'Có dự án đã có vốn, có tên, đã nhìn thấy việc nhưng chưa giao cho ai làm chủ đầu tư'
Bày tỏ lo lắng về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh lấy ví dụ có dự án đã có nguồn vốn, có tên dự án, đã nhìn thấy việc nhưng chưa giao cho ai nhiệm vụ chủ đầu tư.
Ngày 26/8, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc làm việc của tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ với UBND TP. Hà Nội về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết năm 2022, thành phố được giao 51.583 tỷ đồng. Đến 22/8, toàn thành phố giải ngân được 13.843 tỷ đồng, đạt 27,1% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình của cả nước.
“Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề không mới nhưng vẫn nan giải trong việc thực hiện các dự án. Trọng tâm là khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư… Giá nguyên nhiên vật liệu tăng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Ngoài ra, có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, chính sách bù giá vật liệu xây dựng”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng cho rằng giải ngân đầu tư công có tính đặc thù là giải ngân các tháng đầu năm thường thấp và tăng mạnh vào các tháng cuối năm vì cần thời gian để thi công, tích luỹ khối lượng đủ để nghiệm thu, phụ thuộc vào tiến độ hợp đồng và tạm ứng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết năm 2022, thành phố đã phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư với 110 dự án. Trong 110 dự án này thì có 67 dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng với số vốn hơn 3.100 tỷ đồng, trong đó dự án có số vốn lớn nhất là 170 tỷ đồng, nhỏ nhất là hơn 2 tỷ đồng. Có 23 dự án đã được bố trí vốn nhưng chưa khởi công.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ sự lo lắng khi tốc độ giải ngân thấp và cho biết thành phố đã thành lập 6 đoàn công tác, do các phó chủ tịch làm trưởng đoàn để kiểm tra, tháo gỡ, đôn đốc.
“Có dự án đã có nguồn vốn, có tên dự án, đã nhìn thấy việc nhưng chưa giao cho ai nhiệm vụ chủ đầu tư”, ông Trần Sỹ Thanh nêu tồn tại trong khâu chuẩn bị dự án và cho biết sẽ phân loại, tách ra từng nhóm dự án (đã đấu thầu, đã khởi công hay khởi công xong mà không chạy...).
Về giải phóng mặt bằng, có một số yếu tố ảnh hưởng đến công tác này, ông Trần Sỹ Thanh lấy ví dụ về việc xác định yếu tố giá cho từng dự án.
“Kể cả cùng địa bàn quận nhưng mỗi dự án có hệ số giá khác nhau, lại dồn hết lên Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét phê duyệt. Nếu tắc ở đây thì tắc hết. Chúng tôi sẽ nhận diện, phân loại dự án, tập trung cho các dự án lớn, để xử lý, giải quyết khó khăn”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh thời gian còn lại của năm 2022 không còn nhiều, do đó TP. Hà Nội phải quyết tâm thật cao để phấn đấu đến 31/12, giải ngân đạt trên 90%.
Phó thủ tướng yêu cầu việc giải ngân phải bảo đảm hiệu quả dự án, chất lượng công trình. Hồ sơ thanh toán phải được lập ngay khi có khối lượng, đáp ứng đầy đủ các trình tự, thủ tục, hồ sơ quy định; bên cạnh đó, cần cân đối, khẩn trương phân bổ hết số vốn được giao, tránh tình trạng giải ngân rồi nhưng không có khối lượng, không có công trình.
“Làm sao từ nay đến cuối năm phải hoàn thành được một số công trình, tạo ra động lực mới cho địa phương phát triển”, Phó thủ tướng nói và yêu cầu TP. Hà Nội hạn chế dàn trải vốn đầu tư, kiên quyết tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm có khả năng sớm hoàn thành.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu TP. Hà Nội rà soát lại những công trình đã ghi vốn nhưng chưa phê duyệt dự án, chưa đấu thầu để điều chuyển, phân bổ vốn cho những dự án có khả năng hoàn thành từ nay đến 31/12 hoặc cho những dự án có khả năng đẩy nhanh tốc độ giải ngân; rà soát những dự án mà nhà thầu gặp vướng mắc (như mặt bằng, giá vật liệu…) để tập trung tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.