Chủ đầu tư sân golf bị TTCP chỉ sai phạm: Doanh thu lao dốc, tiền nằm ngoài công ty
Khu sân golf Hòa Bình – Geleximco đang nhận được sự quan tâm của dư luận vì đã được điều chỉnh quy hoạch sau khi bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt sai phạm. Đáng chú ý hơn, Tập đoàn Geleximco, chủ đầu tư dự án đang trong tình trạng doanh thu lao dốc, phần lớn tiền dùng để đầu tư tài chính ra bên ngoài.
Trên website của mình, Tập đoàn Geleximco tự giới thiệu có tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – GELEXIMCO ra đời năm 1993 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng.
Đến nay, Geleximco đã trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh bậc nhất Việt Nam - có vốn chủ sở hữu 14.500 tỷ đồng; tổng tài sản 52.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động.
Geleximco đã xây dựng mô hình phát triển thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, tập trung vào 5 lĩnh vực chính: Sản xuất Công nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Bất động sản; Thương mại – Dịch vụ và Nông nghiệp Công nghệ cao.
Geleximco gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Vũ Văn Tiền, người được gọi với nick name anh “Tiền còi”. Ngoài ra, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) được nhắc tới nhiều trong mối quan hệ “người nhà” với Geleximco.
Doanh thu lao dốc, xuống “đáy” 5 năm
Geleximco nỗ lực mở rộng mô hình kinh doanh nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp đang “lao dốc”, ít nhất về doanh thu. Năm 2021, doanh thu Geleximco xuống “đáy” 5 năm.
Cụ thể, năm 2021, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Geleximco chỉ đạt 1.547 tỷ đồng, giảm 6.384 tỷ đồng, tương đương 80,5% so với năm 2020. Đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm.
Trước đó, năm 2018, doanh thu tại Geleximco đạt đỉnh khi lên tới 10.365 tỷ đồng. Như vậy, so với “đỉnh”, Geleximco đã “bốc hơi” 8.818 tỷ đồng doanh thu, tương đương 85,1%.
Năm 2017, 2019 và 2020, chỉ tiêu này của Geleximco lần lượt đạt 3.369 tỷ đồng, 9.269 tỷ đồng và 7.931 tỷ đồng.
Điều đáng nói, doanh thu Geleximco lao dốc bất chấp vốn chủ sở hữu công ty tăng mạnh. Tại thời điểm cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu Geleximco lên tới 11.183 tỷ đồng, tăng so với 10.871 tỷ đồng (năm 2020), 10.571 tỷ đồng (năm 2019), 6.581 tỷ đồng (năm 2018), 6.219 tỷ đồng (năm 2017).
Như vậy, sau 5 năm, doanh thu Geleximco giảm 85,1% tỷ đồng dù vốn chủ sở hữu tăng 79,8%.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng từ 300 tỷ đồng lên 312 tỷ đồng nhưng vẫn giảm 616 tỷ đồng, tương đương 67,2% so với “đỉnh” thiết lập năm 2019. Trước đó, trong năm 2018 và 2017, chỉ tiêu này lần lượt đạt 350 tỷ đồng và 90,2 tỷ đồng.
Có thể thấy, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế không xuống “đáy” như doanh thu nhưng nếu so với quy mô vốn thì vẫn kém hiệu quả. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chỉ đạt 2,8%, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm (tại Vietcombank là 5,5%/năm).
Nợ lớn
Geleximco là doanh nghiệp tỷ đô. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó lại là nợ.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2021, Geleximco đạt 30.693 tỷ đồng tổng tài sản, giảm nhẹ so với con số 31.755 tỷ đồng của năm 2020. Trong đó, nợ phải trả lên đến 19.510 tỷ đồng, chiếm 63,6% nguồn vốn.
Trong nợ phải trả, nợ vay đạt 9.323 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ và vay tài chính dài hạn giảm nhẹ từ 7.728 tỷ đồng xuống 6.771 tỷ đồng nhưng nợ và vay tài chính ngắn hạn lại tăng từ 1.396 tỷ đồng lên 2.552 tỷ đồng.
Vì nợ nhiều nên một phần không nhỏ dòng tiền thu được trong năm được dành cho chi trả lãi vay. Năm 2021, chi phí lãi vay lên tới 598 tỷ đồng, tăng so với con số 525 tỷ đồng năm 2020 và cao hơn hẳn so với 312 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2021.
Geleximco và ABBank là “anh em” khi có cùng lãnh đạo cấp cao là ông Vũ Văn Tiền. Tuy nhiên, hai bên không phát sinh nhiều quan hệ nợ vay. Chủ nợ lớn của Geleximco là Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank).
Năm 2021, Geleximco vay Maritime Bank gần 589 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là 46,1 triệu cổ phần phổ thông theo Giấy xác nhận sở hữu cổ phần Ngân hàng TMCP An Bình ngày 10/07/2019 thuộc sở hữu của Tập đoàn Geleximco. Mệnh giá của khối tài sản này là hơn 461 tỷ đồng.
Ngoài nợ vay, Tập đoàn Geleximco còn 2 khoản nợ lớn cần được giải đáp. Đó chính là phải trả ngắn hạn khác (2.241 tỷ đồng) và phải trả dài hạn khác (2.889 tỷ đồng).
Không chỉ có vậy, tại thời điểm 31/12/2021, Geleximco còn có khoản phải trả nội bộ ngắn hạn lên đến 1.176 tỷ đồng. Con số này cho thấy dòng tiền chảy phức tạp trong hệ sinh thái Geleximco.
Phần lớn tài sản dùng để đầu tư tài chính, nằm ngoài công ty
Geleximco là Tập đoàn tỷ đô nhưng phần lớn tiền lại nằm ngoài công ty.
Trong khối tài sản trị giá hơn 30.000 tỷ đồng, Geleximco “ôm” 13.307 tỷ đồng đi đầu tư tài chính dài hạn. Trong đó, 8.741 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, 1.062 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh và 3.520 tỷ đồng đầu tư vào đơn vị khác.
Trong khi phải đi vay hàng ngàn tỷ đồng và dành gần 600 tỷ đồng chi trả lãi vay, Geleximco lại rộng tay cho vay. Cuối năm 2021, phải thu về cho vay ngắn hạn tăng từ 1.273 tỷ đồng lên 2.952 tỷ đồng, phải thu về cho vay dài hạn đạt là 605 tỷ đồng.
Có thể thấy, phần lớn tài sản của Geleximco nằm ngoài công ty.
Mang 16.864 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn và cho vay nhưng doanh thu hoạt động tài chính của Tập đoàn năm 2021 chỉ đạt 688 tỷ đồng.