Chuyến 'tàu lượn siêu tốc' của chứng khoán: Hãy thắt dây an toàn!

Một “chuyến tàu siêu tốc đã được khởi hành trên khắp các thị trường chứng khoán từ đầu tháng này, tạo ra sự hoảng loạn và phấn khích đan xen từ các nhà đầu tư. Liệu đây có phải là thời điểm để tham lam khi người khác sợ hãi?

Tàu lượn siêu tốc

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua một cuộc “tấn công” hoảng loạn vào ngày 5/8 - một sự hỗn loạn bất ngờ trong một năm vốn khá yên bình. Cơn chóng mặt bắt đầu ở châu Á: thị trường Nhật Bản sụp đổ vào sáng 5/8, với chỉ số Nikkei 225 giảm tới hơn 4.000 điểm, tương đương 12,4%.

Chỉ số chuẩn TAIEX của Đài Loan giảm 8,4%, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong lịch sử. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 8,1% trước khi giao dịch bị ngưng 20 phút do mức giảm quá lớn khiến cơ chế tự ngắt của sàn giao dịch được kích hoạt.

Chuyến 'tàu lượn siêu tốc' của chứng khoán: Hãy thắt dây an toàn! - Ảnh 1

Cơn xóc nảy sau đó lan rộng khắp toàn cầu khi tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 khu vực giảm 2,54%, với tất cả các lĩnh vực và sàn giao dịch chứng khoán khu vực lớn đều giao dịch trong sắc đỏ. Tiền điện tử lao dốc cùng với hàng loạt hàng hoá khác như vàng, dầu, USD.

Đến cuối ngày, đến lượt thị trường chứng khoán Mỹ “thở gấp", khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones ghi nhận ngày tồi tệ nhất trong gần 2 năm, giảm 2,6% xuống vùng 38.000 điểm, Nasdaq Composite và S&P 500 đều giảm hơn 3%, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5.

Đợt bán tháo này đặc biệt tập trung vào các cổ phiếu công nghệ vốn đã thúc đẩy chỉ số thị trường tăng cao một cách không cân xứng, chẳng hạn như nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo Nvidia.

Chỉ riêng thứ Hai (ngày 5/8), hơn 1.000 tỷ USD đã bị xóa khỏi 7 công ty vốn hoá lớn nhất Mỹ. Ông Kevin Gordon, giám đốc nghiên cứu đầu tư cấp cao tại Charles Schwab, cho biết: "Tôi nghĩ rằng phần lớn câu chuyện chỉ là việc bán tháo tất cả những công ty thành công trong năm nay".

Tính tới ngày 20/8, tức nửa tháng sau “ngày thứ Hai đen tối", tại Phố Wall, chỉ số Dow Jones đã quay lại vùng 40.800 điểm. Chỉ số này tăng 2,6% trong 5 phiên gần nhất, đồng nghĩa với việc đã bù lại mức lỗ trong ngày 5/8.

Tương tự, Nasdaq Composite và S&P 500 cũng đã “hồi" sau những thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ. Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đã quay lại vùng gần 38.000 điểm, cho thấy mức tăng vượt trội chỉ trong vòng 2 tuần để bù lại hơn 4.000 điểm bị mất.

Những diễn biến mới nhất cho thấy thị trường chứng khoán, đặc biệt là tại phố Wall, đang trên một chuyến “tàu lượn siêu tốc", tăng mạnh và giảm sâu đột ngột theo từng thông kinh tế mới, khiến các nhà đầu tư trải qua đủ cung bậc cảm xúc chỉ trong quãng thời gian ngắn.

Trạng thái bình thường mới của một thị trường mong manh?

Nói về nguyên nhân của những đợt tăng, giảm đột ngột, các chuyên gia cho rằng có quá nhiều tín hiệu hỗn loạn trên thị trường Mỹ, trong khi một số cổ phiếu đang được giao dịch quá mức.

Bên cạnh những dữ liệu kinh tế yếu kém làm dấy lên nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái, việc ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) gần đây tăng lãi suất trong khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát tín hiệu có thể sớm cắt giảm lãi suất, đã tạo ra những biển báo trái ngược, “tung hứng" tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng phố Wall đang bộc lộ những vết nứt khiến cho thị trường này trở nên “mong manh" hơn bao giờ hết.

Trong đó, tờ Thời báo Chứng khoán (STCN) của Trung Quốc đã đăng tải một bài viết với nhận định: “Trong chu kỳ từ trạng thái xuất thần đến tuyệt vọng và trở lại trạng thái xuất thần, chứng khoán Mỹ đang ngày càng bộc lộ những vấn đề về tính mong manh và sự biến động đã trở thành trạng thái bình thường mới”.

