Choáng với mức lợi nhuận và trích lập dự phòng của SCB
Năm 2019, lượng lãi dự thu khổng lồ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tăng 10%. Tuy nhiên, trích lập dự phòng cũng tăng nhanh.
Theo BCTC hợp nhất của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trong năm 2019, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của SCB tăng nhẹ 9% so với năm trước, đạt 2.596 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng gần 10% lên 2.371 tỷ đồng nên ngân hàng đang phải trích tới hơn 90% lợi nhuận cho dự phòng rủi ro. Do đó, lợi nhuận sau thuế tại nhà băng này giảm nhẹ 1% với 175 tỷ đồng (năm 2018 lợi nhuận sau thuế đạt 176 tỷ đồng).
Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của SCB đạt 567.895 tỷ đồng, tăng gần 12%. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 11% với 333.879 tỷ đồng.
Cùng với tăng trưởng cho vay, nợ xấu nội bảng của ngân hàng ở mức 1.644 tỷ đồng, tăng 30% chỉ sau một năm.
Trong đó, nợ nhóm 5 (nhóm nợ có khả năng mất vốn) - nhóm nợ nguy hiểm nhất tăng 15% ở mức 1.069 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo đó tăng từ 0.42% lên mức 0.49%.
Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2019
Ngoài ra, SCB còn giữ gần 31.747 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, dự phòng trái phiếu chiếm gần 6.903 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu kỳ.
Nếu tính cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu của SCB ở mức 7,38% chốt năm 2019, tăng so với mức 7,15% thời điểm một năm trước đó.
Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2019
Đáng chú ý, ngân hàng hiện có một lượng lớn lãi và phí dự thu giá trị gần 52.914 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2017. Đây là mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại, cũng là một chỉ báo kém khả quan.
Theo Hà Phương/ Doanh nghiệp Việt Nam