Cổ đông lớn hối thúc Lộc Trời chuyển sang HOSE sau 6 năm đình trệ
Kế hoạch chuyển giao dịch cổ phiếu LTG từ UPCoM sang HOSE của Lộc Trời đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 song liên tục được gia hạn.
Vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) đã cập nhật tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024. Điểm mới trong tài liệu cập nhật là tờ trình chấp thuận và đưa kiến nghị “Thảo luận và thông qua việc triển khai niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) trong năm 2024” đã được vào chương trình làm việc, căn cứ thư kiến nghị ngày 8/4 của Marina Viet Pte. Ltd.
Đây là cổ đông lớn nhất, hiện đang nắm giữ 25,12% vốn điều lệ của Lộc Trời. Cùng với đó, HĐQT Tập đoàn cũng sẽ trình cổ đông triển khai các thủ tục liên quan đến niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong năm 2024.
Thực tế, nội dung chuyển giao dịch cổ phiếu LTG từ UPCoM sang HOSE đã được ĐHĐCĐ thường niên 2018 thông qua, tuy nhiên, trong 2 kỳ họp sau đó vào các năm 2019, 2020, quyết định này liên tục được gia hạn. Đến ĐHĐCĐ thường niên 2022, cổ đông của Lộc Trời lại tiếp tục gia hạn kế hoạch này chậm nhất đến năm 2025.
Bên cạnh nội dung nói trên, tại ĐHĐCĐ thường niên tới đây, Tập đoàn Lộc Trời cũng đề xuất điều chỉnh kế hoạch trả cổ tức năm 2023 từ tiền mặt sang cổ phiếu. Với việc giữ nguyên tỷ lệ chi trả là 30%, doanh nghiệp sẽ phát hành hơn 30 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ lên mức 1.310 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, 'ông trùm' lúa gạo đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp dự kiến bầu lại HĐQT 2024-2029 với 5 thành viên, trong đó có ít nhất 1/3 là thành viên HĐQT độc lập theo quy định và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2024-2029. Hiện tại, Lộc Trời vẫn chưa công bố danh sách ứng viên.
Được biết, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Lộc Trời sẽ diễn ra chiều 26/6 tới đây tại tỉnh An Giang. Ban đầu, phiên họp được dự kiến tổ chức phiên họp vào cuối tháng 4 nhưng sau đó đã được lùi lại theo đề xuất của cổ đông lớn.
Đẩy mạnh tái cấu trúc tài chính sau 'sự cố' nợ tiền nông dân
Trong một diễn biến khác, chiều qua ngày 21/5, Tập đoàn Lộc Trời cho biết đã hoàn tất việc thanh toán tiền lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 cho bà con nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau hơn 2 tháng chậm trả khiến hàng trăm người bất an, lo lắng.
Được biết, từ đầu vụ Đông Xuân 2023-2024, Lộc Trời đã triển khai ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và đầu tư vật tư và dịch vụ nông nghiệp (không tính lãi suất) trên diện tích canh tác hơn 50.000 ha tại khu vực ĐBSCL. Đến giữa tháng 4/2024, Tập đoàn này đã mua trên 300.000 tấn lúa với tổng giá trị gần 2.500 tỷ đồng, đưa vào chế biến tại các nhà máy của tập đoàn đóng tại các địa phương. Tuy nhiên, tổng số tiền đã trả chỉ hơn 2.000 tỷ đồng, còn lại vẫn thiếu của bà con nông dân.
Lý giải về việc nợ tiền lúa, Tập đoàn Lộc Trời cho hay, nguyên nhân là do một số biến động khách quan từ các khách mua gạo và ngân hàng. Doanh nghiệp khẳng định đã nỗ lực, chủ động thu xếp dòng tiền với các đối tác, thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp để ưu tiên khoản chi trả tiền lúa, nhưng vẫn có khoảng lệch về thời gian thanh toán, ảnh hưởng dòng tiền trả cho nông dân.
Ngày 20/05/2024, Lộc Trời đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu, thực hiện đúng cam kết với bà con nông dân và chính quyền địa phương.
Trong thông cáo báo chí, thay mặt doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn đã gửi lời xin lỗi đến bà con nông dân đồng thời cũng bày tỏ sự cảm động trước lòng tin yêu, thương mến của nông dân, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, TPBank, các ngân hàng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước dành cho Lộc Trời.
Hậu sự cố, ‘ông trùm’ lúa gạo đã thực hiện tái cấu trúc tài chính, đối thoại và tìm tiếng nói chung với các đối tác tài chính cùng ngân hàng để tìm ra giải pháp khả thi và hiệu quả, cân đối giữa các nguồn vốn, dòng vốn nhằm ổn định và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của tập đoàn. Doanh nghiệp hiện đang hoàn tất những bước cuối cùng trong thỏa thuận vay trị giá 90 triệu USD (tương đương 2.200 tỷ đồng) với Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO), đồng thời đàm phán với các ngân hàng trong và ngoài nước có cùng định hướng phát triển nông nghiệp bền vững để đồng hành lâu dài, thống nhất các khoản tài trợ trung và dài hạn và dòng vốn ngắn hạn, hạn chế tối đa các ‘nút thắt cổ chai’ về dòng tiền trong tương lai.