'Cổ đất' dẫn sóng, VN-Index 'test' mốc 1.250

Thị trường chứng khoán ngày 7/5 chứng kiến sự trở lại ấn tượng của nhóm cổ phiếu bất động sản, kéo chỉ số VN-Index trở lại mốc 1.250 điểm sau nhiều phiên giằng co.

Chốt phiên, VN-Index tăng 8,09 điểm, đạt 1.250,37 điểm. Thanh khoản trên HoSE duy trì ở mức cao, xấp xỉ 17.000 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ so với phiên liền trước. Dù vậy, trạng thái giao dịch đã chuyển từ thận trọng sang lạc quan khi sắc xanh chiếm ưu thế trên cả ba sàn.

Trên HoSE, có 187 cổ phiếu tăng giá, vượt trội so với 132 mã giảm và 55 mã đứng giá. Sàn HNX có sự giằng co nhất định với với 83 mã tăng, 85 mã giảm và 53 mã đi ngang. Trong khi đó, UPCoM diễn biến tích cực, với 137 mã tăng, 117 mã giảm và 89 mã giữ giá tham chiếu.

Cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là các mã bluechip, góp công lớn đưa VN-Index kiểm định ngưỡng cản 1.250
Cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là các mã bluechip, góp công lớn đưa VN-Index kiểm định ngưỡng cản 1.250

Ở nhóm VN30, cổ phiếu VIC đóng vai trò "đầu kéo" khi bật tăng hơn 4%. Theo sau và góp thêm xung lực lần lượt là BVH (+3,16%), GVR (+2,26%), BCM (+1,96%), VHM (+1,81%),... Tuy nhiên, sự phân hóa vẫn hiện hữu trong rổ này, khi MWG, PLX, MSN, HDB và SSI đồng loạt giảm trên 1%, cho thấy sự giằng co giữa kỳ vọng phục hồi và áp lực chốt lời.

Với sự gia tăng rõ rệt của dòng tiền, nhóm bất động sản trở thành tâm điểm trong phiên giao dịch ngày 07/05. Nổi bật là cổ phiếu NLG tăng trần với 6,5 triệu đơn vị được khớp lệnh. Các mã khác như HDC, NVL, KDH, DXG, PDR... cũng ghi nhận mức tăng mạnh, dao động từ 2,5% đến 5%.

Bên cạnh nhóm bất động sản, nhóm dầu khí cũng có một phiên giao dịch bùng nổ. BSR bật tăng gần 7%, dẫn đầu ngành, trong khi PVS, PVD, PVB... cũng tăng hơn 1%, góp thêm sắc xanh cho thị trường.

Ngược lại, cổ phiếu chứng khoán vẫn chưa thoát khỏi vùng trũng. Một vài mã nhỏ như WSS, TVS, DSE, DSC giữ được đà tăng nhẹ, song phần lớn cổ phiếu lớn như FTS, CTS, VSI, SSI, VND, HCM… vẫn giậm chân tại chỗ hoặc điều chỉnh nhẹ, trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm rõ rệt. Dòng tiền có dấu hiệu thận trọng hơn đối với nhóm ngành này.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng tiếp tục phân hóa mạnh. Ở chiều tăng điểm, các mã như LPB, SHB, TPB và TCB là những cái tên nổi bật, tuy nhiên biên độ tăng không quá lớn. Ngược lại, nhiều cổ phiếu lớn như BID, MSB, CTG, MBB, HDB, VIB… đóng cửa trong sắc đỏ, cho thấy áp lực điều chỉnh vẫn hiện diện tại nhóm ngành này.

Ở phe "phòng thủ", các nhóm cổ phiếu điện, nước, thực phẩm không có nhiều biến động so với phiên sáng nhưng vẫn giữ được xu hướng tích cực. Một số mã tiêu biểu như POW, VNE, BWE, PGN tiếp tục duy trì đà tăng ấn tượng. Thanh khoản của nhóm này cũng ghi nhận sự cải thiện rõ rệt so với phiên trước, cho thấy dòng tiền vẫn đang ưu tiên các nhóm ngành an toàn trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.

Nổi bật là các giao dịch gom DXG (+104 tỷ), NLG (+102 tỷ), GEX (+100 tỷ). Trong khi đó, áp lực bán tập trung vào VRE (-78 tỷ), VCB (-58 tỷ), nhưng không gây ảnh hưởng đáng kể đến cục diện thị trường. Riêng trên HoSE, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 905 tỷ đồng, cho thấy tín hiệu tích cực về niềm tin với thị trường Việt Nam trong mắt dòng vốn toàn cầu.

Theo Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), việc chỉ số VN-Index trở lại mốc 1.250 điểm là tín hiệu khả quan về mặt kỹ thuật, tuy nhiên chưa đủ để khẳng định thị trường đã xác lập xu hướng tăng mới.

"Nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại, kiên nhẫn quan sát và chỉ nên gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi VN-Index vượt mốc 1.247 điểm với thanh khoản vượt ngưỡng trung bình 20 phiên", chuyên gia của CSI khuyến nghị.

Theo đơn vị này, vùng kháng cự quan trọng trong ngắn hạn nằm tại khu vực 1.270 – 1.300 điểm, cũng là vùng cân bằng trước thời điểm công bố thông tin về thuế đối ứng - yếu tố có thể tác động mạnh đến định hướng thị trường sắp tới.

 

Hoàng Anh

Theo Vietnamfinance