

Phát biểu tại hội thảo “Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng”, sáng 19/4, TS Nguyễn Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhấn mạnh: Các chính sách cần tập trung vào các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) không sở hữu ngân hàng chứ không phải doanh nghiệp chung chung.

Thị trường BĐS Việt Nam tiếp tục xu hướng trầm lắng trong quý I/2023. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này, nhưng có 3 vướng mắc chính.

Vướng mắc pháp lý là rào cản, khó khăn lớn nhất hiện tại. Trong đó, quy định pháp lý của lĩnh vực đất đai, xây dựng và BĐS hết sức phức tạp, liên quan đến hơn 100 Luật, Nghị định, Thông tư.

Tiếp đó là vấn đề cung - cầu và giá cả. Do vướng pháp lý nên ít dự án được phê duyệt kịp thời do vậy dẫn đến thiếu nguồn cung, nhất là phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội... Ngoài ra, nguồn vốn đối với thị trường BĐS đang “tắc” ở nhiều kênh.

Chính sách cần tập trung vào doanh nghiệp bất động sản không sở hữu ngân hàng - Ảnh 1

Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng”. Ảnh: Hoài Anh

Trước các thách thức này, TS Cấn Văn Lực- chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, trách nhiệm xây dựng thị trường BĐS phát triển bền vững cần sự tham gia của nhiều chủ thể trong xã hội.

Đối với cơ quan quản lý cần nhìn nhận rõ thực tế thị trường. Qua đó, cần cách tiếp cận phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính, kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro, tận dụng được cơ hội mới.

“Cần sớm giải quyết, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, đẩy nhanh rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc tại các dự án BĐS; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, chương trình phục hồi; chú trọng điều tiết cung - cầu hợp lý giữa các phân khúc và giá BĐS.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, bảo đảm đồng bộ, nhất quán giữa các bộ luật liên quan. Đặc biệt, cần có quy định rõ ràng hơn trong phân nhóm các phân khúc BĐS để có chính sách tín dụng, vốn và tài chính phù hợp”, ông Lực nói.

Đồng tình với ý kiến của ông Lực, TS Nguyễn Xuân Nghĩa- thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhấn mạnh: Khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay là vấn đề pháp lý, vì vậy phía Nhà nước cần có những động thái mạnh mẽ hơn nữa.

Cần yêu cầu các chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch đất đai liên quan đến thị trường BĐS và giải quyết dứt điểm, nhanh chóng các vấn đề về thủ tục cho các dự án.

Cụ thể là định giá đền bù giải phóng mặt bằng; định giá thuế quyền sử dụng đất; đấu thầu… cần phải làm nhanh để các dự án nhanh chóng được khởi công xây dựng.

Bên cạnh đó, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, để tránh hoang mang và khiến tình hình trở nên xấu hơn.

Đáng chú ý, ông Nghĩa đưa ra thực trạng: Các doanh nghiệp BĐS điêu đứng hiện nay đều là các doanh nghiệp không sở hữu ngân hàng.

“Chúng ta có hàng ngàn doanh nghiệp BĐS nhưng chỉ có số ít doanh nghiệp BĐS sở hữu ngân hàng. Những doanh nghiệp sở hữu ngân hàng đều đứng vững vì họ có thể tái cấu trúc lại, cho vay mới, đảo nợ. Vì vậy, các chính sách cần tập trung vào các doanh nghiệp BĐS không sở hữu ngân hàng chứ không phải doanh nghiệp chung chung”, ông Nghĩa khuyến nghị.

Chính sách cần tập trung vào doanh nghiệp bất động sản không sở hữu ngân hàng - Ảnh 2

TS Nguyễn Xuân Nghĩa khuyến nghị chính sách cần tập trung vào doanh nghiệp bất động sản không sở hữu ngân hàng.

Về giải pháp cho doanh nghiệp, ông Angus Liew- Chủ tịch Công ty Gamuda Land Việt Nam nêu quan điểm: Doanh nghiệp BĐS cần có kế hoạch cụ thể, khả thi trong việc thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (nhất là giai đoạn 2023-2024).

Doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có kênh phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, mua bán và sáp nhập...). Cùng với đó là đưa ra kế hoạch huy động vốn cần gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể. Chính phủ nên tiếp tục hoàn thiện cơ chế đấu thầu dự án, sao cho quá trình đấu thầu diễn ra minh bạch và hiệu quả hơn.

Ông Angus Liew đề xuất là nên thành lập một tổ tư vấn chuyên biệt có sự tham gia của các chủ đầu tư trong và ngoài nước để cùng Chính phủ tìm ra phương án cải tiến thủ tục phê duyệt dự án.

Đưa ra lời khuyên cho khách hàng, ông Võ Hồng Thắng- Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam gợi ý: Khách hàng cần trang bị đầy đủ kiến thức về thị trường, pháp lý; Có tầm nhìn, chiến lược đầu tư trong trung và dài hạn, tránh tâm lý lướt sóng; Đặc biệt cần cân nhắc tỉ lệ đòn bẩy tài chính, vay mua BĐS.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam