Chưa hết lùm xùm ông Nguyễn Duy Thuận, Lộc Trời đưa kế toán trưởng lên 'ghế nóng'
Sau lùm xùm về việc cựu CEO Nguyễn Duy Thuận bị tố gian dối, đề xuất ngăn chặn… Lộc Trời chính thức có thông báo về việc bổ nhiệm CEO mới cho Tập đoàn.
Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) vừa có thông báo về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Tấn Hoàng giữ chức vụ Tổng giám đốc công ty từ ngày 16/10/2024.
Ông Nguyễn Tấn Hoàng, sinh năm 1977, bắt đầu làm việc tại Lộc Trời từ tháng 08/2012 và đã đảm nhiệm vai trò Kế toán trưởng tập đoàn từ năm 2012 đến nay. Trước khi gia nhập Lộc Trời, ông Hoàng đã từng đảm nhận nhiều vị trí tại các doanh nghiệp như: C.P Việt Nam, NLSH Phương Đông,...
Phát biểu nhậm chức, ông Hoàng cho hay: "Ban điều hành đã giao phó cho tôi trọng trách vô cùng quan trọng của Lộc Trời trong giai đoạn được xem là khó khăn nhất của Lộc Trời. Tôi sẽ đem hết trí tuệ, tâm huyết và những kinh nghiệm được tích lũy để cùng HĐQT, Ban điều hành và toàn thể đội ngũ CBCNV tiếp tục nỗ lực để vực dậy Lộc Trời khỏi khủng hoảng hiện tại và tiến bước xa hơn".
Theo đại diện Lộc Trời, Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Tấn Hoàng vào vị trí Tổng giám đốc cũng là dấu mốc quan trọng trong quá trình tái cấu trúc, kiện toàn nhân sự chủ chốt cho chức danh lãnh đạo của tập đoàn.
Liên quan đến vị trí Tổng giám đốc của Lộc Trời, UBND tỉnh An Giang mới đây cho biết đã nhận được Công văn của Tập đoàn Lộc Trời đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Duy Thuận, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, do ông bị cáo buộc có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của doanh nghiệp này.
Trước đó, ngày 24/7, Lộc Trời cũng đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi thẻ APEC và áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Duy Thuận.
Lộc Trời cho rằng ông Thuận "có thái độ né tránh, thiếu hợp tác trong việc bàn giao và có dấu hiệu tìm cách xuất cảnh ra nước ngoài để thoái thác trách nhiệm".
UBND tỉnh An Giang cho biết, đơn vị này chỉ có thẩm quyền quyết định việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Duy Thuận trong trường hợp ông này là người bị cưỡng chế hoặc là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay người đó bỏ trốn.
Vì thế, đề nghị này không nằm trong trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh An Giang.
Về phía Lộc Trời, tập đoàn này đã miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Nguyễn Duy Thuận từ ngày 15/7.
Sau sự ra đi của ông Thuận, Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn trực tiếp chỉ đạo và điều hành tất cả hoạt động của Lộc Trời cho đến khi có quyết định bổ nhiệm tổng giám đốc mới.
Bên cạnh đó, tại Lộc Trời cũng liên tục xảy ra những biến động nhân sự cấp cao khi ông Johan Sven Richard Bode đã nộp đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT với lý do cá nhân sau 2 tháng đảm nhận.
2 thành viên Ban kiểm soát của tập đoàn này là bà Nguyễn Thị Thúy và ông Tiêu Phước Thạnh cũng mới xin từ nhiệm. Hiện Ban kiểm soát Lộc Trời chỉ còn Trưởng ban là ông Uday Krishna.
Tại một sự kiện gặp gỡ doanh nhân diễn ra mới đây, ông Huỳnh Văn Thòn đã bày tỏ quyết tâm “đi tiếp” với Lộc Trời bất chấp doanh nghiệp đang đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ phải đối mặt với tù tội.
Vị chủ tịch này đã thẳng thắn chia sẻ về tính cảnh của Lộc Trời như một trận đánh bị nội gián phản bội, dẫn đến sa lầy và tuyên bố chắc nịch dù tù tội, hay hy sinh, ông đều chấp nhận để giữ vững Lộc Trời.
Về tình hình kinh doanh, dù đã bước vào quý IV/2024, nhiều doanh nghiệp đang đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý III nhưng Lộc Trời hiện vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý II.
Tuy nhiên, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho thấy vụ Đông Xuân 2023-2024, Lộc Trời nợ 245 tỷ đồng tiền mua lúa của hơn 900 nông dân huyện Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Tri Tôn. Tương tự, tại Đồng bằng Sông Cửu Long, các sở nông nghiệp cho biết Lộc Trời còn nợ 227 tỷ đồng.
Ngay sau đó, doanh nghiệp gấp rút thực hiện thanh toán khoản nợ 472 tỷ đồng tiền mua lúa vụ cho nông dân sau khi thu xếp dòng tiền với đối tác, bán lúa khô và vay ngân hàng.
Trên thị trường chứng khoán, trước những thông tin kém tích cực, cổ phiếu LTG trong những ngày qua liên tục giảm và đã chính thức để mất mốc 10.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá) ngay từ những ngày đầu tháng 10. Đây cũng là mức đáy thấp nhất trong vòng hơn 4 năm nay của cổ phiếu LTG, cách không xa mức đáy ghi nhận hồi cuối tháng 3/2020 (9.160 đồng/cổ phiếu – giá điều chỉnh).
Trước những diễn biến xấu của LTG trên thị trường, khối ngoại cũng cho thấy đang tháo chạy khỏi doanh nghiệp này khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài liên tục sụt giảm kể từ đầu năm đến nay. Theo đó, room ngoại từ mức hơn 43% ghi nhận hồi cuối tháng 1 đã sụt giảm còn 36,61% tính tới cuối phiên 10/10, tương đương lượng bán ròng hơn 6,5 triệu đơn vị.
Hiện 2 cổ đông lớn thuộc khối ngoại của Lộc Trời là Marina Viet Pte. Ltd và Augusta Viet Pte Ltd, lần lượt nắm giữ hơn 20,3 triệu và gần 4,6 triệu cổ phiếu LTG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 25,21% và 5,71%.