Cổ phiếu KCN đón dòng tiền lớn, VN-Index sát ngưỡng kháng cự MA200

Với sự luân chuyển của dòng tiền, nhiều cổ phiếu khu công nghiệp bứt phá mạnh mẽ trong phiên giao dịch sáng 8/5. VN-Index tăng gần 5 điểm so với tham chiếu.

Kết phiên sáng, VN-Index dừng ở 1.255,66 điểm, tiến sát mốc kháng cự kỹ thuật quan trọng – đường trung bình động 200 ngày (MA200). Dù thanh khoản trên sàn HoSE giảm nhẹ, chỉ đạt khoảng 6.800 tỷ đồng nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn giữ được sự tích cực khi sắc xanh chiếm ưu thế.

Sàn HoSE ghi nhận 162 mã tăng giá so với 132 mã giảm. Sàn HNX và UPCoM cũng duy trì trạng thái giao dịch cân bằng, phản ánh sự lan tỏa ổn định của lực cầu.

Trong rổ VN30, đà tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi GVR và VIC. Hai cổ phiếu lần lượt có thêm 6,44% và 5,04% sau phiên sáng. Theo sau lần lượt là BCM (+2,63%), LPB (+2,48%), PLX (+1,19%),... Chiều ngược lại, các cổ phiếu MWG, VJC và BVH cùng giảm trên 1%.

Cổ phiếu KCN đón dòng tiền lớn, VN-Index sát ngưỡng kháng cự MA200 - Ảnh 1

Tâm điểm sáng nay thuộc về nhóm cổ phiếu khu công nghiệp. Bên cạnh sự toả sáng của GVR tại nhóm vốn hoá lớn, các mã khác như PHR, DTD, SZC, VGC, IDC, LHG... cũng đồng loạt bứt phá trong khoảng 2–4%, với thanh khoản nhiều mã vượt trung bình 20 phiên – dấu hiệu rõ ràng cho thấy dòng tiền lớn đang dịch chuyển sang nhóm này trong bối cảnh triển vọng phát triển hạ tầng và thu hút FDI trở lại được đánh giá tích cực.

Bên cạnh đó, nhóm bất động sản tiếp tục duy trì sức nóng. HHS gây chú ý khi tăng kịch trần, khối lượng khớp lệnh đạt hàng chục triệu đơn vị. Các mã TCH, NLG, DXG, NTL cũng đồng loạt giữ sắc xanh, củng cố xu hướng phục hồi của nhóm địa ốc sau thời gian dài suy giảm.

Nhóm ngành thép tiếp tục ghi nhận diễn biến phân hóa. SMC bứt phá gần hết biên độ với thanh khoản cao, trong khi HPG, HSG, VGS, NKG gần như đi ngang hoặc điều chỉnh nhẹ. Trong khi đó, cổ phiếu chứng khoán tiếp tục giao dịch trầm lắng. Số mã tăng – giảm gần như cân bằng, biên độ dao động chủ yếu dưới 1%, cho thấy tâm lý giằng co và thiếu động lực rõ rệt.

Tình trạng lưỡng lự cũng đang hiện hữu ở nhóm ngân hàng. Một số mã như BAB, LPB, TPB, HDB và MSB tăng nhẹ, song các trụ cột như BID, CTG, ACB, SHB lại lùi nhẹ dưới tham chiếu, khiến nhóm này chưa thể đóng vai trò dẫn dắt thị trường như kỳ vọng.

Đáng chú ý, ngưỡng kháng cự MA200 tại vùng 1.260 điểm đang là “bài kiểm tra” quan trọng đối với xu hướng của VN-Index. Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chỉ số đã tiếp cận vùng kháng cự mạnh, trong khi áp lực chốt lời có thể tăng lên trong các phiên tới khi nhà đầu tư thận trọng quan sát các tín hiệu từ cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

BVSC dự báo VN-Index có khả năng tiếp tục biến động trong biên độ hẹp, đan xen các nhịp rung lắc khi thị trường đối diện với rủi ro điều chỉnh nếu xuất hiện thông tin bất lợi. Diễn biến phân hóa được cho là sẽ tiếp tục chi phối, với sự khác biệt rõ nét giữa các nhóm ngành và thậm chí giữa từng cổ phiếu trong cùng một lĩnh vực.

Trong khi đó, Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) lại đưa ra quan điểm lạc quan hơn. Đơn vị này cho rằng thị trường đang thoát khỏi giai đoạn tích lũy ngắn hạn và xu hướng tăng sẽ rõ ràng hơn trong những phiên tới. Dòng tiền hiện tại đang tập trung mạnh vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt là bất động sản, giúp thanh khoản thị trường dần được cải thiện.

Thêm vào đó, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục đi lên, phản ánh sự lạc quan đang gia tăng trong giới đầu tư. Dù triển vọng tăng điểm vẫn hiện hữu, song rõ ràng thị trường đang bước vào vùng “giằng co” về tâm lý – nơi niềm tin và nỗi lo đan xen, và chỉ những dòng tiền thông minh nhất mới đủ sức định hình xu hướng kế tiếp.

Hoàng Anh

Theo Vietnamfinance