Chủ tịch Quốc hội 'sốt ruột' vì Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ 1.700 tỷ bỏ hoang
Yêu cầu xử lý dứt điểm dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ rất sốt ruột khi mấy lần đi đến.
Chiều 7/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua dự thảo nghị quyết quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030.
Trình bày nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập điểm mới là tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, các dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Được ưu tiên còn có chương trình, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tư pháp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng nguyên tử, hạ tầng số, vi mạch bán dẫn, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Công tác bố trí vốn nước ngoài được đổi mới theo hướng đảm bảo bố trí vốn cho dự án chuyển tiếp, cho dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức vốn nước ngoài còn lại (nếu có) được quản lý thống nhất tại Trung ương, để bố trí cho chương trình, nhiệm vụ, dự án phát sinh trong kỳ trung hạn sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị dự thảo nghị quyết phải khắc phục được việc phân bổ dàn trải, thiếu hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực quan trọng. Việc phân bổ dàn trải vừa qua khiến việc sử dụng vốn đầu tư công "không hiệu quả".
![Chủ tịch Quốc hội 'sốt ruột' vì Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ 1.700 tỷ bỏ hoang - Ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội 'sốt ruột' vì Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ 1.700 tỷ bỏ hoang - Ảnh 1](https://media.tinnhanhnhadat.vn/images/upload/2025/02/07/070220250206-dsc-2380-1710.jpg)
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị dự thảo nghị quyết phải khắc phục được những hạn chế trong thực hiện nghị quyết của giai đoạn 2021 - 2026. Bởi việc phân bổ vốn đầu tư công thời gian qua chưa có cơ chế quản lý lập kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách địa phương.
Cùng với đó, chưa ràng buộc trách nhiệm ngân sách địa phương dành vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài còn rất thấp, chỉ đạt 52,7% kế hoạch được giao.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị việc quy định các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công cần cập nhật các quy định luật Đầu tư công 2024, nhất là liên quan thời gian bố trí vốn đầu tư thực hiện dự án.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, tập trung cao xử lý dứt điểm dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ sử dụng vốn vay ODA của Hunggary.
"Dự án bệnh viện bỏ hoang mấy năm nay. Tôi đến mấy lần, rất sốt ruột", Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng cần ưu tiên vốn cho các dự án cấp bách, cấp thiết còn cái nào chưa cấp bách thì gác lại, nhất là các công trình dở dang thì bố trí vốn cho dứt điểm.
Được biết, dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.700 tỷ đồng (được ký hiệp định vốn từ nguồn vốn ODA với Chính phủ Hungary và đối ứng trong nước), quy mô 500 giường.
Khởi công tháng 10/2017, dự kiến hoàn thành sau 3 năm (cuối năm 2020), dự án được kỳ vọng trở thành bệnh viện ung bướu lớn nhất và hiện đại nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, năm 2022 dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ tạm dừng thi công khi đạt 82% khối lượng xây dựng hơn 16% phần cung cấp và lắp đặt thiết bị ròi rơi vào cảnh bỏ hoang.
![Chủ tịch Quốc hội 'sốt ruột' vì Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ 1.700 tỷ bỏ hoang - Ảnh 2 Chủ tịch Quốc hội 'sốt ruột' vì Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ 1.700 tỷ bỏ hoang - Ảnh 2](https://media.tinnhanhnhadat.vn/images/upload/2025/02/07/56f849ab-8511-46e5-8742-c19cf63c3b2a.jpg)
Theo chủ đầu tư dự án là Sở Y tế TP. Cần Thơ, nguyên nhân dự án phải tạm dừng thi công một phần do hợp đồng xây dựng cũng như hiệp định vay vốn hết hiệu lực (năm 2022).
Trong quá trình xây dựng, liên danh nhà thầu (phía Hungary) liên tục đề xuất điều chỉnh trang thiết bị y tế chuyên dùng, vật liệu và thiết bị xây dựng khác hợp đồng, không bảo đảm tỉ lệ 50% hàng hóa xuất xứ Hungary nên phải điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh hiệp định vay, ảnh hưởng lớn đến tiến độ.
Bên cạnh đó, một phần do bên đại diện chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án vốn ODA, dẫn đến các thủ tục chậm trễ kéo dài.
Từ đó đến nay đã nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và trong cuộc tiếp xúc cử tri tháng 7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo lãnh đạo TP. Cần Thơ cùng bàn bạc xin ý kiến các bộ, ngành trung ương để làm thủ tục chuyển đổi, khởi động lại dự án bằng nguồn vốn trong nước.