Dự án Vành đai 4 qua Hà Nội: Chi hơn 13.360 tỷ GPMB, xây 13 khu tái định cư tại 5 huyện

Trên địa bàn TP. Hà Nội, dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô sẽ thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích thuộc địa bàn 7 quận, huyện, gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.1 - bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành, hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia địa phận TP.Hà Nội) thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội là chủ đầu tư tổng thể (trong đó đồng thời thực hiện di chuyển công trình điện cao thế từ 110kV đến 500kV); chủ đầu tư các dự án thành phần hạng mục xây dựng các khu tái định cư là UBND các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Dự án thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích thuộc địa bàn 7 quận, huyện, gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Tổng diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng tuyến đường Vành đai 4 và đất hành lang dự trữ đường sắt Quốc gia là khoảng 812,07ha; diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng các khu tái định cư là khoảng 39,28ha (tương ứng với 13 khu tái định cư trên địa bàn 5 huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín).

Dự án được chia thành các dự án thành phần hạng mục, gồm: xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Mê Linh tương ứng với 3 dự án tại 3 xã: Văn Khê, Đại Thịnh và Chu Phan; xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Đan Phượng tương ứng với 2 dự án tại 2 xã: Hạ Mỗ và Hồng Hà; xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Hoài Đức tương ứng với 2 dự án tại 2 xã: Đức Thượng và Đông La; xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Thanh Oai tương ứng với 2 dự án tại 2 xã: Cự Khê và Tam Hưng; xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Thường Tín tương ứng với 4 dự án tại 4 xã: Khánh Hà, Văn Bình, Hồng Vân và Vân Tảo.

Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1.1 là 13.362 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là hơn 11.252 tỷ đồng; di chuyển điện cao thế từ 110 kV đến 500 kV là 530 tỷ đồng; xây dựng các khu tái định cư là 960 tỷ đồng; chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư tổng thể là 7 tỷ đồng; các chi phí khác liên quan của dự án đầu tư tổng thể là 611 tỷ đồng.

Thời gian chuẩn bị, thực hiện dự án thành phần 1.1 là từ năm 2022 đến năm 2024, trong đó dự kiến hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023, thực hiện xong toàn bộ dự án thành phần 1.1 trong năm 2024.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 16/6/2022 và được Chính phủ thông qua nghị quyết vào ngày 18/8/2022. Dự án gồm 7 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Tổng chiều dài của dự án là khoảng 112,8km, bao gồm: 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Trong đó, đoạn qua địa bàn TP. Hà Nội khoảng 58,2km, đoạn qua địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km và đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.

Điểm đầu của dự án tại khoảng Km3+695 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; điểm cuối dự án tại Km40+500 đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương tham gia dự án khoảng 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng 28.193 tỷ đồng và vốn BOT khoảng 29.447 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Chí Bình

Theo VietnamFinance