Chuyến 'tàu lượn siêu tốc' của chứng khoán: Hãy thắt dây an toàn! - Ảnh 2

Theo nghiên cứu của ngân hàng Bank of America, từng cổ phiếu lẻ của thị trường Phố Wall đang ở mức độ dễ tổn thương cao, khi trung bình 50 cổ phiếu hàng đầu S&P có tính dễ bị tổn thương đã tăng lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ.

Bà Nitin Saksena, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu phái sinh vốn cổ phần Mỹ tại Bank of America, đã chỉ ra trong báo cáo mới nhất rằng kể từ năm 2019, số các sự kiện dễ bị tổn thương đối với chứng khoán Mỹ đã tăng gấp 5 lần so với thế kỷ trước, bao gồm cả lạm phát hay đại địch COVID-19...

“Sự biến động cực độ của thị trường trong vài tuần qua là ví dụ mới nhất về tính mong manh ngày càng lớn của chứng khoán Mỹ trong thập kỷ rưỡi qua”, bà Saksena cho biết, đồng thời nói thêm rằng giờ đây những cú sốc nhỏ sẽ kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới thị trường.

Đằng sau sự hỗn loạn của thị trường tài chính, Phố Wall cũng nhận thấy những vấn đề khác về tính thanh khoản ngày càng kém và sự tập trung kém lành mạnh quanh một số cổ phiếu trung tâm.

Ví dụ, một số cổ phiếu khổng lồ về công nghệ và AI đã thống trị thị trường trong năm qua, khiến lợi nhuận chỉ số tập trung vào những cổ phiếu này trong khi hầu hết các cổ phiếu khác đều bị thị trường bỏ qua. Khi các vị thế chủ đạo này bị phá bỏ, tình trạng hỗn loạn nhanh chóng lan rộng khắp thế giới, gây ra sự gián đoạn giao dịch trên các thị trường tài chính và do đó bộc lộ những điểm yếu.

Hiện tại, thị trường đang chuẩn bị cho việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc họp thường niên của các ngân hàng trung ương toàn cầu tại Jackson Hole (Mỹ), nơi các nhà đầu tư tìm kiếm manh mối về việc cắt giảm lãi suất từ Chủ tịch Fed - Jerome Powell.

Hãy thắt dây an toàn!

Ở Phố Wall, trò chơi tham lam và sợ hãi không bao giờ dừng lại. Một số nhà phân tích tin rằng khi triển vọng Fed cắt giảm lãi suất ngày càng rõ ràng, tâm lý thị trường chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục trở lại trạng thái xuất thần, do đó có nhiều khả năng xảy ra một đợt biến động dữ dội mới.

Việc tham gia vào trò chơi “tàu lượn siêu tốc” trong chứng khoán mang lại một số bài học quan trọng cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng. Đầu tiên, các chuyên gia cho biết, điều quan trọng là phải chống lại sự thôi thúc tham gia vào bầy đàn nhà đầu tư hoảng loạn đang vội vã thoát ra hoặc lao vào thị trường. Thứ hai, các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho việc cắt giảm lãi suất dự kiến từ Fed.

"Đây là thời điểm bạn cảm thấy muốn hành động, nhưng thực chất lại thường là thời điểm bạn không nên hành động", Ainsley Carbone, một chiến lược gia về hưu trí tại UBS, chia sẻ.

Chuyến 'tàu lượn siêu tốc' của chứng khoán: Hãy thắt dây an toàn! - Ảnh 3

Nghiên cứu của Charles Schwab cho thấy việc xác định thời điểm thị trường, hay cố gắng mua và bán cổ phiếu để nắm bắt lợi nhuận và tránh thua lỗ, là điều vô cùng khó khăn, có thể dẫn đến mất cơ hội đầu tư.

Do đó, Alex McGrath, giám đốc đầu tư của NorthEnd Private Wealth, cho biết hãy lập kế hoạch dài hạn cho các khoản đầu tư và tuân thủ theo kế hoạch đó. Ông lưu ý rằng việc bám sát mục tiêu đầu tư dài hạn và mục tiêu tài chính rộng hơn có thể giúp nhà đầu tư tránh được những phản ứng bộc phát như bán cổ phiếu khi mọi người đang hoảng loạn.

Ông McGrath nhận định: "Những biến động hàng ngày của thị trường không còn quan trọng nữa" khi bạn kiên trì với kế hoạch đầu tư của mình.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng khuyên các nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn tinh thần cho những biến động mạnh trên thị trường và luôn nắm bắt thông tin kinh tế để tránh việc bị cuốn theo vòng xoáy hành động của đám đông.

Bởi lẽ, việc chuẩn bị một tinh thần vững vàng, cũng như một kế hoạch chắc chắn, mới là chiếc “đai an toàn" bảo vệ được nhà đầu tư vào những thời điểm “tàu lượn siêu tốc” hoạt động.

Quỳnh Anh

Theo VietnamFinance