Chuyên gia bóc trần chiêu trò huy trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chiếm dụng vốn

Từ thực tế tiếp xúc với doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết không ít các doanh nghiệp đã lợi dụng phương thức huy động vốn bằng trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trục lợi, chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, bị can Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, sử dụng 3 công ty con để thực hiện hành vi gian dối khi phát hành, mua bán trái phiếu.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, bị can Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, sử dụng 3 công ty con để thực hiện hành vi gian dối khi phát hành, mua bán trái phiếu.

Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh - để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, bị can Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, sử dụng 3 công ty con để thực hiện hành vi gian dối khi phát hành, mua bán trái phiếu.

Trước đó, tại buổi họp báo của Bộ Công an chiều 30/6, thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, cho biết kết quả điều tra ban đầu xác định Công ty Tân Hoàng Minh đã chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng của các nhà đầu tư.

Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 15% GDP sau điều chỉnh. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng như vậy, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết không ít các doanh nghiệp đã lợi dụng phương thức huy động vốn bằng trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trục lợi, chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư. Điển hình là vụ việc Công ty Tân Hoàng Minh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan hành vi phát hành trái phiếu.

“Vậy thì tại sao những công ty như Tân Hoàng Minh lại bị khởi tố về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"? Đây có lẽ là thắc mắc nhiều người, liệu rằng có hình sự hóa mối quan hệ dân sự hay không? Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu pháp luật, đây không có chuyện hình sự hóa mối quan hệ dân sự trong vụ án như thế này”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, đây là những vụ án mà hành vi, thủ đoạn hết sức tinh vi, thực hiện trên quy mô lớn, số tiền chiếm đoạt rất lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nếu không xử lý nghiêm những vụ việc như thế này thì nguy cơ sẽ còn rất nhiều vụ việc tương tự mà hậu quả rất khó lường.

Vì thế, cần nhận diện và làm rõ hơn hành vi lừa đảo của các doanh nghiệp dưới hình thức phát hành trái phiếu.

Ông Hùng cho biết, về hình thức giao dịch mua trái phiếu giữa doanh nghiệp và người mua trái phiếu được thực hiện hoàn toàn tự nguyện, nội dung ghi nhận rất rõ ràng về việc mua bán, kỳ hạn hoàn trả tiền, được bảo lãnh tài sản hoặc bên thứ 3 hoàn trả tiền (ngân hàng/tổ chức tài chính).

“Nếu nhìn vào sự thỏa thuận như trên rõ ràng nhiều người cùng chung suy nghĩ đó là giao dịch dân sự. Vậy thì hành vi có dấu hiệu lừa đảo ở đâu trong trường hợp này?”, ông Hùng nêu và cho biết về cơ bản lừa đảo là hành vi dùng thủ đoạn gian dối, thông tin, tài liệu giả để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Ông Hùng cho hay, nhận diện về hành vi dấu hiệu lừa đảo của doanh nghiệp trong những vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu có thể thấy rằng: Khi doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn, trong hồ sơ có đưa ra đề án kinh doanh rất cụ thể, kế hoạch trả nợ, tài sản đảm bảo, bên bảo lãnh thanh toán.

Theo đó, người mua trái phiếu cũng vì tin tưởng thông tin, tài liệu, cam kết trên của doanh nghiệp mới mua trái phiếu, hay nói cách khác nhà đầu tư mua trái phiếu vì tin tưởng rằng số tiền của mình được đầu tư vào đúng dự án như đã cam kết, tính thanh khoản được đảm bảo.

Theo ông Hùng, nếu như số tiền mua trái phiếu được thực hiện đúng như cam kết thì vụ việc chỉ là dân sự, tuy nhiên, ông Hùng cho rằng dấu hiệu gian dối thể hiện ở việc đề án kinh doanh không chính xác, các thông tin, cam kết đưa ra chỉ là hứa hẹn và không có.

