Chứng khoán nửa cuối năm: Quen dần với biến động lớn

2024 có thể là một năm bản lề cho sự phát triển trung hạn của nền kinh tế cũng như của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên nếu nhìn vào các yếu tố quan trọng, có lẽ 2024 chưa phải là một năm thực sự thăng hoa của thị trường chứng khoán.

Biến động lớn nửa đầu năm

Nửa đầu năm nay, chỉ số VN-Index dao động với biên độ lớn, chia làm 3 giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn đầu tiên là từ đầu năm tới cuối quý I, VN-Index băng băng đi lên với độ dốc cao. Mức tăng cả quý lên đến 13,6%. Xét cùng khoảng thời gian trong 10 năm trở lại đây, chỉ có năm 2018 là VN-Index tăng mạnh hơn, đạt 19,3%. Các năm còn lại mức tăng chỉ dưới 10%, thậm chí năm 2020 còn giảm tới 31,1% do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ở giai đoạn thứ hai, mức độ biến động đem lại cảm giác mạnh hơn cả giai đoạn đầu tiên. Sau khi đạt đỉnh cuối quý I, chỉ số VN-Index rớt rất nhanh trong tháng 4, trong đó có một phiên giao dịch giảm “sốc”, mất tới gần 60 điểm (phiên 15/4), tương đương giảm 4,7%. VN-Index tiếp tục giảm trong 3 phiên sau đó, mất tổng cộng hơn 40 điểm và tạo đáy vào ngày 19/4 tại 1.174,85 điểm. Nguyên nhân được cho là do nhà đầu tư lo ngại về sự ổn định tỷ giá, lãi suất và chính trị.

Sang giai đoạn thứ ba, VN-Index hồi phục khá nhanh, tiến về gần đỉnh cũ trong tuần đầu tháng 6. Dẫn dắt cho đà phục hồi này là kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế với những tín hiệu ngày càng rõ nét, trong bối cảnh tỷ giá, chính trị dần ổn định hơn và nhà đầu tư dần làm quen với trạng thái mới, chuyển từ trạng thái “kinh tế yếu - lãi suất thấp” sang “kinh tế phục hồi - lãi suất dâng lên”.

Chứng khoán nửa cuối năm: Quen dần với biến động lớn - Ảnh 1

Cụ thể, về kinh tế, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam trong tháng 5/2024 tăng 3,9% so với tháng trước và 8,3% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện mạnh mẽ so với tháng 4 (tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước). Ngoài ra, hoạt động thương mại diễn ra sôi động với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2024 tăng 15,8% so với cùng kỳ lên 56,8 tỷ USD, nhập khẩu tăng 29,9% so với cùng kỳ lên 148,8 tỷ USD. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, kim ngạch nhập khẩu tăng ấn tượng chủ yếu do các doanh nghiệp sản xuất đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu thô, hàng trung gian và tư liệu sản xuất để đáp ứng đơn hàng sản xuất ngày càng tăng, qua đó củng cố triển vọng tích cực cho lĩnh vực sản xuất trong nửa cuối năm 2024.

Về tỷ giá, chỉ số DXY giảm cùng với chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp phần nào giảm bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND.

Về lãi suất, lãi suất huy động đã chạm đáy khi ngày càng nhiều ngân hàng bắt đầu nâng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn cụ thể. Đáng chú ý, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (3 và 6 tháng) tăng mạnh hơn so với kỳ hạn dài. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quản lý trạng thái thanh khoản thông qua kênh OMO, cân bằng giữa việc hỗ trợ tỷ giá và giữ lãi suất không tăng mạnh để hỗ trợ phục hồi kinh tế. VNDIRECT tin rằng tốc độ tăng của lãi suất huy động sẽ chậm rãi và kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân tăng khoảng 0,5 điểm% từ nay đến cuối năm, vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trước đại dịch là 6,5-7,0%/năm.

Nhìn lại cả một hành trình gần nửa năm, tính đến đầu tháng 6, VN-Index tăng trên 13%. Nhìn ra thế giới, hiệu suất này chỉ kém thị trường chứng khoán Nhật Bản (tăng 17%).

Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu Du lịch và Giải trí (bao gồm hàng không) tăng mạnh 61,6% từ đầu năm, trong đó HVN của Vietnam Airlines đóng vai trò quan trọng khi tăng hơn gấp đôi. Cổ phiếu công nghệ cũng ghi nhận hiệu suất vượt trội khi tăng tới 41,5%. Mặc dù chiếm tới gần 40% vốn hóa thị trường, nhóm ngành ngân hàng lại ghi nhận hiệu suất chững lại 3 tháng vừa qua sau khi khởi đầu mạnh mẽ đầu năm 2024.

Đáng chú ý, khối ngoại bán ròng tới hơn 900 triệu USD chỉ trong 5 tháng đầu năm, đưa tỷ trọng giao dịch giảm xuống dưới 10%. Điều này đồng nghĩa với việc dòng tiền quyết định “cuộc chơi” trên thị trường chứng khoán đang gần như hoàn toàn thuộc về nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Triển vọng ngắn hạn khả quan

Theo đánh giá của các chuyên gia VNDIRECT, thị trường chứng khoán đang hội tụ điều kiện để quay trở lại xu hướng tăng ngắn hạn. Thứ nhất, chỉ số DXY đã có sự suy yếu và chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và giá vàng trong nước thu hẹp sẽ giúp tỷ giá bớt căng thẳng. Thứ hai, sau khi chạm mốc quan trọng 3%, lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm đã quay đầu giảm.

Thứ ba, kinh tế Việt Nam ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực sản xuất, qua đó củng cố cho bức tranh tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong các quý tới. VNDIRECT dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên sàn HoSE sẽ đạt mức 16-18% trong năm 2024.

Ngoài ra, về định giá, VN-Index đang ở vùng khá hợp lý nếu so sánh với các thị trường mới nổi khi xét trên tỷ lệ P/E nhưng tương đối rẻ khi xét trên tỷ lệ P/B. Xu hướng cải thiện kết quả kinh doanh trong năm 2024 sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho định giá của VN-Index trong thời gian tới.

“Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi những chỉ báo vĩ mô cải thiện, đặc biệt chú ý đến các nhóm ngành có câu chuyện hỗ trợ như thép, bất động sản, mía đường và công nghệ”, chuyên gia của VNDIRECT khuyến nghị.

Chứng khoán nửa cuối năm: Quen dần với biến động lớn - Ảnh 2

Quen dần với biến động lớn

Mặc dù triển vọng ngắn hạn trong một vài tháng tới là tương đối khả quan nhưng có lẽ, nhà đầu tư vẫn luôn cần cẩn trọng tính toán thời điểm vào - ra bởi dù thế nào, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên với mức độ đầu cơ cao (trừ khi nhà đầu tư tiếp cận theo hướng bottom-up, nghĩa là lựa chọn cổ phiếu tốt và nắm giữ mà không quan tâm nhiều đến biến động thị trường chung).

Kinh nghiệm cho thấy, xét trong 10 năm thì cũng chỉ có một/một vài năm thị trường thuận lợi, dễ kiếm tiền. Đa số các năm biến động khá khó lường với các yếu tố dẫn dắt thay đổi liên tục, khi là lãi suất, tỷ giá, lúc khác lại là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết, có khi lại là biến động chính trị, thậm chí là các sự kiện “thiên nga đen” như đại dịch… Tất nhiên rốt cuộc, yếu tố dẫn dắt các đợt tăng - giảm của thị trường là dòng tiền nhưng để xác định mức độ dồi dào hay eo hẹp của dòng tiền thì lại phụ thuộc khá lớn vào các yếu tố lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng lợi nhuận, biến động chính trị như đã kể trên.

2024 có thể là một năm bản lề cho sự phát triển trung hạn của nền kinh tế cũng như của thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên nếu nhìn vào các yếu tố quan trọng, dường như 2024 chưa phải là một năm thực sự thăng hoa của thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, giới đầu tư đang kỳ vọng vào đà phục hồi của nền kinh tế nhưng thông thường, quá trình hồi phục luôn gập ghềnh và chỉ thuận lợi khi nền kinh tế bước vào giai đoạn bùng nổ - điều này thường chỉ xảy ra khi bối cảnh vĩ mô ổn định. Do đó, những biến động lớn trên thị trường chứng khoán xảy ra trong nửa đầu năm hoàn toàn có thể tái diễn trong nửa cuối năm 2024, nhất là khi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đang quyết định “cuộc chơi” trên thị trường chứng khoán.

Tùng Lâm

Theo VietnamFinance