Chuyện ít biết về cây cầu ở Thủ đô được thế giới hết lời khen ngợi: Thành lập ngân hàng và quận riêng để quản lý, 8.300 công nhân thi công ròng rã 11 năm
Theo tính toán của các chuyên gia cầu đường, hiện nay, nếu xây dựng một cây cầu tương đương quy mô cây cầu này, kinh phí sẽ không dưới 500 triệu USD.
Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng vào ngày 26/11/1974 và chính thức khánh thành ngày 9/5/1985. Đây là cây cầu duy nhất của thành phố Hà Nội có thời gian thi công lâu nhất trong vòng 11 năm và là công trình tầm cỡ nhất khu vực Đông Nam Á khi đó.
Cầu bắc qua sông Hồng ở khu vực gần bến Chèm, thuộc địa bàn phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm (bờ Nam). Đầu cầu còn lại thuộc xã Võng La, huyện Đông Anh (bờ Bắc), cách nhau 1.688m và cách trung tâm Hà Nội 12km.
Ảnh tư liệu
Thăng Long là cây cầu đầu tiên thành lập ngân hàng và một quận để phục vụ quá trình xây dựng. Toàn bộ vốn từ Liên Xô đều được rót về Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Cầu Thăng Long và được quản lý chặt chẽ. Còn quận Công an cầu để lo toàn bộ nhân khẩu, nhân sự. Xí nghiệp liên hợp Cầu Thăng Long cũng được thành lập để triển khai xây dựng cầu.
Ban đầu, cây cầu do Trung Quốc giúp xây dựng. Tuy nhiên, vào năm 1978, Trung Quốc rút về nước và công trình bị bỏ dở. Sau đó, cây cầu được Liên Xô tiếp quản, khôi phục thi công từ tháng 6/1979. Lực lượng kỹ sư, công nhân lúc đầu có 1.600 người, sau tăng lên 8.300 người. Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo thợ lặn sâu 50m, công nhân phun sơn, hàn tự động, kiểm tra hàn…
8.300 công nhân thi công cây cầu này. Ảnh tư liệu.
Theo thiết kế ban đầu của Trung Quốc, cầu Thăng long có khung dầm thép; mặt đường ô tô cầu chính có kết cấu làm từ các tấm bê tông cốt thép dày hơn 14cm. Cầu chính vượt sông dài 1.688m bao gồm 15 nhịp dầm thép. Mặt cầu tầng rộng 19,5m, gồm 4 làn xe, hai bên dành cho người đi bộ. Cầu đường sắt nằm ở phía dưới, cách tầng trên khoảng 14m. Lòng cầu rộng 10m, có 2 đường sắt, 1 đường tiêu chuẩn 1,435m và một đường 1m. Có tất cả 116 nhịp cầu dẫn đường sắt (gồm 53 nhịp phía bắc, 63 nhịp phía nam). Hai bên cánh gà tầng dưới có 2 đường xe thô sơ, mỗi đường rộng 3,5m.
Quá trình xây dựng, Liên Xô đã cung cấp cho công trình khoảng 49.000 tấn sắt thép các loại, 26.000 tấn dầm cầu thép, gần 60.000 tấn xi măng mác cao và hàng trăm tấn máy móc, thiết bị như cần cẩu tải trọng lớn, hệ thống hàn tự động, thiết bị thí nghiệm, kiểm định, máy xúc, ủi, xe lu, canô.
Ảnh tư liệu
Cho đến nay, Thăng Long vẫn được coi là cây cầu có nhiều cái “đầu tiên” nhất, như: Lần đầu tiếp cận hệ thống tụ nhiệt; lần đầu tiên lắp cụm dầm thép. Công thức pha chế vật liệu dính bám hết sức cầu kỳ giúp lớp nhựa mặt cầu mới có độ bền đến hơn 30 năm.
Trong các giải pháp kỹ thuật công nghệ nói trên thì bản mặt cầu nối liên tục nhiệt của nữ kỹ sư Sakharova I.D. được giới chuyên môn của Nga đánh giá “là một thành tựu vượt trội so với thực tiễn xây dựng cầu của thế giới”.
Đặc biệt, cây cầu này là lần đầu tiên người thợ thi công cầu Việt Nam và Liên Xô cùng thi công lắp cụm dầm thép. Còn có một giai thoại mà những người tham gia công tác thi công cầu nhắc đến là tự hào. Ngày Chủ tịch Phạm Văn Đồng đến thăm và gắn tấm biển đồng ghi tên "cầu Thăng Long", bác gặp và nói chuyện với anh chị em công nhân và chuyên gia Liên Xô đang làm việc tại cầu. Chủ tịch hỏi Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô: "Tôi nghe có người nói câu này Liên Xô làm là chính phải không?". Trưởng đoàn Liên Xô nói: "Cầu này anh em công nhân Việt Nam làm là chính, chuyên gia chỉ có 70 người còn công nhân của XNLH là 7.000 người, tỷ lệ 1/100. Cán bộ, công nhân Việt Nam rất giỏi"...
Cây cầu ngày nay đóng vai trò quan trọng trong giao thương và phát triển kinh tế.
Tổng số vốn đầu tư công trình khi hoàn thành chỉ hết 3 triệu rúp, tương đương khoảng 3 triệu USD vào thời điểm đó. Theo tính toán của các chuyên gia cầu đường, hiện nay, nếu xây dựng một cây cầu tương đương quy mô cầu Thăng Long, kinh phí sẽ không dưới 500 triệu USD.
Khi đó, Chủ tịch nước Trường Chinh đã gợi ý đặt tên cầu là “Thăng Long”, biểu tượng cho sự phát triển và hưng thịnh của đất nước. Trước đó, năm 1971 khi thông qua chủ trương xây dựng, cầu có tên gọi là cầu Chèm. Giai đoạn Trung Quốc tham gia xây dựng cầu còn có tên là Hồng Hà đại kiều (cầu lớn sông Hồng). Cầu còn được gọi là cầu Hữu nghị Việt Xô khi Liên Xô vào tiếp nhận thi công.
Cầu Thăng Long về đêm lung linh ánh đèn.
Sau hơn 15 năm khai thác, năm 2020, phần mặt đường ô tô cầu Thăng Long hư hỏng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Nhà thầu đã hàn 1,4 triệu đinh neo bằng thép lên bản mặt thép của cầu; lắp đặt 800 tấn thép; đổ 2.000 m3 bêtông siêu tính năng, quét keo dính bám và thảm 27.200m2 bêtông nhựa polyme.
Sau gần 5 tháng thực hiện với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng, cầu đã được thông xe đi lại như ngày nay.