Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (12/10): HT1, MWG và AST
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu HT1 là 18.800 đồng/cổ phiếu. Công ty chứng khoán này đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 63%.
HT1: PHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 18.800 đồng/cổ phiếu
Kết thúc nửa đầu năm 2022, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên đạt 4.342,7 tỷ đồng (tăng 8,5% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế ngược lại giảm đáng kể xuống 167,4 tỷ đồng (giảm 50%). Mức thu nhập giảm mạnh này do giá than tăng cao trên toàn thế giới, nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất xi măng và clinker.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng kỳ vọng doanh thu thuần của HT1 sẽ tăng đột biến vào năm 2022 so với mức thấp của năm ngoái. Theo đó, doanh thu thuần có thể đạt 8.782 tỷ đồng (tăng 24%), tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế sẽ giảm xuống 350 tỷ đồng (giảm 5%) do biên lợi nhuận gộp bị bào mòn vì giá than được dự báo sẽ duy trì mức cao trong cả năm nay.
PHS cho biết, giá than đã tăng vọt hơn 176% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài ở châu Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Do đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ giảm xuống 10% cho năm 2022 để phản ánh tình hình căng thẳng hiện nay.
Theo PHS, HT1 đã và đang thống lĩnh miền Nam với 2 nhà máy xi măng tiên tiến cùng với 3 trạm nghiền, tọa lạc tại những khu vực lý tưởng với mạng lưới phân phối đặc biệt lớn, dẫn đầu về số lượng nhà phân phối trên toàn khu vực.
Nhờ hoạt động ở phía Nam, vị trí thuận lợi nhất, HT1 sẽ hưởng lợi lớn khi là một trong số ít nhà cung cấp xi măng cho các công trình dân cư và cơ sở hạ tầng sắp tới ở khu vực này, đây là động lực thiết yếu mà chính phủ nhắm tới để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch và tạo cơ sở cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Nhiều dự án đáng chú ý đang được triển khai với tốc độ nhanh như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cầu Mỹ Thuận 2, ...
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu HT1 là 18.800 đồng/cổ phiếu. Công ty chứng khoán này đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 63%.
Định giá của PHS giả định rằng tốc độ tăng trưởng của dòng tiền sau năm 2026 là 0% (g = 0%) do thị trường xi măng trong nước hiện phân mảnh và đang tiến dần đến tình trạng bão hòa mà không có động lực tăng trưởng mới.
Ngoài ra, PHS nâng lãi suất phi rủi ro tính đến thời điểm hiện tại lên 5% (từ mức 3,5%) để dự tính các động thái sắp tới của lãi suất trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang bị thắt chặt.
MWG: MASVN khuyến nghị mua với giá mục tiêu 81.600 đồng/cổ phiếu
Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) tăng mạnh trong tháng 7 và 8/2022 so với cùng kỳ do tác động của các đợt giãn cách trong quý III/2021.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trong hai tháng này tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận ròng đạt 92,3 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ) và 3,2 nghìn tỷ đồng (tăng 6%), lần lượt hoàn thành 66% và 50% kế hoạch năm.
Đáng lưu ý, biên lợi nhuận ròng giảm xuống còn 3,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với 8 tháng năm 2021, nguyên nhân có thể đến từ tăng tỷ trọng doanh thu online.
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), bằng việc đóng cửa các cửa hàng không hiệu quả cũng như thiết kế lại cửa hàng cả về trưng bày và danh mục hàng hóa, doanh thu trên mỗi cửa hàng tăng trưởng rõ rệt trong thời gian ngắn.
Kể từ tháng 4/2022 khi MWG khởi động chiến dịch tái cơ cấu Bách Hoá Xanh, 414 cửa hàng đã đóng cửa, chiếm 19,3% số lượng cửa hàng giai đoạn đỉnh. Đến tháng 8, doanh thu trung bình hàng tháng trên mỗi cửa hàng đạt 1,36 tỷ, tăng xấp xỉ 33% so với quý I/2022.
Từ đây đến cuối năm, ban lãnh đạo MWG đề ra mục tiêu tăng doanh thu hàng tháng của cửa hàng lên mức 1,5 – 1,6 tỷ đồng. Ngoài mục tiêu tăng doanh thu, Bách Hoá Xanh cũng kỳ vọng đạt điểm hòa vốn cuối năm 2022 nhờ vào chuẩn hóa quy trình vận hành, giảm hao hụt và hủy hàng, tối ưu hóa các chi phí.
