Chính thức kích hoạt làn sóng tăng mạnh lãi suất
FED tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phản ứng tức thì với việc tăng lãi suất điều hành. Hệ quả của việc này là làn sóng tăng lãi suất cuối năm chính thức được kích hoạt. Cùng với tỷ giá nóng bỏng, lãi suất tăng đặt nhà điều hành trước nhiều thách thức.
Tăng mạnh hơn dự báo
Ngày 21/9, FED đã quyết định tăng tăng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản lên biên độ mới từ 3,0% đến 3,25%.
Đây là điều đã được dự báo, tuy nhiên điểm đáng chú ý là FED một lần nữa nhấn mạnh về lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Cụ thể, FED đã đưa ra quan điểm về việc thắt chắt chính sách tiền tệ, theo đó các quan chức FED dự báo lãi suất điều hành có thể tăng lên mức 4,25 - 4,5% vào cuối năm 2022 (tương đồng với kỳ vọng của thị trường trước khi cuộc họp diễn ra) và 4,5 - 4,75% vào cuối năm 2023
Phản ứng trước diễn biến có phần bất lợi trên thị trường quốc tế, chiều ngày 22/09, NHNN Việt Nam đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, trong đó lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5% và trần lãi suất cho vay qua đêm & thanh toán bù trừ tăng từ 5% lên 6%.
Theo nhận định từ VNDIRECT, đây là hành động là tương đối quyết liệt và kịp thời của cơ quan điều hành trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế. Tuy vậy, mức tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành có gây ra chút ít bất ngờ và với mức tăng cao này ít có khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022.
Phân tích kỹ thuật về quyết định của NHNN, một chuyên gia ngân hàng cho rằng đây là điều không thể tránh khỏi, các ngân hàng quốc gia trên thế giới đều tăng lãi suất và Việt Nam không thể đi ngược xu hướng.
Khi Covid - 19 bùng nổ, FED hạ lãi suất xuống 0%, Việt Nam giảm lãi suất chính sách từ 6% xuống 4% để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, từ đầu năm khi FED liên tục tăng lãi suất và đã đẩy lãi suất cho vay qua đêm từ 0% lên 3,25% - 3,5%, lập đỉnh kể từ năm 2008.
“Khi lãi suất của FED là 2,5% thì lãi suất chính sách của Việt Nam là 4%. Do VND yếu hơn nên phải để chênh lệch lãi suất ở mức độ phù hợp, không thể để ngang bằng hoặc biên độ hẹp. Khi FED tăng tiếp lên mức 3,25%, nếu lãi suất chính sách của VND vẫn để 4% thì biên độ chênh lệch lãi suất quá hẹp, kéo theo đó là rủi ro cho VND và gây áp lực tỷ giá”, vị chuyên gia này nói.
Dự đoán tác động từ quyết định của NHNN, VNDIRECT cho rằng lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,1 - 6,3%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.
Thực tế, trên thị trường, tính tới ngày 14/09/2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã tăng mạnh lần lượt là 44 điểm và 51 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước tăng chậm hơn đáng kể. Cụ thể, tính tới ngày 14/09/2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước mới tăng lần lượt là 3 diểm và 7 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021.
Trao đổi trên báo chí, Ông Trương văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng việc tăng lãi suất điều hành thời điểm này là phù hợp. Đây là biện pháp phòng thủ từ xa cần thiết trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn về địa chính trị, kinh tế và cả dịch bệnh.
Huy động vốn tăng thấp kỷ lục, lãi suất tăng cao
Thực tế, việc tăng lãi suất là một xu thế khó tránh khỏi là điều đã được dự báo trước cả quyết định ngày 21/9 của FEB. Những con số thống kê thanh khoản và phân tích áp lực từ tỷ giá đã cho thấy: Tăng lãi suất – việc gì đến sẽ phải đến
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn ngành tăng 9,91% so với đầu năm, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 3,8% - mức thấp nhất từ trước tới nay. Thanh khoản thấp, trong khi nhu cầu tín dụng tăng buộc các ngân hàng phải đẩy lãi suất huy động lên cao nhằm thu hút vốn.
Cuối tháng 8, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động với biên độ phổ biến từ 0,3 - 0,6%/năm so với trước. Sang tháng 9, lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng thêm 0,1 - 0,95% ở nhiều kỳ hạn khác nhau.
