Chuyên gia nói gì về tác động của việc tăng lãi suất đối với tăng trưởng kinh tế?

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu lựa chọn hy sinh lãi suất để giữ tỉ giá sẽ gia tăng tính ổn định của kinh tế vĩ mô, thêm bộ đệm để đối phó với các cú sốc toàn cầu.

Tăng lãi suất để ổn định tỉ giá

Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, định hướng là ổn định không có nghĩa là cố định đồng tiền. Nếu để mặt bằng lãi suất ổn định quá lâu sẽ gây áp lực lên tỉ giá và gây bất ổn vĩ mô. Do đó, Ngân hàng Nhà nước thấy cần phải điều chỉnh lãi suất để đối phó với cú sốc của thị trường toàn cầu và neo giữ tâm lý kỳ vọng của thị trường.

Tuy nhiên, tăng lãi suất lại đe dọa tăng trưởng vào năm sau, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã có một nền tăng trưởng GDP rất cao vào năm 2022 và nhiều dự báo cho rằng suy thoái toàn cầu có khả năng xảy ra vào năm 2023.

Rủi ro của tăng lãi suất còn nằm ở khu vực bất động sản.
Rủi ro của tăng lãi suất còn nằm ở khu vực bất động sản.

Đây là thực trạng mà các quốc gia phát triển đang đối mặt. Để đối phó với lạm phát, ngân hàng trung ương của các nước phát triển đã liên tục tăng lãi suất, khiến đà tăng trưởng GDP của các quốc gia này giảm tốc nhanh, thậm chí ghi nhận mức tăng trưởng âm và đang có nguy cơ suy thoái cao.

Tại Việt Nam, rủi ro của tăng lãi suất còn nằm ở khu vực bất động sản. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, nhận định, sắp tới đáo hạn hàng trăm ngàn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, nếu các doanh nghiệp không phát hành được trái phiếu để đảo nợ cũ này, thì tình trạng vỡ nợ trái phiếu có thể sẽ xảy ra.

Cũng là lớp tài sản rủi ro như bất động sản, thị trường chứng khoán cũng sẽ chịu áp lực lớn nếu lãi suất tăng cao. Tác động sẽ đồng thời đến từ giảm định giá do tăng tỉ lệ chiết khấu, suy giảm tăng trưởng tương lai của doanh nghiệp, dòng vốn tháo chạy sang kênh đầu tư an toàn. Đặc biệt là trong tình cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm hơn 30% từ đầu năm nay, gây nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư và giá trị vốn hóa của doanh nghiệp.

Thực tế, động thái tăng lãi suất điều hành gần đây của Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát tín hiệu nhà điều hành đang “nghiêng” về phía tỉ giá hơn lãi suất, ưu tiên ổn định vĩ mô hơn tăng trưởng đang là một lựa chọn an toàn, trong bối cảnh nhiều bất ổn vẫn đang xảy ra trên toàn cầu.

Điểm tên những ngân hàng dẫn đầu cuộc đua tăng lãi suất

Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành (từ ngày 23/9), nhiều ngân hàng đã tiến hành tăng lãi suất tiết kiệm, thậm chí có ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động tới 2-3 lần.

Cuộc đua tăng lãi suất huy động tiếp tục 'nóng' khi ngày càng có nhiều ngân hàng nhập cuộc. Mức lãi suất trên 8% giờ không phải hiếm trên thị trường. Thậm chí, có ngân hàng còn tung ra mức lãi suất tiết kiệm tới gần 9,4%/năm.

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng trong tháng 10/2022.
Lãi suất tiết kiệm ngân hàng trong tháng 10/2022.

Điển hình là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Trước đó, SCB tăng lãi suất huy động các kỳ hạn khoảng 1%/năm từ ngày 8/10. Theo đó, mức cao nhất là 8,9%/năm dành cho kỳ hạn 24 tháng với chứng chỉ tiền gửi và cũng áp dụng mức lãi suất 8,9% cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng (trước đó là 7,55%/năm).

Với việc SCB tặng coupon lãi suất 0,5% và tăng lãi suất 1%/năm, khách hàng gửi tiền tại ngân hàng này có thể nhận lãi cao nhất lên đến 9,35%/năm cho kỳ hạn 36 tháng; kỳ hạn 6 tháng lãi suất sau khi cộng là 8,4%/năm và lãi suất huy động sau khi cộng ở kỳ hạn 12 tháng là 9%/năm.

Ngoài ra, SCB còn có chính sách cộng thêm lãi suất 0,02 điểm % cho những người trung niên và cao tuổi (từ 40 tuổi trở lên). Tính ra, mức lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể nhận được khi gửi tiết kiệm tại SCB lên tới 9,37%/năm.

Cùng xu hướng, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng tung ra chương trình lãi suất mới áp dụng từ 10/10-31/12/2022. Theo đó, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm tại ABBank ở kỳ hạn 6 tháng sẽ hưởng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 8,5%/năm và kỳ hạn 15 tháng sẽ hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm.

Ngoài ra, với các khoản tiết kiệm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, tuỳ theo các kỳ hạn, khách hàng sẽ được tặng thêm một phần quà bằng tiền mặt trị giá tương đương từ 0,3-0,8%/năm lãi suất cho tháng gửi tiền đầu tiên.

Tương tự, tại Kienlongbank cũng vừa tăng lãi suất cao nhất lên 8,6%/năm dành cho khách hàng gửi tiền trực tuyến từ 1 năm trở lên, không có đính kèm bất cứ điều kiện nào về số tiền gửi tối thiểu. Với các kỳ hạn ngắn hơn (từ 6 tháng đến dưới 12 tháng) mức lãi suất ưu đãi từ 8,1-8,3%, áp dụng cho hình thức gửi tiền trực tuyến, nhận lãi cuối kỳ. Với khách hàng gửi tiết kiệm trực tiếp tại quầy, lãi suất tăng 0,3%, lên 7,8-8,3% ở các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 36 tháng.