Đòn bẩy tài chính thấp và kỳ vọng bứt phá của Bách Hoá Xanh sẽ duy trì kết quả kinh doanh tốt hơn so với các đối thủ. Theo MASVN, so với doanh nghiệp cùng ngành như FRT, nợ trên vốn chủ của MWG thấp hơn gần 3 lần. Nợ ròng chỉ chiếm khoảng 87% vốn chủ sở hữu vào cuối quý II/2022.
Với tỷ lệ đòn bẩy tài chính tương đối thấp, lợi nhuận của MWG sẽ ít bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất. Ngoài ra, nếu Bách Hoá Xanh có khả năng đạt điểm hòa vốn và tiếp tục duy trì, MWG có thể tái khởi động việc mở rộng chuỗi trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng có thể một phần do lưu lượng kết chuyển từ các cửa hàng cũ đã đóng cửa, vì vậy, tính bền vững của việc doanh thu tăng vẫn cần thời gian quan sát thêm.
MASVN khuyến nghị mua đối với MWG. Công ty chứng khoán này điều chỉnh dự phóng kết quả kinh doanh dựa trên kết quả hoạt động 8 tháng năm 2022 cũng như tăng chi phí vốn bao gồm vốn vay và vốn chủ sở hữu do lãi suất tăng, MASVN hạ giá mục tiêu cho MWG xuống 81.600 đồng/cổ phiếu (từ 89.400 đồng/cổ phiếu), tương đương với mức P/E dự phóng 2023 là 19 lần.
Rủi ro giảm giá chính là các yếu tố bất ổn vĩ mô cả trong và ngoài nước có thể dẫn đến làn sóng tháo chạy khỏi các tài sản có tính rủi ro cao như cổ phiếu, kết quả là cổ phiếu có thể bị giao dịch ở mức chiết khấu sâu.
AST: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 69.000 đồng/cổ phiếu
Doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đầu năm của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (HoSE: AST) đạt hơn 202 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ.
Dù vẫn chưa thể kinh doanh có lời, nhưng so với khoản lỗ sau thuế cùng kỳ năm 2021 là hơn 62,5 tỷ đồng, kết quả của AST trong nửa đầu năm 2022 đã có phần cải thiện hơn.
Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng lợi nhuận trước thuế quý III/2022 có thể đạt hơn 20 tỷ đồng (so với mức lỗ kỷ lục 43,5 tỷ đồng trong quý 3 năm 2021), đưa lợi nhuận trước thuế lũy kế trở lại mức dương trong 3 quý đầu năm 2022. Điều này được lý giải bởi sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng không trong nước trong mùa cao điểm quý III, trong khi thị trường quốc tế vẫn yếu.
Dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam từ tháng 3, thị trường nội địa dường như đã hồi phục hoàn toàn, SSI kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022 do nhu cầu tăng cao từ khách du lịch. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường quốc tế vẫn kém xa so với sự phục hồi của thị trường trong nước và dự kiến sẽ khó phục hồi hoàn toàn cho đến năm 2024.
SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của AST có thể đạt 38 tỷ đồng (giảm 85% so với năm 2019) vào năm 2022, đạt 230 tỷ đồng (tăng 501% so với 2022, nhưng giảm 13% so với năm 2019) vào năm 2023, và đạt 331 tỷ đồng (tăng 44% so với 2023 và tăng 26% so với năm 2019) vào năm 2024 khi thị trường phục hồi hoàn toàn.
Con đường phục hồi lợi nhuận của AST sẽ phụ thuộc phần lớn vào thị trường quốc tế, do đó SSI không kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi mạnh trong ngắn hạn từ 3 - 6 tháng. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này tin rằng sự phục hồi hiện đang diễn ra thuận lợi được hỗ trợ bởi sản lượng hành khách được cải thiện, đồng thời công ty cũng cố gắng tối ưu hóa hoạt động kinh doanh sau Covid và mở rộng mạng lưới điểm bán hàng.
SSI cũng lưu ý rằng rủi ro chính là sự phục hồi của thị trường quốc tế có thể chậm hơn so với kỳ vọng khi Trung Quốc kéo dài chính sách không Covid và nếu nhu cầu đi lại toàn cầu giảm nhanh hơn do suy thoái kinh tế.
Công ty chứng khoán này khuyến nghị khả quan với cổ phiếu AST, giá mục tiêu 69.000 đồng/cổ phiếu.