Đáng chú ý, trước đây, các ngân hàng thường tăng lãi suất với các kỳ hạn dài trên 12 tháng nhưng gần đây, nhiều kỳ hạn ngắn cũng đã được điều chỉnh tăng. Mức lãi suất huy động trên 7%/năm hiện nay không phải là hiếm.
Theo thống kê của NHNN, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động tăng khoảng 0,25%, còn lãi suất cho vay là 0,24%. Dù lãi suất huy động tăng cao nhưng tốc độ huy động vốn vẫn chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng. Điều này có thể khiến lãi suất cho vay tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Nhiều nhà băng vừa được nới room tín dụng cũng tranh thủ huy động vốn để có nguồn cho vay trong mùa cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm.
Ngoài việc bổ sung nguồn vốn cho vay, một số ngân hàng thực hiện tăng lãi suất huy động là để cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung dài hạn. Bởi từ 1/10, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được giảm tiếp về còn 34%.
Công ty Cổ phần Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, lãi suất huy động sẽ tăng thêm khoảng 0,5% trong nửa cuối năm nay, để tăng nguồn vốn cho vay. Lãi suất huy động tăng góp phần tạo sức ép tăng lãi suất cho vay vào những tháng cuối năm.
Tăng lãi suất để giải toả sức ép tỷ giá
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất và nhiều ngân hàng trung ương thế giới tăng lãi suất để đối phó với lạm phát đang tạo sức ép lớn đến tỷ giá VND/USD, buộc NHNN phải điều tiết thanh khoản ở mức vừa đủ, không quá dồi dào như trước, nhằm duy trì lãi suất liên ngân hàng có mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD. Còn các ngân hàng thương mại sẽ phải tăng lãi suất để duy trì vị thế của VND.
Xu hướng đi lên của tỷ giá trong nước khá rõ nét. Tỷ giá trung tâm trong 5 phiên gần đây tăng liên tiếp, lên mức 23.301 đồng/USD. Giá USD tại các ngân hàng thương mại liên tục tăng cao, tiến sát mốc lịch sử 24.000 VND/USD.
Theo các chuyên gia, như một quy luật, khi FED tăng lãi suất để hút USD về thì chắc chắn đồng USD ở các nước sẽ dồn về Mỹ. Để đối phó thì các nước sử dụng USD phải hút bớt nội tệ về, nâng lãi suất nội tệ lên để giữ lại USD nhằm hướng tới ổn định tỷ giá
Tình hình trong nước và thế giới đặt ra yêu cầu với cơ quan điều hành ngành ngân hàng cần có giải pháp hợp lý để giữ nhịp thị trường. Thực tế, NHNN đã có những động thái linh hoạt trên thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản hệ thống.
Cụ thể, trong tháng 8, NHNN tiếp tục điều tiết cung tiền thận trọng thông qua việc phát hành hơn 160.000 tỷ đồng và để hơn 94.000 tỷ đồng đáo hạn thông qua kênh tín phiếu; đấu thầu được 35.000 tỷ đồng; thu hơn 74 tỷ đồng đáo hạn thông qua hợp đồng bán - mua; bán ra hơn 3 tỷ USD. Như vậy, NHNN đã hút ròng hơn 75.000 tỷ đồng qua các kênh tín phiếu, hợp đồng bán - mua và bán ngoại tệ trong tháng 8.
Sang tháng 9, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn gặp nhiều áp lực, chủ yếu do việc đáo hạn các hợp đồng bán USD khiến một lượng VND tương ứng bị rút ra khỏi hệ thống, đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng đột biến. Vào ngày 7/9, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng tới 6,88%/năm, cao nhất trong 10 năm qua.
Rất nhanh chóng, NHNN đã phát hành 44.600 tỷ đồng tín phiếu nhằm điều tiết thanh khoản trên thị trường. Trong tuần 12 - 16/9, NHNN đã hút ròng tổng cộng 59.600 tỷ đồng thông qua kênh hoạt động thị trường mở. Cùng với đó, NHNN tiếp tục sử dụng cơ chế đấu thầu lãi suất để bơm ròng khoảng 58.000 tỷ đồng thông qua hoạt động thị trường mở (OMO), qua đó giúp lãi suất liên ngân hàng “hạ nhiệt”.
Tuy nhiên, với những quyết định mới nhất, biến động phía trước là rất khó lường. Cùng với tỷ giá, lãi suất đang khiến cho nhà điều hành tiền tệ đứng trước nhiều thác thức.