Từ ngày 11/10, NamABank cũng tăng lãi suất tiền gửi online kỳ hạn từ 18 tháng thêm 0,9%/năm lên 8,4%/năm. Với kỳ hạn từ 12 tháng theo hình thức trực tuyến tại NamABank, khách hàng có thể nhận mức lãi suất từ 8%/năm không đi kèm điều kiện gì.

Trong khi đó, BacABank cũng thông báo biểu lãi suất mới từ ngày 11/10. Người gửi tiền từ 1 tỷ đồng tại BacABank sẽ được nhận lãi suất 8,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, 8,4%/năm cho kỳ hạn 18 tháng.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng vừa tăng lãi suất tiền gửi từ 0,8-2 điểm % so với đầu tháng 9. Khách hàng cá nhân gửi tiền tại quầy và qua kênh online của tại MSB sẽ nhận mức lãi suất từ 5-8%/năm, tại các kỳ hạn từ 1-36 tháng. Trong đó, các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng được MSB áp dụng mức lãi suất tới 8%/năm.

Lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng Đông Á (DongABank) trong tháng 10 được điều chỉnh tăng từ 0,2-1,2 điểm % so với hồi đầu tháng 9. Khách hàng có khoản tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 tháng sẽ được nhận lãi suất là 8,1%/năm.

Trước đó, Ngân hàng số Cake by VPBank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) cũng áp dụng mức lãi suất cao nhất là 8,2%/năm dành cho các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng và kỳ hạn gửi 36 tháng.

Như vậy, chỉ trong vài tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng trần lãi suất điều hành, mức lãi suất cao nhất trên thị trường đã tăng từ 7,55%/năm lên gần 9,4%/năm. Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi chưa dừng lại khi ngày càng nhiều ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động trên 8%/năm với các sản phẩm tiền gửi của khách hàng cá nhân.

Đến thời điểm này đã có khoảng 90.000 tỷ đồng nguồn tiền đang hỗ trợ cân đối nguồn hệ thống.
Đến thời điểm này đã có khoảng 90.000 tỷ đồng nguồn tiền đang hỗ trợ cân đối nguồn hệ thống.

Bơm thêm khoảng 90.000 tỷ đồng hỗ trợ cân đối nguồn hệ thống Ngân hàng

Tuần qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam trải qua những tác động bất lợi nhất định từ dư luận ảnh hưởng đến tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Tuy nhiên, SCB dần ổn định trở lại, đồng thời, cân đối nguồn hệ thống bớt căng thẳng. Lãi suất VND giảm mạnh trên thị trường liên ngân hàng.

Cùng với đó, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng lượng tiền khá lớn ra thị trường, đặc biệt trong hai ngày đầu tuần. Lượng tiền của các ngân hàng thương mại (NHTM) gửi về NHNN qua kênh tín phiếu ngắn hạn cũng đáo hạn và chảy trở lại thị trường khá lớn.

Cụ thể, trước khi bước vào tuần vừa qua các NHTM vẫn còn tới 45.398,8 tỷ đồng “của để dành” gửi ở NHNN qua số dư tín phiếu của cơ quan này đã phát hành trước đó. Với kỳ hạn ngắn, lượng tiền này đã lần lượt đáo hạn trong tuần, bổ sung nguồn cho hệ thống.

Tuy nhiên, cũng trước khi bước vào tuần này, hệ thống có số dư vay ngắn hạn từ NHNN qua thị trường mở (OMO) là 41.691,55 tỷ đồng. Lượng vốn này cũng có kỳ hạn ngắn (7 ngày) nên các NHTM cũng phải dồn trả NHNN trong tuần qua.

Cân đối lại hai nguồn trên khá cân bằng, lượng vốn của các NHTM chảy trở lại thị trường qua tín phiếu đáo hạn có nhỉnh hơn một phần.

Khi hệ thống có diễn biến bất lợi liên quan đến hoạt động của SCB, NHNN lập tức đẩy mạnh bơm tiền ra hỗ trợ cân đối nguồn; kỳ hạn cũng lập tức được nới dài, từ 7 ngày trước đó lên 14 và 28 ngày để giãn bớt áp lực nguồn tiền này sớm đáo hạn.

Hai ngày đầu tuần NHNN bơm qua OMO khá mạnh với quanh 30.000 tỷ đồng/phiên. Quy mô này thu hẹp dần từ giữa tuần, và phiên cuối tuần (14/10) chỉ còn phải bơm 4.382,66 tỷ đồng, kỳ hạn cũng thu hẹp còn 7 và 14 ngày; lãi suất đã có hướng “cố định” chỉ ở 5%/năm (cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua có từ 6,3-6,9%/năm).

Tính chung tổng cân đối liên quan đến hoạt động bơm - hút tiền ngắn hạn của NHNN qua hai kênh chính yếu trên (qua OMO và phát hành tín phiếu), đến thời điểm này đã có khoảng 90.000 tỷ đồng nguồn tiền đang hỗ trợ cân đối nguồn hệ thống. Quy mô này là lượng NHNN đang cho vay ròng để cân đối nguồn hệ thống, các NHTM sẽ lần lượt phải trả lại Nhà điều hành thời gian ngắn sắp tới.

Với hơn 45.000 tỷ đồng vốn của các NHTM ở kênh tín phiếu NHNN chảy trở lại thị trường, cùng với lượng NHNN bơm cho vay qua OMO với số dư hiện đã lên quanh 90.000 tỷ đồng, nguồn cung lớn đã góp phần hạ nhiệt lãi suất VND trong tuần qua.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống