Chủ tịch Trường Tiền Holdings dùng thủ đoạn gì để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư?
Trước khi bị bắt tạm giam, nhiều nhà đầu tư trên khắp tỉnh thành đã đổ tiền vào CTCP Trường Tiền Holdings chỉ qua một hợp đồng có tên góp vốn.
Ngày 5/1 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội ra quyết định chuyển vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do ông Lê Khánh Trình - Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Trường Tiền Holdings thực hiện đến Công an TP. HCM thụ lý, điều tra.
Ông Lê Khánh Trình đã bị bắt tạm giam
Cuối năm 2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội cũng đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Khánh Trình để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan điều tra, ông Lê Khánh Trình đã có hành vi đưa thông tin gian dối để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn thông qua việc ký hợp đồng tự nguyện góp vốn đầu tư dự án.
Theo thông tin từ báo Tri thức & Cuộc sống, từ cuối năm 2018-2019, nhà đầu tư liên tiếp gửi đơn tố giác cho biết, họ đã ký các hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng tự nguyện ủy quyền góp vốn đầu tư các dự án, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với ông Lê Khánh Trình và Khiếu Xuân Khương (thời điểm này giữ chức Tổng giám đốc).
Trong đó, Công ty CPĐT Gold Garden giữ vai trò bên giám sát và nhận tiền góp vốn. Nhiều người đã chuyển tiền cho CTCP Trường Tiền Holdings theo như thỏa thuận nêu trong hợp đồng.
Sau thời điểm ký kết hợp đồng, CTCP Trường Tiền Holdings chỉ thực hiện việc chi trả lợi nhuận cho khách hàng trong thời gian ngắn rồi ngưng và không tiếp tục các nội dung đã cam kết trong hợp đồng.
Sợ bị mất tiền, nhiều khách hàng đến trụ sở công ty thì được Trình và Khương hướng dẫn làm biên bản thanh lý hợp đồng, thu lại các hợp đồng bản chính đã ký kết và cam kết sau thời điểm thanh lý hợp đồng sẽ hoàn trả lại tiền đã nộp.
Sau nhiều lần nhà đầu tư kéo tới trụ sở công ty yêu cầu làm rõ, thì được Lê Khánh Trình và Khiếu Xuân Khương hướng dẫn họ làm biên bản thanh lý hợp đồng, thu lại các hợp đồng bản chính đã ký và cam kết sau thời điểm thanh lý sẽ hoàn trả tiền đã nộp cho khách hàng.
Ngoài ra, tháng 1/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM cũng tiếp nhận đơn của 39 cá nhân và các đơn vị khác tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty CP Trường Tiền Holdings và Công ty CPĐT Gold Garden cùng với các phương thức, thủ đoạn như trên. Tổng số tiền 39 bị hại bị chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng.
Khách hàng kéo tới trụ sở Tập đoàn Trường Tiền đòi tiền đã đầu tư
Trước đó, từ năm 2020, Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM) cũng đã có loạt bài dài kỳ phản ánh sai phạm của Tập đoàn (TĐ) Trường Tiền khi huy động vốn của hàng nghìn nạn nhân với số tiền trên 100 tỷ đồng tại nhiều tỉnh, thành thông qua các dự án "ảo".
Đơn cử, miếng đất công số tờ bản đồ 71, số thửa 35, tọa lạc tại P. Tam Phước (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) thuộc quản lý của Nông trường cao su Long Thành nhưng đã được các công ty thành viên của TĐ Trường Tiền huy động vốn trái phép.
Sau khi tiếp nhận tin phản ánh báo chí và báo tố giác về tội phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. HCM ra quyết định khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của những người liên quan.
Tránh "bẫy" hợp đồng góp vốn như thế nào?
“Bẫy” lừa đảo qua hình thức góp vốn, đầu tư để lấy lãi cao không hề hiếm. Điển hình như các vụ án đã từng bị phanh phui như trước đây như bất động sản Nhật Nam, CTCP Tập đoàn Mỹ Hạnh huy động vốn với lãi suất 24%-48%/năm...
Điểm chung của các tổ chức, cá nhân sử dụng chiêu trò đầu tư “lãi suất khủng” để huy động vốn đó là họ thường không dùng vốn của nhà đầu tư để kinh doanh các dự án, lĩnh vực như cam kết, mà lấy tiền của người sau trả cho người trước. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên cẩn trọng trước các chiêu trò đầu tư “lãi suất khủng”, cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định tham gia các hoạt động đầu tư tài chính.
Về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Các đối tượng lừa đảo thường có nhiều thủ đoạn, chiêu thức lừa đảo rất đa dạng, khi tiếp cận với từng nhóm đối tượng “con mồi” khác nhau chúng sẽ có các “kịch bản” lừa khác nhau như: góp vốn kinh doanh vào doanh nghiệp, góp vốn đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đầu tư mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, làm đẹp…
Theo Luật sư Đồng, pháp luật quy định “Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối…” quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. “Vốn dĩ các đối tượng lập ra các hợp đồng này cũng đã có sự tính toán yếu tố rủi ro pháp lý nên đã thiết lập hợp đồng với những điều khoản khá chặt chẽ nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị “sờ gáy” các đối tượng cho rằng đây là “giao dịch dân sự hợp pháp”.
Bởi vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, không ham lãi suất cao. Lãi suất cao luôn tỷ lệ thuận với rủi ro; nên cảnh giác với những lời mời đầu tư mang lại lãi suất cao bất thường. Nhà đầu tư cân nhắc kỹ, quan tâm đến năng lực, uy tín, thái độ, các dự án, sản phẩm, thị trường của doanh nghiệp trước khi quyết định tham gia đầu tư.
Bên cạnh đó, khi đầu tư góp vốn kinh doanh, cần nắm được hoạt động kinh doanh thực tế. Nội dung hợp đồng góp vốn cần có những điều khoản rõ ràng; đó là cơ sở để cơ quan chức năng giải quyết khi phát sinh tranh chấp.