Trước rủi ro lạm phát sẽ tăng cao, nhà đầu tư có nên ‘dồn tiền’ vào bất động sản ngay lúc này?

Trong bối cảnh thị trường liên tiếp đón nhận các thông tin về lạm phát cùng với đó là tâm lý sợ đồng tiền bị mất giá nên không ít nhà đầu tư đã quyết định đổ tiền vào những tài sản thực, mà điển hình là bất động sản.

Tại Việt Nam ở thời điểm gần đây, một số mặt hàng thiết yếu có biến động tăng giá, ảnh hưởng từ chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển logistics tăng như thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng được cho là nguyên nhân chủ yếu ‘châm ngòi’ cho rủi ro lạm phát.

Câu chuyện lạm phát hiện cũng đang được nhắc đến trong bối cảnh Chính phủ triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế bằng việc xem xét nới lỏng các chính sách tài khóa, tiền tệ.

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng đã cho biết, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang dần phục hồi khi việc tiêm vắc xin đang được phủ rộng. Giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng gia tăng. Các nước phát triển đang có mức lạm phát cao lịch sử. Do đó, áp lực lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới là rất lớn.

Trường hợp nếu lạm phát tăng cao vào năm sau, áp lực tăng giá bất động sản cũng sẽ rất lớn. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, từ quý II/2022 trở đi, khi kinh tế hồi phục trở lại, Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân cho cả trẻ em thì bất động sản sẽ càng có đà tăng giá. Trong khi đó, cầu tăng mà nguồn cung chưa phục hồi thì việc tăng giá là điều hiển nhiên.

Theo đó nhiều chuyên gia khuyến nghị, trong bối cảnh lạm phát như thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên cần cân đối và đặt lại mục tiêu cho danh mục đầu tư của mình. Rủi ro lạm phát dễ khiến tài sản “bốc hơi” nếu kênh đầu tư không may mất giá. Yếu tố lợi nhuận cần đặt lùi về sau, và hướng đến việc bảo vệ tài sản trước tiên.

Trong đó, ba kênh đầu tư truyền thống vẫn thường được khuyến nghị để giúp nhà đầu tư bảo toàn giá trị tài sản: vàng, chứng khoán bất động sản.

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, ta có thể thấy kể từ thời điểm năm 2014 khi thị trường bắt đầu ‘tan băng’ kéo theo xu hướng tăng giá liên tục trong giai đoạn 2016-2019. Thậm trí ở thời điểm hiện tại, dưới tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid – 19 tuy nhiên ở một số khu vực giá bất động sản vẫn tăng trưởng dương. Sang năm 2022, bất động sản được dự báo sẽ còn tăng giá mạnh mẽ hơn nữa.

Do đó, không mấy ngạc nhiên khi các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên đổ tiền vào bất động sản để bảo vệ dòng tiền của mình.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị người dân nên đầu tư bất động sản trước áp lực rủi ro của lạm phát ngày càng tăng.  
Nhiều chuyên gia khuyến nghị người dân nên đầu tư bất động sản trước áp lực rủi ro của lạm phát ngày càng tăng.  

Thực tế cho thấy, kể từ tháng 10 đến nay, lượng giao dịch tại thị trường thứ cấp tăng mạnh. Nếu trong tháng 8 và 9 thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản chỉ ở mức 640 tỷ đồng và 685 tỷ đồng thì sang tháng 10 con số đã tăng hơn gấp đôi, đạt khoảng 1.400 tỷ đồng.

Song song đó, thị trường sơ cấp cũng sôi động không kém. Các buổi công bố sản phẩm từ đầu tháng 11 đến nay đều chứng kiến lượng người quan tâm và tham dự lớn. Điển hình tại Novaland Gallery lượng khách hàng đến tham quan và tìm hiểu dự án luôn tấp nập.

Hay như tại Hà Nội, dòng căn hộ thương hiệu Ritz-Carlton dù có mức giá đến hàng triệu đôla một căn vẫn tìm thấy chủ nhân ngay trong ngày mở bán đầu tiên.

PGS. TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu lượng tiền được bơm ra, tác động đến thị trường bất động sản cũng sẽ rất mạnh. Tuy nhiên, thị trường còn phụ thuộc vào việc tháo gỡ các nút thắt về thủ tục pháp lý.

“Tất nhiên, những lúc tất cả mọi thứ bùng dậy như hiện nay thì rủi ro cũng rất lớn. Điều này phục thuộc vào khả năng ra quyết định của các nhà đầu tư”, ông Thiên nói.

Còn theo TS. Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, khi lạm phát xảy ra, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ neo vào vàng, dầu và bất động sản. Giả sử, nếu bây giờ mua một căn nhà với giá 1 tỷ đồng, lạm phát xảy ra thì giá sẽ tăng lên 1,2 – 1,5 tỷ đồng. Nếu nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính thì việc xuống tiền ngay từ bây giờ là hợp lý. Nhưng nếu có 1 tỷ mà đi vay hết 700 triệu thì khi lạm phát xảy ra, lãi suất sẽ rất cao và khả năng chi trả của người mua sẽ bị hạn chế.

“Lạm phát càng cao càng nên đầu tư vào bất động sản hay các kênh bảo toàn được giá trị. Còn nếu đi vay thì nên cân nhắc. Các nhà đầu tư không nên quá lo lắng về lạm phát, thay vào đó đầu tư càng sớm càng tốt để giữ được đồng tiền không bị mất giá”, ông Khương nói.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển