Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/12): TCB, BMP và VCB

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), mảng cho vay bán lẻ của TCB tiếp tục được gia tăng nhờ cho vay mua nhà. Trong 9 tháng năm 2022, tăng trưởng tín dụng của TCB chủ yếu được dẫn dắt bởi sự tăng trưởng của 2 nhóm khách hàng cá nhân vá SME trong khi cho vay khách hàng doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp lại ghi nhận sự sụt giảm.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/12): TCB, BMP và VCB
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/12): TCB, BMP và VCB

TCB: MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 42.500 đồng/cổ phiếu

Trong quý III/2022, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HoSE: TCB) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất (TOI) đạt 10.338 tỷ đồng (tăng 16,9% so với cùng kỳ). Trong đó, thu nhập lãi thuần (NII) và thu nhập thuần ngoài lãi (NOI) đạt lần lượt 7.565 tỷ đồng (tăng 12,2% so với cùng kỳ) và 2.773 tỷ đồng (tăng 36,1% so với cùng kỳ).

Thu nhập lãi thuần trong quý III/2022 chỉ đạt mức tăng trưởng nhẹ chủ yếu do ngân hàng này đã sử dụng gần 100% room tín dụng được cấp trong nửa đầu năm 2022. Ngoài ra, NIM của quý III/2022 cũng sụt giảm về mức 5,5% so với mức 6% trong quý II/2022, khi chi phí vốn (CoF) của gia tăng mạnh lên mức 3% so với 2,4% của quý II/2022 khi mà TCB liên tục gia tăng lãi suất huy động từ cuối quý II/2022.

Luỹ kế 9 tháng năm 2022, TOI hợp nhất của TCB đạt 31.474 tỷ đồng (tăng 16,9% so với cùng kỳ). Thu nhập lãi thuần (NII) và thu nhập thuần ngoài lãi (NOI) đạt lần lượt 23.470 tỷ đồng (tăng 20,6% so với cùng kỳ) và 8.004 tỷ đồng (tăng 7,3% so với cùng kỳ). Thu nhập thuần ngoài lãi gần như đi ngang so với cùng kỳ năm 2021 khi mà lợi nhuận gia tăng từ hoạt động thu phí và bảo hiểm được bù trừ bởi sự suy giảm từ hoạt động đầu tư chứng khoán.

NFI của TCB trong 9 tháng năm 2022 đạt 5.993 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ), vẫn tiếp tục là khoản thu nhập đóng góp lớn nhất vào NOI của ngân hàng này. Chi phí hoạt động trong kỳ đạt 9.408 tỷ đồng (tăng 20,9% so với cùng kỳ). Tỷ lệ CIR hợp nhất đạt 29.9%, tương đương với 6T2022 và cả năm 2021 và vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp so với mức trung bình toàn ngành.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ đạt 1.245 tỷ đồng (giảm 38,9% so với cùng kỳ). Trong bối cảnh chất lượng tài sản vẫn tiếp tục được đảm bảo ở mức rất an toàn, TCB đã giảm tỷ lệ trích lập dự phòng nhằm đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng năm 2022 đạt 20.821 tỷ đồng (tăng 21,8% so với cùng kỳ).

Chất lượng tài sản vẫn đứng hàng đầu trong ngành ngân hàng. Phần lớn nợ xấu của TCB đến từ mảng cho vay khách hàng cá nhân và SME, trong khi mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp gần như không có nợ xấu. Mặc dù tỷ trọng cho vay mảng khách hàng cá nhân và SME đã gia tăng đáng kể nhưng TCB vẫn duy trì được tỷ lệ NPL rất thấp so với ngành.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), mảng cho vay bán lẻ của TCB tiếp tục được gia tăng nhờ cho vay mua nhà. Trong 9 tháng năm 2022, tăng trưởng tín dụng của TCB chủ yếu được dẫn dắt bởi sự tăng trưởng của 2 nhóm khách hàng cá nhân vá SME trong khi cho vay khách hàng doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp lại ghi nhận sự sụt giảm.

Tại cuối quý III/2022, mảng cho vay khách hàng cá nhân và SME tăng trưởng lần lượt 37% và 9,2% so với cuối năm 2021, trong khi mảng khách hàng doanh nghiệp và TPDN giảm lần lượt giảm 3,3% và giảm 30,2% so với đầu năm.

