Cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh trong phiên 12/3
Thị trường chứng khoán phiên 12/3 tiếp tục đi theo xu hướng giằng co với sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn. Các cổ phiếu bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế phân hóa chung.
Thị trường chứng khoán phiên 12/3 có những biến động hẹp với các nhịp tăng, giảm điểm đan xen của VN-Index. Chỉ số này mở cửa phiên giao dịch trong sắc xanh khi hàng loạt cổ phiếu ngân hàng bứt phá mạnh. Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số yếu dần khi về cuối phiên sáng và sau đó đảo chiều giảm trở lại sau giờ nghỉ trưa.
Có khoảng thời gian VN-Index giảm khá sâu, nhưng sau đó tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE tiếp tục diễn ra và phần nào giúp giảm áp lực trên thị trường, chỉ số này kết phiên cũng chỉ đi ngang với mức giảm nhẹ. GVR là cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến VN-Index khi tăng 4,7% lên 30.900 đồng/cp.
Trong khi đó, sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ diễn ra rõ nét hơn các phiên trước. Các cổ phiếu như HD6, PVR, HTT, CIG hay HQC vẫn được kéo lên mức giá trần bất chấp diễn biến giằng co của thị trường chung. SGR cũng tăng đến 6,5% lên 33.800 đồng/cp. FLC tăng 4,2% lên 6.900 đồng/cp, đây cũng là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của cổ phiếu này bất chấp những “lùm xùm” liên quan đến HBC trong những ngày gần đây.
Bên cạnh đó, SNZ cũng tăng 3,8% lên 35.800 đồng/cp, DIG tăng 3,6% lên 31.800 đồng/cp, ITA tăng 3,3% lên 6.920 đồng/cp.
Chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên khá nhiều cổ phiếu bất động sản, trong đó có một số cổ phiếu gây chú ý như PVL giảm 3,6% xuống 2.700 đồng/cp, OGC giảm 2,7% xuống 7.610 đồng/cp, CCL giảm 2,7% xuống 14.350 đồng/cp, VPI giảm 2,6% xuống 35.450 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,17 điểm (-0,01%) xuống 1.181,56 điểm. Toàn sàn có 182 mã tăng, 280 mã giảm và 55 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,39 điểm (0,14%) lên 273,91 điểm. Toàn sàn có 103 mã tăng, 108 mã giảm và 58 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) xuống 80,33 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 850 triệu cổ phiếu, trị giá 17.900 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.530 tỷ đồng. Trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên 12/3 có 3 cổ phiếu bất động sản là HQC, FLC và ITA. Trong đó, HQC khớp lệnh 27,7 triệu cổ phiếu. FLC và ITA khớp lệnh lần lượt 22,3 triệu cổ phiếu và 16 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng trên thị trường với 272 tỷ đồng. KDH và VRE là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 29 tỷ đồng và 14,4 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM, PDR và NVL nằm trong số những cổ phiếu được mua ròng mạnh. VHM được mua ròng 17,5 tỷ đồng. PDR và NVL lần lượt là 14,5 tỷ đồng và 7,6 tỷ đồng.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 28,0 điểm (1,1%) lên 1.181,56 điểm; HNX-Index tăng 5,43 điểm (5,4%) lên 273,91 điểm. Thanh khoản tăng nhẹ so với tuần trước với gần 18.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Cụ thể, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 0,03% lên 78.338 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 4,9% lên 3,3 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 0,2% lên 11.622 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 7,2% lên 763 triệu cổ phiếu.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường liên tục rung lắc tích lũy biên độ hẹp 3 tuần liên tiếp trong vùng với biên độ hỗ trợ 1.150 - 1.155 và kháng cự 1.185 - 1.190, thanh khoản dần gia tăng trở lại trên mức trung bình với dòng tiền ngắn hạn vẫn liên tục tìm kiếm, gia tăng cùng nhiều cơ hội sinh lợi ngắn hạn khi có rất nhiều mã tăng giá lên vùng đỉnh cũ, nhiều mã tăng trưởng tốt đã vượt đỉnh cũ tương ứng VN-Index 1200 tháng 1/2021.
Hầu hết các mã chất lượng tốt, tăng trưởng, kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I/2021 tích cực đã tiệm cận vùng đỉnh cũ và vượt, sau đó rung lắc tích lũy. Thị trường chung dự kiến vẫn sẽ duy trì tích lũy phân hóa, rung lắc để chờ các kết quả kinh doanh với kỳ vọng thị trường có đợt bùng nổ trong thời gian tới để tăng vượt 1.200 điểm. Nhà đầu tư có thể chờ VN-Index vượt đỉnh 1.200 để mua với mục đích đầu cơ cho giai đoạn tăng sau khi vượt đỉnh.
Các nhóm cổ phiếu đáng chú ý là các cổ phiếu mạnh đang tích lũy gần vùng đỉnh mọi thời đại hoặc các nhóm cổ phiếu có hoạt động kinh doanh phục hồi có xu hướng đi lên từ vùng đáy. Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trung hạn của thị trường tiếp tục là tích cực với target của sóng tăng 5 quanh ngưỡng 1.250 điểm dự kiến sẽ đạt được vào đầu tháng 4/2021. Nhà đầu tư tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới./