Chuyên gia: Đầu tư xây dựng công viên, trường học trong dự án là điều đáng mừng, cần khuyến khích
Các chuyên gia cho rằng việc chủ đầu tư (CĐT) khu đô thị muốn đầu tư xây dựng công viên, trường học… trong dự án là điều đáng mừng, cần khuyến khích. Lý do là những năm trước đây, các CĐT dự án khu đô thị thường đẩy hạng mục công trình hạ tầng xã hội của dự án cho địa phương để “rảnh nợ”.
Nhiều CĐT đau đầu nhiều năm nay vì quy định tại Nghị định 11/2013 của Chính phủ về quản lý, phát triển đô thị thì CĐT khi có nhu cầu không được tự đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình trên đất dịch vụ giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên phục vụ vui chơi giải trí, công viên chuyên đề. Lý do đây được xác định là đất công, theo quy trình muốn đầu tư xây dựng phải thông qua đấu thầu.
Lãnh đạo một dự án BĐS lớn ở TP Thủ Đức chia sẻ để thực hiện dự án, tập đoàn phải mất hàng chục năm chuẩn bị và hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan theo quy định. Không chỉ dự án, riêng hạng mục công viên chuyên đề phục vụ dân cư, tập đoàn đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng. Hạng mục này đã được UBND TPHCM phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Thế nhưng diện tích công viên chuyên đề rộng 6,4 ha tại khu đô thị dù tập đoàn rất muốn đầu tư nhưng vẫn phải chờ thủ tục đấu thầu.
Theo vị này, các hạng mục tiện ích trong các dự án do CĐT tư nhân phát triển thì lẽ ra CĐT phải được ưu tiên triển khai nhưng đến nay CĐT vẫn đang phải chờ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea), cho biết rất nhiều CĐT dự án bất động sản khác muốn xây trường học, công viên trong khu đô thị của mình cũng đang phải đợi đấu thầu.
Theo ông Châu, các CĐT dự án khu đô thị, khu nhà ở đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng nhằm tạo lập quỹ đất dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở. Sau đó, CĐT phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước với giá trị rất lớn (thường khoảng 70%-80% chi phí giải phóng mặt bằng). Tiếp theo, CĐT phải tiếp tục bỏ chi phí đầu tư xây dựng san lấp mặt bằng, thi công các công trình kết cấu hạ tầng của dự án (như đường giao thông, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống cấp nước sạch, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc, Internet, công viên cây xanh, kết nối hạ tầng đất y tế, giáo dục, vui chơi giải trí); chi phí vốn; chi phí quản lý...
Thế nhưng CĐT dự án khu đô thị, khu nhà ở có nhu cầu lại không được đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình trên đất dịch vụ của dự án như đất y tế, đất giáo dục, đất công viên giải trí, công viên chuyên đề. Ông Châu cho rằng việc này là không hợp lý, không đảm bảo được quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, xét về nguồn gốc tạo lập quỹ đất và kết cấu hạ tầng xã hội thì có thể thấy rõ công sức đầu tư xây dựng của CĐT dự án là rất lớn, cần được ưu tiên.
Horea đề nghị bổ sung quy định mới, tạo điều kiện cho phép CĐT dự án khu đô thị, khu nhà ở có nhu cầu thì được đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình trên đất y tế, đất giáo dục, đất công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề trong phạm vi dự án. Đồng thời, bổ sung danh mục dự án sản xuất, kinh doanh mới có tính chất thử nghiệm trong không gian và thời gian có giới hạn vào khoản đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng việc CĐT khu đô thị muốn đầu tư xây dựng công viên, trường học… trong dự án là điều đáng mừng, cần khuyến khích. Lý do là những năm trước đây, các CĐT dự án khu đô thị thường đẩy hạng mục công trình hạ tầng xã hội của dự án cho địa phương để “rảnh nợ”.
Những năm gần đây, nhiều CĐT lại có nhu cầu đầu tư, kinh doanh đất y tế, đất giáo dục, đất công viên trong phạm vi dự án. Các chuyên gia đánh giá đây là nhu cầu hợp pháp, chính đáng, phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư các công trình dịch vụ và tiện ích đô thị phục vụ lợi ích công cộng. Như vậy, Nhà nước không phải bỏ ngân sách để đầu tư, vừa đảm bảo có các dịch vụ, tiện ích đô thị phục vụ cư dân trong dự án và cả khu vực lân cận, khách vãng lai theo quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được phê duyệt.