Chủ tịch Hà Nội: 'Dự án thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác'
Nêu thực trạng hiện giờ một dự án thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác như chặn về đất đai, về môi trường… Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được. Ông mong muốn Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng phải ngồi đôn đốc nhau.
Ngày 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh công việc giải ngân vốn đầu tư công và triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội ngày càng nặng nề khi tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là gần 711.700 tỷ đồng, tăng hơn 130.000 tỷ đồng so với 2022.
Với khối lượng vốn đầu tư công lớn hơn hơn, yêu cầu cao hơn, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023.
Phát biểu về các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng có rất nhiều khó khăn về kĩ thuật, quy trình dự án, phân cấp phân quyền. Ông Thanh mong Thủ tướng trong bối cảnh pháp luật chưa kịp sửa, có việc gì ủy quyền được cho địa phương, ủy quyền cho các Bộ trưởng thì mong một Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội phân cấp phân quyền cho địa phương.
"Hiện giờ một dự án thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác, chặn về đất đai, về môi trường… mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được. Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng phải ngồi đôn đốc nhau như thế này", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
Nêu kiến nghị tại hội nghị, ông Thanh cho biết dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đã hết thời gian hiệp định vay vốn đến 31/12, Thủ tướng cũng đã kiểm tra dự án và Hà Nội đã báo cáo tiến độ từ cuối tháng 11 mà đến tháng 1/2023 mới có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng xuống Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.
"Việc này là quá chậm", ông Thanh nhấn mạnh và cho biết Hà Nội đã thông qua, thẩm định và chịu trách nhiệm về con số đó bây giờ chỉ còn lại thủ tục và quy trình.
Về vấn đề liên quan đến Luật Đầu tư công, lãnh đạo Hà Nội cho rằng không chỉ riêng thành phố mà các tỉnh thành khác cũng đang vướng đó là câu chuyện phải có đủ vốn mới được phê duyệt chủ đầu tư. Như tại Hà Nội, nhiệm kỳ này có 250.000 tỷ vốn đầu tư công, với số tiền này Hà Nội chỉ bố trí cho 5-7 công trình đã hết mà cũng phải làm trong ít nhất 2 nhiệm kỳ.
"Đây chính là câu chuyện nhiệm kỳ ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư công mà HĐND không thể tháo gỡ được, cứ tháo gỡ là sai luật. Mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo nội dung này thì mới giải thoát được câu chuyện về bố trí vốn", ông Trần Sỹ Thanh nói.
Cũng nêu kiến nghị tại hội nghị này liên quan đến việc triển khai dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô đoạn qua tỉnh địa phận Hưng Yên, lãnh đạo địa phương này đề nghị Thủ tướng chấp thuận cho phép chủ trường cải tạo, chỉnh trang và cho chép vừa lập kế hoạch quy hoạch sử dụng đất vừa thiết kế, thi công, cải tạo các nghĩa trang hiện có trong các thôn, xã, phường để di chuyển mộ trong phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dự án.
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép vừa lập vừa điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thiết kế thi công, trong đó các công trình xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các hạng mục thuộc dự án thành phần 1 đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. Đồng thời, cho phép phân giai đoạn thực hiện cho công tác thi công trên cơ sở đảm bảo tính đồng bộ cho toàn công trình.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được điều chỉnh lại dự án vay vốn nước ngoài ODA đối với dự án thoát nước vệ sinh môi trường TP Hạ Long để tỉnh làm thủ tục gia hạn dự án này. Sau khi gia hạn xong sẽ có điều chỉnh sau.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng công tác GPMB hiện nay theo Luật đầu tư công là giữa nhóm A mới là tiểu dự án riêng. Do đó, đề nghị tất cả các dự án đầu tư công này, cho phép tách ra thành các tiểu dự án GPMB thì sẽ đẩy nhanh được hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt đơn giá GPMB và các địa phương là việc làm rất cần thiết, bởi ở cấp huyện mới hiểu rõ được nội dung này. Nếu tất cả báo cáo lên tỉnh để phê duyệt là phải thành lập hội đồng cấp tỉnh, phải đi kiểm tra. Như vậy không đủ thời gian để làm.
"Vừa qua, tỉnh đã ủy quyền rồi nhưng một số Bộ, ngành có ý kiến là việc ủy quyền này không theo Luật. Cho nên vừa rồi Quảng Ninh có ý kiến, nếu cấp có thẩm quyền đồng ý để UBND cấp tỉnh ủy quyền cho cấp huyện được phê duyệt giá GPMB và tái định cư thì sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công", lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nói.