Chứng khoán châu Á 'chảy máu' dưới nỗi ám ảnh về thời kỳ Trump 2.0

Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục chứng kiến dòng vốn chảy ròng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 11, do các nhà đầu tư lo ngại rằng một nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump có thể dẫn tới thuế quan cao hơn với hàng xuất khẩu của khu vực.

Dữ liệu LSEG cho thấy trong tháng 11 các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 15,88 tỷ USD khỏi các thị trường chứng khoán Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines.

Đây là đợt bán ròng trong một tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2022, khi dòng vốn chảy ra trong 1 tháng là 15,38 tỷ USD.

Dữ liệu của LSEG cho thấy dòng vốn chảy ròng khỏi một số quốc gia châu Á trong 7 tháng gần đây.
Dữ liệu của LSEG cho thấy dòng vốn chảy ròng khỏi một số quốc gia châu Á trong 7 tháng gần đây.

Cụ thể, vào tháng 11, thị trường chứng khoán Đài Loan của Trung Quốc có dòng vốn bán ròng 8,41 tỷ USD, là mức chảy ròng lớn nhất trong một tháng kể từ tháng 4/2022.

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng chứng kiến ​​dòng vốn chảy ra trị giá 3,21 tỷ USD, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp dòng vốn chảy ra nước ngoài.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2,56 tỷ USD cổ phiếu Ấn Độ, sau đợt bán ròng khoảng 11,2 tỷ USD vào tháng 10.

Thị trường chứng khoán Indonesia, Việt Nam và Thái Lan cũng chứng kiến ​​dòng vốn chảy ròng, với số tiền lần lượt là 1,06 tỷ USD, 461 triệu USD và 395 triệu USD.

Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, cho biết: “Những gì chúng tôi thấy trong tháng 11 là phản ứng của nhà đầu tư nước ngoài đối với một nhiệm kỳ Donald Trump 2.0.

Theo đó, nhiều người lo ngại rằng lập trường bảo hộ của Tổng thống Mỹ đắc cử có thể đồng nghĩa với việc hiện thực hoá một số lời đe doạ, điều này có thể có tác động tiêu cực đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu của châu Á.

Bên cạnh đó, đồng USD tăng mạnh sau khi ông Trump thắng cử vào ngày 5/11 cũng góp phần làm giảm tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số đồng USD có thời điểm đạt 108,09, mức cao nhất kể từ ngày 11/11/2022.

Chứng khoán châu Á 'chảy máu' dưới nỗi ám ảnh về thời kỳ Trump 2.0 - Ảnh 1

Nhà phân tích Chetan Seth của Nomura Securities nhấn mạnh rằng triển vọng của chứng khoán châu Á vào năm 2025 tương đối ảm đạm. Ông cho rằng sự bi quan này là do cuộc khủng hoảng sắp tới, căng thẳng thương mại, khả năng đồng USD mạnh lên, lợi suất trái phiếu tăng và yếu tố hỗ trợ chính sách tiền tệ suy yếu.

Bà Minyue Liu, chuyên gia đầu tư cấp cao tại BNP Paribas Asset Management, cho biết: “Trong tương lai, vẫn có những rủi ro trong kịch bản cuối khi gián đoạn thương mại lan rộng trên phạm vi rộng hơn”.

“Tuy nhiên, các yếu tố tích cực như việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sự phục hồi thu nhập và hiệu suất phục hồi của tài sản tại các thị trường mới nổi, cùng với mức định giá hợp lý, sẽ giúp thu hút một số dòng vốn nước ngoài vào châu Á bên ngoài Nhật Bản và vào các thị trường mới nổi", chuyên gia này cho biết thêm.

Thủy Bình

Theo VietnamFinance