Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự khởi công dự án Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự khởi công dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Sáng 14/12, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã tham dự buổi lễ.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, Cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và một trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam ngoài khu Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng (khu vực phía Bắc) và khu bến Cái Mép Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu (khu vực phía Nam).
Dự án Cảng Liên Chiểu có tổng diện tích 450ha, với các khu chức năng chính gồm khu bến chính, khu bến tổng hợp, khu bến thủy nội địa, khu bến hàng lỏng/khí và khu kho bãi đường sắt.
Trong đó, khu bến chính có khu bến container tiếp nhận được tàu đến 8.000 Teus (giai đoạn 1) và định hướng tiếp nhận các tàu đến 18.000 Teus (tương đương 200.000 DWT) trong dài hạn, gồm 8 bến với tổng chiều dài 2.750m cho tàu từ 30.000-200.000DWT.
Khu bến tổng hợp với tổng số lượng bến và chiều dài 06 bến/1.550m, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000DWT (phía ngoài) và các tàu cỡ nhỏ phía trong (khoảng 30.000 DWT).
Khu bến thủy nội địa với tổng chiều dài tuyến bến 1.200m tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000DWT để phục vụ gom/chia hàng cho khu bến container, tổng hợp đến các cảng biển, thủy nội địa khác trong cả nước.
Khu bến hàng lỏng/khí sẽ gồm 6 bến bố trí tại khu vực đê chắn sóng, tiếp nhận tàu trọng tải 30.000DWT và khu kho bãi đường sắt sẽ làm bãi tập kết, bốc xếp hàng hóa phục vụ đường sắt nhằm kết nối trực tiếp khu bến Liên Chiểu với mạng đường sắt quốc gia.
Với phần hạ tầng dùng chung gồm đê kè chắn sóng, luồng tàu và khu nước, đường giao thông kết nối cảng và hạ tầng kỹ thuật khác. Quy mô đầu tư xây dựng gồm xây dựng đê chắn sóng, kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chứa 6.000-8.000 Teus.
Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng - chủ đầu tư, đây là dự án công trình giao thông, dự án nhóm A, tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách TP Đà Nẵng).
Tiến độ thực hiện từ năm 2021 đến tháng 12/2025 đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho 2 bến khởi động ban đầu.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn là có vị trí “yết hầu” về quốc phòng - an ninh của đất nước.
Cảng Đà Nẵng là cửa ngõ chính hướng ra biển Đông tiếp giáp với các tuyến hàng hải quốc tế nối giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng như của thế giới. Cảng Đà Nẵng cũng là điểm trung chuyển phía Đông của vùng miền Trung đón các dòng lưu chuyển hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây cũng như các tỉnh trong khu vực với thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Cảng Đà Nẵng còn nằm ở vị trí trung độ của cả nước, là tiếp điểm của các tuyến giao thông Bắc- Nam, là giao điểm của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không của miền Trung.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền, nhà đầu tư và các bên liên quan phải lưu ý luôn tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và chất lượng đề ra, giải ngân vốn đầu tư công dành cho dự án đúng kế hoạch, nhanh chóng đưa dự án đi vào vận hành, khai thác nhằm phát huy hiệu quả dự án; thực hành nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả trong đầu tư, an toàn trong thi công, giảm thiếu các tác động đến môi trường và đời sống người dân trong quá trình xây dựng.
Bên cạnh đó, đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới. Phải đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng.
Đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan. Đào tạo nguồn nhân lực cảng biển và logistics một cách tương xứng với quy mô và yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực phải chuẩn bị trước một bước so với việc đầu tư hạ tầng cảng biển.
Chủ tịch nước đề nghị chính quyền TP. Đà Nẵng lưu ý, đây công trình gương mẫu, ưu tú, đề nghị chính quyền Đà Nẵng, nhà đầu tư luôn tuân thủ các quy định của pháp luật, không thất thoát, không tham nhũng, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và chất lượng đề ra.
Đây là dự án lớn, cả quy mô và tổng mức đầu tư, liên quan đến 4.324 hộ dân, chúng ta cần chú ý làm nhanh, làm sớm, làm chất lượng để dân sớm ổn định cuộc sống. Vì vậy, Đà Nẵng cần sớm nghiên cứu triển khai để đầu tư các hạng mục còn lại của bến cảng, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, góp phần đưa thành phố Đà Nẵng phát triển lên tầm cao mới.