Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/12): TCM, ANV và HAH
EPS dự phóng 2023 đạt 10.659 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E dự phóng 2023 ở mức 3,4 lần. MASVN đánh giá tích cực dành cho HAH dựa trên sản lượng kỳ vọng phục hồi giai đoạn tới nhờ sự mở cửa trở lại của Trung Quốc và định giá P/E đang ở quanh vùng thấp nhất kể từ khi chào sàn.
TCM: CSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 28.000 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) hoạt động chính trong lĩnh vực may mặc (chiếm 98,7% trong cơ cấu doanh thu). Trong đó, doanh thu xuất khẩu chiếm 88%. Các nước có tỷ trọng lớn nhất là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cơ cấu cổ đông của TCM khá cô đặc gồm E-Land sở hữu 44,96% cổ phần, ông Nguyễn Văn Nghĩa (thành viên HĐQT) sở hữu 16,89%. Với cơ cấu cổ đông cô đặc, giá cổ phiếu TCM thường biến động khá mạnh.
Doanh thu quý III/2022 đạt 1.229,4 tỷ đồng (tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái), lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 3.400 tỷ đồng (tăng trưởng 26%). Tăng trưởng chủ yếu từ mảng may mặc và dệt may, nhờ nhu cầu tăng mạnh sau thời gian giãn cách. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế tháng 10 đạt 13,5 triệu USD (tăng trưởng 17%) và 803 nghìn USD (tăng 922% ).
Lũy kế lợi nhuận sau thuế 10 tháng đạt khoảng 9,84 triệu USD (tăng 99%), hoàn thành 91% so với kế hoạch năm 2022. Bên cạnh mảng kinh doanh may mặc, TCM đang mở rộng sang mảng kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bất động sản, nhưng tỷ lệ doanh thu và lợi nhuận chưa lớn.
Do lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tiêu dùng tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản khiến đơn hàng của TCM có dấu hiệu giảm sút.
Tính đến giữa tháng 11, công ty đã ghi nhận khoảng hơn 85% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý IV/2022, hiện đang nhận đơn hàng cho quý I/2023.
Đặc thù là doanh nghiệp sản xuất, cơ cấu nguồn vốn của TCM có Tổng nợ/Tổng tài sản tại quý III/2022 đạt 45,6%, tương đối thấp so với ngành, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với 86% trong tổng nợ.
Mức sử dụng đòn bẩy tài chính thấp giúp TCM giảm áp lực chi phí tài chính trong bối cảnh lãi suất có chiều hướng tăng cao, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khi các đối thủ cạnh tranh phải chịu nhiều áp lực vì các chi phí tăng.
Biên lợi nhuận gộp quý III/2022 đạt 17.5%, cao hơn so với cùng kỳ 7.8 điểm phần trăm. So với các doanh nghiệp cùng ngành, biên lợi nhuận của TCM xếp thứ hạng cao. Tuy nhiên ROE của TCM lại thấp hơn đáng kể, nguyên nhân do Thành Công sử dụng đòn bẩy thấp hơn các doanh nghiệp khác.
Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) đánh giá hoạt động kinh doanh của TCM ổn định. Tuy nhiên, sang năm Quý Mão TCM khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh do đơn hàng giảm sút tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Nhật Bản khi các nền kinh tế lớn này chậm lại.
Nhà máy Vĩnh Long 2 với công suất 9 triệu sản phẩm/năm được đưa vào vận hành nhưng tình hình kinh tế tại các thị trường chính chậm lại, tuy nhiên TCM được bù đắp bởi các thị trường khác như Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch, do vậy CSI giả định đơn hàng tăng chậm lại khoảng 10% trong năm 2023.
Với giả định trên, CSI dự phóng doanh thu năm 2023 đạt khoảng 4.900 tỷ đồng; EPS tương ứng đạt 3.500 đồng/cổ phiếu.
CSI sử dụng phương pháp định giá P/E để xác định giá trị của cổ phiếu TCM. Với P/E trung bình khoảng 8 lần, giá trị hợp lý TCM là 28.000 đồng/cổ phiếu. CSI khuyến nghị trung lập với cổ phiếu TCM.
ANV: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 25.100 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) công bố doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trong quý III/2022 lần lượt đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 89% so với cùng kỳ, nhưng giảm 4% so với quý trước) và 120 tỷ đồng (giảm 50% so với quý trước).
Do ảnh hưởng của Covid-19, kết quả kinh doanh quý III/2021 ghi nhận mức cơ sở thấp (lỗ ròng 13 tỷ đồng). Mặc dù đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ từ mức cơ sở thấp năm 2021, nhưng mức lãi ròng tính theo giá trị tuyệt đối của ANV trong quý III/2022 là mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Lợi nhuận thấp hơn dự kiến do giá cá tra giảm nhiều hơn dự phóng trước đó.
Giá bán bình quân của ANV giảm xuống còn 2,5 USD/kg (tăng 40% so với cùng kỳ nhưng giảm 11% so với quý trước). Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 35% trong quý 2 năm 2022 xuống còn 23% trong quý III năm 2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, ANV đạt doanh thu thuần và LNTT lần lượt là 3,8 nghìn tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ) và 647 tỷ đồng (tăng 708% so với cùng kỳ), lần lượt hoàn thành 72% và 65% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2022.
Trong năm 2022, Công ty Chứng khoán SSI dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của ANV sẽ lần lượt đạt 5 nghìn tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ) và 694 tỷ đồng (tăng 439% so với cùng kỳ).
SSI điều chỉnh giảm 20% dự báo kết quả kinh doanh năm 2022 do dự báo giá cá tra năm 2022 giảm 8%. Năm 2023, chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 5,1 nghìn tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ) và 534 tỷ đồng (giảm 23% so với cùng kỳ).
Với mức giá 26.000 đồng/cổ phiếu, ANV hiện đang giao dịch với P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 4,8 lần và 6,2 lần. Giá mục tiêu của SSI cho cổ phiếu ANV là 25.100 đồng/cổ phiếu (rủi ro giảm giá là 3%).
SSI tiếp tục khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu ANV. Công ty chứng khoán này kỳ vọng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế do Covid-19 của Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đối với ANV.
Thị trường Trung Quốc chiếm 9% doanh thu của ANV trong quý III năm 2022. Trong quý IV/2022, SSI dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng sẽ lần lượt đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) và 127 tỷ đồng (tăng 137% so với cùng kỳ), do quý IV/2021 ghi nhận mức cơ sở so sánh thấp.
HAH: MASVN khuyến nghị mua với giá mục tiêu 47.800 đồng/cổ phiếu
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) nằm trong số ít doanh nghiệp vận tải biển hoàn thiện được chuỗi giá trị ngành Logistics: cảng biển – vận tải biển – dịch vụ kho bãi. Vị trí Pan Hải An nằm ở cửa ngõ thuận lợi ở vị trí và là nhân tố kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của Hải An.
HAH đang sở hữu đội tàu gồm 11 tàu với tổng trọng tải hơn 15.000 TEUs. Trong đó, 3 tàu khai thác mới năm 2022 bao gồm Hai An Rose, An Bien Bay, và Hai An City.
Khu vực Hải Phòng đang là đầu tàu tăng trưởng kinh tế cả nước khi GDP 9 tháng tăng trưởng 12,1% cùng kỳ. Điều này thúc đẩy nhu cầu lưu thông hàng hóa. 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Hải Phòng đạt trên 128 triệu tấn, tăng 10% cùng kỳ.
9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ của HAH đạt 2.360 tỷ và 658 tỷ đồng, lần lượt tăng 84% và 172% so với cùng kỳ. Số tàu tăng có sự gia tăng từ mức chỉ có 8 tàu trong năm 2021. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 29,4% lên 48,8% nhờ giá cước và phụ phí tích cực.
Dưới chính sách “bế quan tỏa cảng” do lo ngại dịch Covid năm 2022 đã làm ảnh hưởng kim ngạch xuất khẩu, trong đó cụm cảng phía Bắc cũng chịu ảnh hưởng khá nặng nề. Tuy nhiên, kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở cửa kinh tế trở lại ngay từ nửa đầu năm 2023 sẽ giúp cải thiện hơn giao thương.
Năm 2022, MASVN dự báo doanh thu thuần và lãi ròng cổ đông công ty mẹ đạt 2.941 tỷ và 806 tỷ đồng, tăng 50,4% và 81% cùng kỳ. Năm 2023, doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ dự báo đạt 3.044 tỷ và 750 tỷ đồng, tăng 3,5% và giảm 5% cùng kỳ.
Tổng sản lượng dự báo đạt 1,11 triệu Teus, tăng 8% so với cùng kỳ.) Biên lợi nhuận gộp năm 2023 dự báo giảm từ 48,1% xuống mức 42,5%. Trong đó, đơn giá trên mỗi Teu giảm 4,1% do giá cước thuê tàu trên thế giới điều chỉnh giảm.
EPS dự phóng 2023 đạt 10.659 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E dự phóng 2023 ở mức 3,4 lần. MASVN đánh giá tích cực dành cho HAH dựa trên sản lượng kỳ vọng phục hồi giai đoạn tới nhờ sự mở cửa trở lại của Trung Quốc và định giá P/E đang ở quanh vùng thấp nhất kể từ khi chào sàn.
Theo MASVN, cổ phiếu HAH sau nhịp giảm trung hạn kéo dài 6 tháng đã có sự phục hồi giai đoạn gần đây, và đang ở vùng giá đóng cửa cao nhất trong 1 tháng trở lại đây. Ngưỡng cản gần nhất của HAH sẽ là 43.000 đồng/cổ phiéu, mà nếu vượt qua thì HAH có cơ hội bứt phá mạnh lên vùng giá 58.000 đồng/cổ phiếu.