Chứng khoán Việt gặp cảnh 'bước tới nghìn ba bỗng… mất đà'

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 vốn dĩ đã nhiều lần lỡ hẹn với mốc 1.300 điểm, thời gian gần đây lại liên tục công phá mốc này nhưng chưa thành.

Trong vài phiên gần đây, chỉ số VN-Index nhiều lần vượt mốc 1.300 điểm nhưng lại sớm suy yếu. Như trong phiên 1/10, VN-Index giữ trên mốc 1.300 điểm trong khoảng thời gian cuối phiên sáng và đầu phiên chiều với mức tăng trên 12 điểm, thế nhưng kết phiên chỉ tăng 4,26 điểm, tương đương 0,33%, lên 1.292,2 điểm.

Tất nhiên, đây vẫn là một mức tăng tích cực. Đi sâu hơn, động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam bứt phá trong thời gian ngắn vừa qua chủ yếu tới liên quan đến các yếu tố bên ngoài.

Chứng khoán Việt gặp cảnh 'bước tới nghìn ba bỗng… mất đà' - Ảnh 1

Đầu tiên là động thái hạ lãi suất khá mạnh tay từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), tạo ra tác động tích cực không chỉ tới tâm lý các nhà đầu tư Việt Nam mà trên thực tế, tỷ giá USD/VND cũng hạ nhiệt tương đối rõ rệt và khối ngoại bắt đầu quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, việc thị trường chứng khoán Mỹ vẫn vững vàng trước lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái cũng giúp nhà đầu tư trong nước lạc quan hơn.

Đặc biệt, việc Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế khổng lồ đã khiến thị trường chứng khoán nước này bùng nổ sau quãng thời gian dài “ngụp lặn dưới đáy”. Điều này một mặt tác động tích cực tới tâm lý các nhà đầu tư Việt Nam, mặt khác tạo kỳ vọng rằng nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sẽ có lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Trước mắt, việc giá thép Trung Quốc bật tăng đã ngay lập tức tác động tích cực tới giá cổ phiếu thép tại Việt Nam.

Cùng với đó, Thông tư 68/2024/TT-BTC cho phép nhà đầu tư nước ngoài đặt mua cổ phiếu Việt Nam mà không yêu cầu đủ tiền, chính thức có hiệu lực từ ngày 2/10, cũng là một trợ lực quan trọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên trong thời gian qua.

Với những nhà đầu tư dõi theo thị trường liên tục từ đầu năm đến nay, có thể thấy ở các thời điểm VN-Index công phá mốc 1.300 điểm, thị trường chứng khoán cũng trong bối cảnh thuận lợi với nhiều thông tin tích cực, nhưng rốt cuộc vẫn rời xa mốc này. Điều đó không có nghĩa rằng lần này, VN-Index sẽ không vượt qua được mốc 1.300 điểm, nhưng để đối chọi được áp lực chốt lời tại mốc này, thị trường cần thêm “nội lực”, đó là sự đi lên của nền kinh tế trong nước.

Trước mắt, giới đầu tư đã tiếp nhận thông tin chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 9 vừa qua, báo hiệu các điều kiện kinh doanh suy giảm trở lại, một phần do ảnh hưởng từ siêu bão Yagi.

Trong thời gian sắp tới, có 2 luồng thông tin quan trọng liên quan đến nền kinh tế mà giới đầu tư sẽ đón nhận. Đầu tiên là tình hình kinh tế quý III/2024 sẽ được Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 6/10. Thứ hai là kết quả kinh doanh quý III/2024 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ được công bố dần từ nay đến đầu tháng 11. Nếu nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy những tín hiệu tích cực dù bị ảnh hưởng từ siêu bão Yagi, hành trình VN-Index vượt 1.300 điểm cũng sẽ trở nên bền vững hơn. Dẫu sao, mốc 1.300 điểm cũng chỉ là con số, xu hướng chung của thị trường mới là điều quan trọng với các nhà đầu tư.

Thanh Long

Theo VietnamFinance