MBS cho biết, độ dày vốn và CASA của TCB hiện đứng đầu ngành ngân hàng. Tại cuối quý III/2022, CAR hợp nhất theo BASEL II của TCB đạt 15,7%, cao nhất toàn ngành. Tỷ lệ CASA cũng giảm xuống mức 46,5% so với mức 50,5% tại cuối năm 2021. Tuy nhiên, đây vẫn là mức CASA cao nhất toàn ngành ngân hàng. Trong cơ cấu CASA, nhóm khách hàng cá nhân đóng góp 58,9%, tỷ lệ này giảm hơn so với mức 62,3% tại cuối năm 2021.

MBS dự báo TOI hợp nhất của TCB trong năm 2022 đạt mức 41.886 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ), trong đó NII chiếm 72,9% TOI. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 2.597 tỷ đồng (giảm 2,5% so với cùng kỳ) với kỳ vọng TCB sẽ gia tăng trích lập trong quý IV/2022.

Tỷ lệ CIR hợp nhất đạt 30%. Lợi nhuận trước thuế được dự phóng ở mức 26.723 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), hoàn thành 100% kế hoạch cả năm 2022. NPL và LLR cả năm 2022 được kỳ vọng sẽ đạt lần lượt 0,64% và 167,4%. ROE và ROA được dự báo sẽ đạt lần lượt 20,6% và 3,3%.

Trong năm 2023, MBS kỳ vọng TCB sẽ đạt mức lợi nhuận trước thuế 30.025 tỷ đồng (tăng 12,4% so với cùng kỳ) với giả định tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15,3%. NPL trong năm 2023 được kỳ vọng tăng lên mức 0,77%. NIM được dự báo sẽ giảm nhẹ về mức 5,3%.

MBS cho rằng định giá của cổ phiếu TCB đang hấp dẫn so với vị thế của ngân hàng này. Mức P/B hiện tại của TCB là 0,9 lần, tương đối thấp hơn so với mức P/B trung bình ngành là 1,3 lần.

MBS cho rằng đây là một mức định giá tương đối hấp dẫn so với vị thế của TCB. Cụ thể, ROE trong quý III/2022 của TCB đạt 20,9% cao hơn so với mức 19,5% của toàn ngành. Không chỉ vậy, TCB đã duy trì tỷ lệ ROE luôn trên mức 20% kể từ quý II/2021, cao hơn nhiều so với mức dưới 18% của toàn ngành.

BMP: KBSV khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 67.300 đồng/cổ phiếu

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) đạt lợi nhuận 448 tỷ đồng (tăng 349% so với cùng kỳ) với doanh thu đạt 4.400 tỷ đồng (tăng 40,5% so với cùng kỳ) và sản lượng đạt hơn 74 triệu tấn (tăng 11% so với cùng kỳ). Sản lượng hồi phục, giá bán tăng trong khi nguyên vật liệu chính có xu hướng đi xuống là các yếu tố chính giúp kết quả kinh doanh cải thiện đáng kể.

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng còn tiềm năng bởi kỳ vọng đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, dòng vốn FDI dịch chuyển một phần từ Trung Quốc sang Việt Nam và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khả quan của Việt Nam trong dài hạn.

BMP hiện chiếm thị phần lớn nhất trong ngành ống nhựa, sở hữu nhiều lợi thế bền vững như thương hiệu lớn, hiệu quả hoạt động, hệ thống phân phối rộng khắp, dòng tiền mạnh và có lợi thế về nguồn cung nguyên vật liệu với TPC Vina.

Nguyên liệu chủ yếu của BMP là PVC - chiếm khoảng 70% đã giảm mạnh về vùng thấp nhất giai đoạn 2016-2022, tương ứng giảm khoảng 35% so với trung bình năm 2021 và 60% so với đỉnh cao nhất giúp biên lợi nhuận tiếp tục duy trì ở mức cao

KBSV dự báo BMP sẽ duy trì chính sách cổ tức tiền mặt cao trong khoảng 5.000 – 7.000 đồng/cổ phiếu giai đoạn 2022-2026, tương ứng lợi suất cổ tức ở mức 9-12%.

Công ty chứng khoán này dự báo lợi nhuận quý IV/2022 đạt 131,9 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) và doanh thu quý IV đạt 1.334 tỷ đồng (giảm 6% so với cùng kỳ) với giả định sản lượng tiêu thụ đạt gần 24 nghìn tấn, giảm 8,9% so với cùng kỳ do thị trường bất động sản và xây dựng hiện đang khó khăn và giá bán được điểu chỉnh tăng 3% so với cùng kỳ nhưng giảm 5,5% so với quý trước để hỗ trợ doanh thu trong bối cảnh nhu cầu giảm.

Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt mức 26,8%, cao hơn mức 20,2% quý IV/2022 nhờ giá bán tăng và giá PVC giảm. Theo đó, kết quả kinh doanh của BMP năm 2022 tích cực, lợi nhuận đạt 579,4 tỷ đồng (tăng 170% so với cùng kỳ), doanh thu đạt 5.734 tỷ đồng (tăng 25,9% so với cùng kỳ) và tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 26%.

Đối với năm 2023, trên quan điểm thận trọng, KBSV dự phóng lợi nhuận đạt 533,4 tỷ đồng (giảm 8% so với cùng kỳ) và doanh thu 5.283 tỷ đồng (giảm 8% so với cùng kỳ) với giả định giá bán giảm 7% xuống mức trung bình khoảng 54,8 triệu đồng/tấn bởi áp lực từ nhu cầu giảm, giá nguyên liệu xuống mức trung bình 7 năm và cạnh tranh cao hơn.

Từ 2024, KBSV kỳ vọng thị trường bất động sản và xây dựng dần hồi phục nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như có giải pháp cải thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh và dòng vốn FDI đăng kí mới bắt đầu cải thiện.

Theo đó, KBSV dự báo năm 2024, BMP đạt lợi nhuận 592 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ) và doanh thu 5.928 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ), sản lượng đạt 104 triệu tấn (tăng 8% so với cùng kỳ).

KBSV khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BMP, giá mục tiêu 67.300 đồng/cổ phiếu.

VCB: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 93.230 đồng/cổ phiếu

Vào năm 2023, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) sẽ nhận được hạn mức tin dụng cao hơn so với trung bình ngành nhờ có sức khoẻ tài chính vững chắc và việc VCB tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém.

Yuanta nâng dự báo tăng trưởng tín dụng thêm 3 điểm phần trăm lên 17% so với cùng kỳ cho năm 2023. Tăng dự báo thu nhập lãi ròng thêm 4%, đạt 66 nghìn tỷ đồng do công ty chứng khoán này nâng dự báo tăng trưởng tín dụng. Biên lãi ròng (NIM) dự báo đạt 3,67% vào năm 2023 (tương đương tăng 22 điểm cơ bản so với cùng kỳ).

Dự báo thu nhập phí ròng cho năm 2023 là 9,5 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ). Giảm dự báo trích lập dự phòng. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) công bố vẫn ở mức thấp, và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của VCB đạt mức cao kỷ lục với 402% tính đến quý III/2022, đây cũng là tỷ lệ cao nhất ngành.

Do đó, Yuanta cho rằng VCB có thể sẽ linh hoạt hơn trong việc giảm dự phòng, từ đó làm tăng lợi nhuận trong năm 2023. Yuanta giảm giả định dự phòng 17% còn 10 nghìn tỷ đồng (giảm 10% so với cùng kỳ) cho năm 2023.

Yuanta tăng dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (PATMI) lên tăng 2% cho năm 2023 do thu nhập lãi ròng tăng cao hơn và dự phòng giảm thấp hơn. Theo Yuanta, dự báo PATMI năm 2023 đối với VCB cao hơn 14% so với các bên, chủ yếu do kỳ vọng dự phòng sẽ giảm vào năm 2023.

Yuanta cho rằng VCB xứng đáng với mức định giá cao hơn so với ngành. VCB là ngân hàng có chi phí huy động vốn được cho là thấp nhất ngành, được hỗ trợ bởi tỷ lệ CASA cao. Đây là lợi thế cạnh tranh so với các ngân hàng khác, giúp hỗ trợ cho tỷ lệ NIM.

Tiềm năng từ đợt phát hành riêng lẻ sẽ làm tăng nguồn vốn của VCB và giúp ngân hàng tăng trưởng tốt hơn. VCB đang giao dịch tương ứng với P/B dự phóng năm 2023 là 2,2 lần. Giá mục tiêu mới của Yuanta tương ứng với mức sinh lời cổ đông trong 12 tháng (TSR) là tăng 18%, duy trì khuyến nghị mua với giá mục tiêu 93.230 đồng/cổ phiếu.

Hải Đường

Theo VietnamFinance