“Ngay từ đầu, phía doanh nghiệp tự dựng hồ sơ lên để hợp thức hóa việc huy động vốn, tạo lòng tin cho người mua. Bằng mọi cách, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt để khiến cho nhà đầu tư tin tưởng và mua trái phiếu. Ngay từ thời điểm huy động này thì tội phạm lừa đảo đã hoàn thành, đủ căn cứ để khởi tố hình sự”, ông Hùng nói.

Dấu hiệu nữa chứng minh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đó là phía doanh nghiệp sau khi lấy được tiền thì sử dụng vào mục đích khác như trả nợ hoặc sử dụng trái với mục đích ban đầu dẫn đến việc nợ, mất khả năng thanh toán, gây thất thoát, thiệt hại cho nhà đầu tư.

“Rất nhiều doanh nghiệp với suy nghĩ rằng tiền đã vào tài khoản công ty thì việc làm gì, như thế nào là quyền của họ, miễn là họ trả nợ như đã cam kết dẫn đến tình trạng lợi dụng phát hành trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo luật sư Hùng, đến giai đoạn hiện nay thì các cơ quan tố tụng đã nhận diện rất rõ ràng về hành vi, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức phát hành trái phiếu. Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp khi muốn phát hành trái phiếu, không còn chuyện thích vẽ vời về dự án, phương án kinh doanh ra sao cũng được để huy động tiền người dân, xong rồi muốn sử dụng ra sao thì sử dụng. Tất cả phải thực hiện trên cơ sở trung thực, rõ ràng, đúng mục đích và tuân thủ pháp luật.

Nhằm thúc đẩy và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sự kiểm soát thị trường một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai, đồng thời sẽ tạo ra những khó khăn cho thi trường, nhưng sẽ tạo lại niềm tin cho thị trường và có lẽ cũng là cái giá phải trả để có môt thị trường đi vào quy củ và ổn định.

Nhìn bài học từ thị trường Mỹ đã từng trải qua, theo TS Hiếu, Việt Nam cũng cần nâng cao khả năng kiểm soát cho các cơ quan quản lý thị trường, tiền tệ, kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện các nghĩa vụ quản lý và kiểm soát thị trường.

"Theo đó, Việt Nam cần thành lập riêng một Văn phòng trực thuộc Bộ Tài chính về xếp hạng tín nhiệm, để giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động, để kiểm soát việc tuân thủ các quy định về xếp hạng tín nhiệm, việc áp dụng các phương pháp xếp hạng tín nhiệm, và cuối cùng là kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng", ông Hiếu nói.

Hiện có rất nhiều nhà đầu tư có nhận thức chưa đầy đủ và thiếu hiểu biết về thị trường, nên cần thiết phải có một bên thứ 3 đứng ra, giúp các nhà đầu tư phân tích được tình hình tài chính doanh nghiệp, phân tích được rủi ro và lợi nhuận.

“Chính cơ quan xếp hạng tín nhiệm làm việc này là tốt nhất, bởi vì xếp hạng tín nhiệm hoàn toàn khác với kiểm toán, kiểm toán là chỉ kiểm trong một thời điểm nhất định, còn xếp hạng tín nhiệm sẽ phải làm liên tục trong cả một quá trình. Sự so sánh, đối chiếu và khuyến nghị mà cơ quan xếp hạng đưa ra sẽ tương đối sát với tình hình thực tế của doanh nghiệp, giúp các nhà đầu tư có được cái nhìn tổng thể về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, lịch sử tài chính,... hỗ trợ việc đầu tư chuẩn xác hơn”, ông Hiếu nói.

Về phần mình, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, cũng đánh giá việc chấn chỉnh cả về luật pháp và cơ chế thực hiện thanh kiểm tra, giám sát là điều rất cần thiết để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành một kênh huy động vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế. Kênh phiếu doanh nghiệp phải được định hướng là kênh dẫn vốn quan trọng theo đúng định hướng của Chính phủ và giảm áp lực cung ứng vốn cho hệ thống ngân hàng.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance