Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/5): IMP, MSN và HPG

SSI đánh giá cao tăng trưởng về tiêu dùng của Việt Nam khi thu nhập khả dụng tăng, và kỳ vọng MSN sẽ đạt được mức tăng trưởng nhờ nền tảng tiêu dùng và bán lẻ. Trong năm 2024, SSI ước tính NPATMI sẽ đạt mức tăng trưởng 28% so với cùng kỳ nhờ sự phục hồi của các nền tảng kinh doanh chủ chốt.

IMP: VDSC khuyến nghị tích luỹ với giá mục tiêu 65.800 đồng/cổ phiếu

Quý I/2023, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) đạt 479 tỷ đồng (tăng 53% so với cùng kỳ) và 99 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ), hoàn thành 27,4% và 28,3% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 78 tỷ đồng (tăng 48% so với cùng kỳ). Kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực một phần nhờ mức nền thấp của quý I/2022 và sự hồi phục của thị trường sau đại dịch Covid-19.

Doanh thu kênh ETC và OTC lần lượt đạt 178 tỷ đồng (tăng 241% so với cùng kỳ) và 297 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ). Mức tăng trưởng ấn tượng của kênh ETC đến từ mức nền thấp của quý I/2022 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 người bệnh không thể tới bệnh viện thăm khám khơi thông tắc nghẽn trong việc đấu thầu thuốc kênh bệnh viện. Kênh OTC tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng từ quý IV/2022 khi làn sóng Covid-19 có xu hướng quay trở lại giúp đẩy mạnh các sản phẩm điều trị ho và hạ sốt.

Biên lợi nhuận gộp được mở rộng 5 điểm phần trăm lên mức 48% so với quý trước do đầu năm công ty không có nhiều hoạt động khuyến mại giúp cho giá vốn sản xuất giảm 22% so với quý trước).

IMP đưa ra kế hoạch về doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 1.750 tỷ và 350 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 7% và 20% so với thực hiện năm 2022. Động lực tăng trưởng trong năm 2023 của IMP có thể đến từ những đóng góp của hai nhà máy IMP2 và IMP4.

Ba năm đầu hoạt động của nhà máy IMP 2 (kể từ 2019-2022) phải mất thời gian cho quá trình xin cấp số đăng ký, đấu thầu với công suất hoạt động khoảng 5% - 10% thì nay đã lên đến trên 40% của nhóm kháng sinh Penicillin.

Nhà máy IMP 4 đã được cấp chứng nhận EU – GMP vào tháng 7/2022 và sẽ bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh của IMP trong cả năm 2023.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), định hướng dịch chuyển dần sang kênh ETC sẽ là động lực tăng trưởng chính, kênh ETC đã giải quyết được tình trạng tắc nghẽn thuốc kéo dài xuyên suốt năm 2022. Thông tư 06/2023/TT-BYT vừa được ban hành và sẽ có hiệu lực kể từ tháng 4/2023 giúp cho các công ty sản xuất có thể cải thiện được giá thuốc đấu thầu. Bộ Y tế ưu tiên sử dụng thuốc nội địa thay cho thuốc ngoại nếu giá thành tốt hơn và đảm bảo được khả năng điều trị.

Dù thị phần kênh OTC có thể bị thu hẹp khi kênh ETC quay trở lại, tuy nhiên VDSC cho rằng kênh OTC của IMP vẫn có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong năm 2023. Do đó, VDSC cho rằng kế hoạch kinh doanh của IMP là tương đối thận trọng và công ty sẽ có khả năng hoàn thành vượt kế hoạch đặt ra.

Dựa trên kỳ vọng về sự cải thiện công suất hoạt động từ nhà máy IMP2 và những đóng góp mới đến từ nhà máy IMP4 trong năm 2023, VDSC điều chỉnh nâng mức dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 2.110 tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ) và 346 tỷ đồng (tăng 48% so với cùng kỳ), trong đó doanh thu kênh ETC và OTC lần lượt là 964 tỷ đồng (tăng 58% so với cùng kỳ) và 1.075 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ), EPS cho năm 2023 là 4.413 đồng (tăng 43% so với cùng kỳ).

VDSC điều chỉnh tăng giá mục tiêu cho cổ phiếu IMP lên thành 65.800 đồng/cổ phiếu, tương đương với định giá P/E dự phóng là 12,75 lần, mức định giá đang thấp hơn so với PE trung bình 5 năm là 17 lần. VDSC duy trì khuyến nghị tích lũy đối với cổ phiếu IMP.

MSN: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 84.000 đồng/cổ phiếu

Trong năm 2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) đặt kế hoạch doanh thu khoảng 90-100 nghìn tỷ đồng (tăng 18% đến 31% so với cùng kỳ) và kế hoạch lợi nhuận sau thuế khoảng 4-5 nghìn tỷ đồng (giảm 15% đến tăng 6% so với cùng kỳ).

Tập đoàn đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu ở tất cả các phân khúc, trong đó tăng trưởng doanh thu của WCM dự kiến đạt khoảng 23%-38% so với cùng kỳ. Ban lãnh đạo thừa nhận chi phí lãi vay cao hơn cùng với tiêu dùng yếu sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của tập đoàn trong ngắn hạn, nhưng vẫn tự tin về triển vọng dài hạn của công ty.

Cũng theo MSN, nc tính chi phí tài chính sẽ tăng khoảng 2 nghìn tỷ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ) trong năm 2023 do lãi suất cao hơn. MSN đã công bố kết quả tài chính quý I/2023, với tổng doanh thu thuần đạt 18,7 nghìn tỷ đồng (tăng 2,8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (NPATMI) là 215 tỷ đồng (giảm 86,5% so với cùng kỳ), kết quả này phù hợp với dự báo của Công ty Chứng khoán SSI về xu hướng lợi nhuận giảm mạnh.

MCH, WCM và MSR ghi nhận mức doanh thu tương đương so với cùng kỳ (giảm 3,6% so với cùng kỳ đến tăng 2,6% so với cùng kỳ), trong khi MML đạt mức tăng trưởng doanh thu 25,6% so với cùng kỳ. Doanh thu ở các công ty con của MSN trong quý I theo SSI là khá tích cực so với các công ty F&B khác.

Tuy nhiên, lợi nhuận giảm mạnh là do các nguyên nhân chính là chi phí tài chính cao hơn (tăng 53,5% so với cùng kỳ); không có khoản thu nhập bất thường (thu nhập bất thường giảm 95,4% so với cùng kỳ so với cùng kỳ); và thu nhập từ công ty liên kết là TCB thấp hơn (giảm 18,4% so với cùng kỳ).

Theo SSI, kế hoạch IPO TCX và niêm yết có thể sẽ hoãn sang năm 2024-2025. Masan Group vẫn giữ kế hoạch phát hành tối đa 10% cổ phần sơ cấp thông qua phát hành riêng lẻ. SSI cho rằng tập đoàn cũng có thể xem xét việc bán cổ phần ở công ty con với mức giá hấp dẫn.

Tại thời điểm quý I/2023, nợ ròng của MSN là 55 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ nợ ròng/EBITDA là 3,9 lần. Ban lãnh đạo cũng nhắc đến kế hoạch giảm đòn bẩy và đưa tỷ lệ nợ ròng/EBITDA về khoảng 3,5 - 3,7 lần vào cuối 2023. Nếu việc giảm nợ diễn ra sớm thì có thể trở thành yếu tố tích cực cho MSN.

Trong năm 2023, SSI ước tính MSN sẽ đạt 86,4 nghìn tỷ đồng doanh thu (tăng 13,4% so với cùng kỳ) và NPATMI là 3 nghìn tỷ đồng (giảm 17% so với cùng kỳ), thấp hơn lần lượt 3% và 6% so với ước tính trước đó. SSI áp dụng phương pháp SoTP và đưa ra giá mục tiêu cho MSN là 84.000 đồng/cổ phiếu (đã áp dụng mức chiết khấu 10% cho tập đoàn đa ngành), theo đó, SSI duy trì khuyến nghị trung lập.

Về dài hạn, SSI đánh giá cao câu chuyện tăng trưởng về tiêu dùng của Việt Nam khi thu nhập khả dụng tăng, và kỳ vọng tập đoàn sẽ đạt được mức tăng trưởng nhờ nền tảng tiêu dùng và bán lẻ. Trong năm 2024, SSI ước tính NPATMI sẽ đạt mức tăng trưởng 28% so với cùng kỳ nhờ sự phục hồi của các nền tảng kinh doanh chủ chốt.

Trong ngắn hạn, SSI cho rằng mức tiêu thụ yếu sẽ tiếp tục kéo dài trong 1-2 quý tới, điều này tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của MSN (tuy nhiên mức sụt giảm sẽ thu hẹp hơn so với quý I).

Nhìn sang quý II/2023, ban lãnh đạo đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu từ 10%-15% so với quý trước và EBITDA tăng khoảng 8 - 10% so với quý trước, theo đó, doanh thu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 15%-21% so với cùng kỳ và EBITDA giảm khoảng -4% đến -2% so với cùng kỳ trong quý II/2023. SSI cho rằng mức sụt giảm lợi nhuận ròng sẽ mạnh hơn so với ETBITA.

HPG: VCBS khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 18.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận dương trở lại trong quý I/2023. Trong 3 tháng đầu năm, DT đạt 26.588 tỷ đồng (giảm 39,7% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 397,5 tỷ đồng (giảm 95,3% so với cùng kỳ, hoàn thành 5% kế hoạch).

Sản lượng sản xuất, bán hàng của HPG sụt giảm mạnh trong quý đầu năm trước bối cảnh thị trường bất động sản dân dụng còn nhiều khó khăn. Sản lượng thép xây dựng quý I/2023 đạt xấp xỉ 868 ngàn tấn (giảm 35,4% so với cùng kỳ), ống thép đạt 160 ngàn tấn (giảm 22,5% so với cùng kỳ), sản lượng bán hàng HRC đạt 721 ngàn tấn (giảm 29,3% so với cùng kỳ).

Nguyên nhân của lợi nhuận tăng trưởng kém tích cực chủ yếu do giá bán thép giảm trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào là than cốc neo ở mức cao; hiệu suất sản xuất kém chỉ khoảng 70% làm giảm lợi ích kinh tế theo quy mô.

HPG đang sản xuất với hiệu suất khoảng 70% so với tổng công suất thiết kế, điều này làm cho biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ở mức chỉ khoảng 2-3% và không đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô.

Trước bối cảnh sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tiếp tục sụt giảm, giá bán thép bắt đầu giảm mạnh trong quý II/2023 có thể tạo áp lực trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lớn trong bối cảnh HPG đã cho hoạt động lại 1 lò cao, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng kết quả kinh doanh của HPG trong quý II/2023 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Nhìn chung, ngành thép đang trong giai đoạn khó khăn khi giá thép đứng trước áp lực giảm giá do nhu cầu giảm trên toàn cầu trong môi trường lãi suất và lạm phát cao; sản lượng kém tích cực khi các nút thắt về nguồn cung bất động sản chưa được giải quyết và giải ngân vốn đầu tư công khó có thể tạo tác động lớn khi chiếm tỷ trọng tiêu thụ nhỏ trong toàn tiêu thụ ngành.

VCBS cho rằng HPG sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi ngành kinh doanh kém tích cực, đặc biệt kết quả kinh doanh trong quý II/2023 có thể chịu ảnh hưởng xấu bởi trích lập hàng tồn kho khi giá thép đang có đà giảm mạnh.

VCBS dự báo kết quả kinh doanh cả năm 2023 của HPG sẽ có giảm tốc. Doanh thu ước đạt 111.538 tỷ đồng (giảm 21 % so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 7.284 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ).

VCBS khuyến nghị trung lập với HPG với giá mục tiêu 18,000 đồng/cổ phiếu do rủi ro giảm giá bán thép vẫn còn hiện hữu trong thời gian tới và sản lượng tiêu thụ suy yếu.

Hải Đường

Theo VietnamFinance