Cổ phiếu FRT liên tục 'phá đáy', FPT Retail sẽ 'mất ngủ' trong thời gian tới!?

Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, hai mảng kinh doanh chính của Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) là kinh doanh điện thoại và nhà thuốc sẽ khó khăn thời gian tới.

Đặc biệt trong đó, mảng kinh doanh chính là bán lẻ điện thoại của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) sẽ đối mặt với vô vàn thách thức ở 2 khía cạnh trong trung hạn là tăng trưởng ngành hạn chế và cạnh tranh gia tăng với Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG).

Với Thế Giới Di Động, MWG đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ từ chuỗi Điện Máy Xanh trong giai đoạn Công ty phát triển chuỗi Bách Hóa Xanh. Trong khi đó, FPT Retail chưa có một mảng kinh doanh khác để làm cầu nối lúc tăng trưởng chuỗi điện thoại đang chậm lại và mảng kinh doanh mới là nhà thuốc vẫn đang trong những giai đoạn phát triển đầu tiên.

“Khác với Thế Giới Di Động, FPT Retail chưa có một mảng kinh doanh khác để làm cầu nối lúc tăng trưởng chuỗi điện thoại đang chậm lại và mảng kinh doanh mới đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên”, VCSC nhận định.

Còn theo nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường GFK, thị trường thiết bị viễn thông (chủ yếu là điện thoại di động) tại Việt Nam đã ghi nhận mức giảm 4,5% theo giá trị trong 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, việc Thế Giới Di Động tiếp tục mở rộng các điểm bán điện thoại đã khiến cạnh tranh gia tăng. Mặc dù FPT Retail cũng đưa ra các sáng kiến mới cho mảng kinh doanh điện thoại. Tuy nhiên, các sáng kiến mới này chưa đạt kỳ vọng.

Cụ thể, thông tin của VCSC cho thấy chương trình F.Friends của FPT Retail đóng góp dưới 4% trong tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2019. Các chương trình trợ giá nhà mạng cũng đã kết thúc vài tháng trước do một số khó khăn trong hợp tác với các đối tác nhà mạng.

VCSC thông tin thêm, các dự án khác như hợp tác với Nguyễn Kim để bán các sản phẩm điện máy trực tuyến hay bắt tay với Fado để làm thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng đã dừng lại hoặc đang có tiến triển chậm. Trong khi đó, kế hoạch đẩy mạnh doanh số phụ kiện cũng đang chậm hơn so với mục tiêu của ban lãnh đạo.

Trước sự tăng trưởng ngành ngày càng hạn chế trong khi cạnh tranh ngày càng gia tăng, phía đối thủ của FPT Retail là Thế Giới Di Động đã nhanh chóng phát triển các mảng kinh doanh khác để làm cầu nối lúc tăng trưởng chuỗi điện thoại đang chậm lại và mảng kinh doanh mới là nhà thuốc vẫn đang trong những giai đoạn phát triển đầu tiên.

Trong mảng kinh doanh mới của FPT Retail là nhà thuốc Long Châu, sau 2 năm kinh doanh, FPT Retail đã đạt được những kết quả bước đầu song chưa thực sự được như kỳ vọng.

Ghi nhận tại thời điểm kết thúc quý III/2019, doanh thu của chuỗi nhà thuốc Long Châu trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 496 tỷ đồng, tăng trưởng 90,4% so với cùng kỳ năm 2018. Kết thúc quý III, công ty cũng đã mở được 50 nhà thuốc Long Châu. Cho đến nay, nhà thuốc Long Châu đã có mặt tại 10 tỉnh, thành phía Nam và phục vụ khoảng 25.000 lượt khách mỗi ngày.

Cũng theo thông tin từ FPT Retail, Long Châu hiện đang có lượng thuốc kê toa của nhà thuốc này cao hơn gấp 6 - 7 lần các nhà thuốc bình thường và giá của Long Châu rẻ hơn thị trường khoảng 20%. Trong đó, 60% doanh thu của Long Châu đến từ tân dược, còn lại từ mỹ phẩm, trang thiết bị y tế hoặc đến từ thực phẩm chức năng. Các nhóm hàng này mang lại lợi nhuận cao hơn thuốc.

So với mức doanh thu 12.427 tỷ đồng đạt được từ đầu năm đến hết tháng 9, doanh thu của chuỗi thuốc Long Châu hiện mới chiếm 3,9% tổng doanh thu của FPT Retail. Trong khi, mục tiêu của công ty này là đến năm 2022, chuỗi thuốc Long Châu sẽ chiếm 30-40% doanh thu của FPT Retail và ở mức ước đạt 6.000 tỷ cùng kỳ vọng sẽ kiểm soát được 30% thị phần thị trường dược phẩm tại Việt Nam.

Ban lãnh đạo FPT Retail đặt mục tiêu tăng số lượng nhà thuốc Long Châu từ 23 cửa hàng tại thời điểm cuối năm 2018 lên 70 cửa hàng tại thời điểm cuối năm 2019 và 220 cửa hàng tại thời điểm cuối năm 2020.

VCSC đặt kỳ vọng vào tăng trưởng ngành điện thoại và khả năng sinh lời của chuỗi nhà thuốc Long Châu này sẽ tích cực hơn và tốt hơn kỳ vọng. Ngoài ra, hoạt động triển khai mảng kính mát cũng được kỳ vọng đem lại kết quả tích cực cho FPT Retail.

Theo báo cáo 10 tháng mới được công bố, FPT Retail ghi nhận doanh thu 13.755 tỷ đồng, tăng 12% nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 236 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu FRT kể từ khi lên sàn chứng khoán tới nay không thực sự tích cực khi liên tục “phá đáy”. Kết thúc phiên giao dịch 17/12, cổ phiếu FRT dừng tại 26.650 đồng/CP, giảm tương ứng khoảng gần 70% so với thời điểm đỉnh cao được xác lập vào đầu tháng 5/2018.

 

Theo T.Hà/Sở hữu Trí tuệ

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/co-phieu-frt-lien-tuc-pha-day-fpt-retail-se-mat-ngu-trong-thoi-gian-toi-d67289.html