Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/7): HDG, VSH và HAG
Trong tương lai ngắn, dự án Charmvilla vẫn là động lực tạo doanh thu chính của HDG, còn hai dự án khác đang chờ phê duyệt. Và sau khi bán xong dự án Charmvilla, HDG sẽ tìm thêm quỹ đất để hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.
SSI: Khuyến nghị khả quan HDG, giá mục tiêu 52.800 đồng/cổ phiếu
Trong quý I, Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) công bố doanh thu chỉ đạt mức thấp là 685 tỷ đồng (giảm 49% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 244 tỷ đồng (giảm 24,2% so với cùng kỳ), hoàn thành 22% kế hoạch lợi nhuận năm nay. Điều này chủ yếu là do số lượng căn hộ bàn giao trong quý thấp.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng đây chỉ là tạm thời vì việc bàn giao căn hộ Charm Villa sẽ chủ yếu tập trung vào quý II và quý IV năm nay. Sau hai giai đoạn, HDG dự kiến sẽ mở bán 130 căn hộ còn lại của dự án Charmvilla - giai đoạn 3 trong nửa cuối năm 2022. Ban lãnh đạo dự kiến giá bán bình quân sẽ tăng 15-20% so với năm 2021.
Với nhu cầu bất động sản thấp tầng tăng mạnh tại Hà Nội, SSI kỳ vọng đây sẽ là sự đảm bảo lợi nhuận cho năm 2023 từ các dự án bất động sản, trong khi chờ hoàn thiện pháp lý đối với các dự án Green Lane và Minh Long tại TP.HCM. Mặt khác, mảng điện đã đạt được mức tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn này, nhờ kết quả kinh doanh tốt của nhà máy thủy điện trong tình hình thời tiết La Nina và ba nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo mới được đưa vào hoạt động, chiếm tới 70% tổng doanh thu quý I.
Trong tương lai ngắn, dự án Charmvilla vẫn là động lực tạo doanh thu chính của HDG, còn hai dự án khác đang chờ phê duyệt. Và sau khi bán xong dự án Charmvilla, HDG sẽ tìm thêm quỹ đất để hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.
Về dài hạn, HDG đặt mục tiêu mua thêm 320ha đất khu dân cư trong giai đoạn 2025 - 2027 (so với quỹ đất hiện tại là 121ha). Trong khi đó, HDG đang tập trung đàm phán để hoàn tất việc mua lại 125ha đất ở phía tây Hà Nội (Huyện Thanh Oai - cách trung tâm thành phố khoảng 20km) và sẽ công bố dự án khi giao dịch thành công.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 cũng đã thông qua việc thành lập Công ty Bất động sản Hà Đô, và sẽ tiến hành IPO công ty con này. Cụ thể, công ty mẹ sẽ nắm giữ ít nhất 90% cổ phần tại Bất động sản Hà Đô, phần còn lại thuộc về chủ tịch và các thành viên HĐQT khác. Do đó, công ty con này sẽ vận hành quỹ đất và tài sản của HDG.
Theo HDG, mục đích của việc tái cơ cấu này là phát triển thành tập đoàn tổng công ty, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và khả năng sinh lời của hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.
Qua đánh giá, SSI nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu HDG lên khả quan và giá mục tiêu 1 năm lên 52.800 đồng/cổ phiếu (cao hơn 14% giá thị trường). Trong giai đoạn 2022-2023, việc bán và bàn giao dự án Charmvilla (cộng với dòng tiền hoạt động từ 462 MW trong danh mục dự án năng lượng tái tạo) sẽ là những yếu tố hỡ trợ cho kết quả kinh doanh của HDG.
Ngoài ra, việc HDG đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động chứ không chỉ tập trung vào lĩnh vực bất động sản đã mang lại thành quả, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại và những khó khăn của thị trường bất động sản. Theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện 8 (mục tiêu công suất điện gió là 13.616 MW vào năm 2025), vẫn còn khoảng 7.180 MW sẽ được phát triển, đây là cơ hội kinh doanh tiềm năng cho HDG.
Do đó, SSI cho rằng HDG có cơ hội tiềm năng trong lĩnh vực bất động sản cũng như năng lượng tái tạo nhờ nguồn thu đa dạng cộng với chiến lược mở rộng mảng điện để đạt 1.000 MW trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, tiến độ pháp lý của các dự án khu vực TP.HCM vẫn còn trì trệ, khiến việc triển khai các dự án của HDG như Green Lane và Minh Long có thể bị trì hoãn. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp trong những năm tới.
Đồng thời, đề án đấu thầu và cơ chế giá dự kiến cho dự án năng lượng tái tạo đang được xem xét. Thế nhưng, cơ chế mới có thể sẽ không thuận lợi như với cơ chế FIT. Điều này có thể gây khó khăn cho các dự án mới của các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo.
Yuanta: Khuyến nghị mua cho cổ phiếu VSH
Khép lại quý I vừa qua, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HoSE: VSH) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế tiếp tục tăng mạnh, lần lượt tăng 324% và 248% cùng kỳ, đạt 808 tỷ đồng và 441 tỷ đồng.
Trước đó từ tháng 4/2021, VSH đã đưa nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum vào hoạt động và giúp gia tăng mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh. Đây là nhà máy có công suất 220MW và sản lượng điện thiết kế trung bình hàng năm là 1.080 triệu kWh, khi đi vào hoạt động đã đưa kết quả kinh doanh của VSH lên tầm cao mới với doanh thu dự báo tăng 300%, lợi nhuận giai đoạn 2021-2025 dự báo tăng trưởng kép ở mức 15%/năm.
Thực tế cho thấy, lợi nhuận trước thuế 2021 của VSH đã tăng mạnh 286% so với cùng kỳ, đạt 450 tỷ đồng, trong khi doanh thu tăng 51% lên 1.611 tỷ đồng.
Thời tiết diễn biến thuận lợi cũng là hỗ trợ tăng trưởng cho VSH khá nhiều. Theo đó, tổng cục khí tượng thủy văn dự báo ENSO có khả năng tiếp tục duy trì trạng thái La Nina đến tháng 11/2022 với xác xuất 55-65%. Trạng thái này đưa đến lượng mưa trong kỳ cơ bản xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-25%, có tháng cao hơn đến 30-35%. Với nguồn nước dồi dào, nhà máy thủy điện của VSH được cho là sẽ hưởng lợi lớn.
Mặt khác, nhu cầu điện trong dài hạn vẫn tăng mạnh. Giai đoạn 2021-2025, EVN dự báo 2 kịch bản nhu cầu phụ tải điện, bao gồm phương án cơ sở, tăng trưởng nhu cầu điện khoảng 8,6%/năm và phương án cao (với kịch bản kinh tế phục hồi mạnh sau dịnh bệnh, đồng thời có xem xét đến khả năng có làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam) tăng trưởng 9,4%/năm. Cũng theo EVN, với hai kịch bản tăng trưởng này, hệ thống điện sẽ bảo cung ứng đủ điện trong toàn bộ giai đoạn 2021-2025.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, mức Stock Rating của VSH ở mức 86 điểm cho nên duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của VSH gần đây đóng cửa tăng 2,4% với khối lượng giao dịch tăng nhẹ 7% so với phiên trước đó. Đồng thời, đồ thị giá vượt đường trung bình 20 phiên và có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư nên ưu tiên tích lũy cổ phiếu ở các nhịp điều chỉnh.
Ngoài ra, dòng tiền ngắn hạn đã cải thiện hơn kể từ giai đoạn tháng 4/2022 cùng với đà tăng trưởng tích cực của cổ phiếu này khi quý I/2022 ghi nhận tăng trưởng mạnh. Với tình hình thủy văn tốt như hiện nay, Yuanta kỳ vọng điểm cơ bản của VSH tiếp tục cải thiện tích cực hơn so với thị trường chung trong bối cảnh vĩ mô đang chịu ảnh hưởng lạm phát cao.
Xu hướng ngắn hạn của VSH cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và có thể tăng dần tỷ trọng khi xu hướng ngắn hạn của thị trường xác nhận xu hướng tăng.
MASVN: Khuyến nghị giá mục tiêu 10.900 đồng/cổ phiếu cho HAG
Hết 5 tháng đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) ước lãi sau thuế 431 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhờ sản lượng xuất khẩu đạt 65.000 quả chuối và tiêu thụ khoảng 6.000 tấn thịt lợn.
Biên lợi nhuận gộp trong kỳ của mảng chuối ước tính đạt 47,5% và của mảng lợn thịt ước tính vượt 32%. Đây là biên lợi nhuận rất cao trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh do chiến tranh Nga-Ukraina và giá thịt lợn trong nước đi xuống trong nửa đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho rằng kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm của HAG tốt hơn dự báo là do Trung Quốc đẩy mạnh mua chuối Việt Nam, khi quốc gia này buộc phải giảm nhập khẩu chuối từ Phillipine và Ecuador trong bối cảnh giá vận chuyển đường biển tăng và cảng Thượng Hải phải đóng cửa do chính sách "Zero-covid".
Hiệp định RCEP cũng là một xúc tác đặc biệt giúp trái cây xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam vào Trung Quốc tăng trưởng trong dài hạn. Không chỉ vậy, việc sử dụng chuối thải, loại (chiếm 40% tổng sản lượng chuối) để nuôi lợn cũng giúp HAG giữ được biên lợi nhuận cao trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi cùng ngành đang rất khó khăn.
Năm 2022 được coi là năm đầu tiên HAG chính thức thoái vốn khỏi HNG (HAGL Agrico), sau cả thập kỷ chìm trong khó khăn và gánh nặng tài chính. Doanh nghiệp cắt giảm chỉ còn 3 mảng kinh doanh chính, gồm cây ăn trái (7.000ha chủ yếu trồng chuối), chăn nuôi lợn thịt (công suất tối đa 600.000 con/năm) và thương mại vật tư trồng trọt, chăn nuôi.
Trong đó, mảng thương mại vật tư trồng trọt, chăn nuôi chủ yếu phục vụ nhu cầu nội bộ hoặc hỗ trợ cho các hộ trồng trọt, chăn nuôi theo hợp đồng bao tiêu với HAG. Trên cơ sở này, HAG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022 tăng gần 10 lần năm trước, lên 1.120 tỷ đồng. Với kết quả tích cực kể trên, HAG đã hoàn thành 40% kế hoạch lợi nhuận sau 5 tháng đầu năm.
MASVN dự phóng, doanh thu hợp nhất của HAG năm nay sẽ tăng gấp đôi lên 4.234 tỷ đồng; lợi nhuận ròng hợp nhất tăng gấp 4,5 lần lên 924 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch doanh nghiệp đề ra. Cùng với đó, công ty chứng khoán này giả định sản lượng chuối thương phẩm tiêu thụ đạt 170.000 tấn (nhờ diện tích khai thác trung bình đạt 5.700ha) và sản lượng lợn thịt đạt 18.650 tấn (nhờ thị phần tăng mạnh khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải ngừng nuôi lợn do chi phí quá cao) trong năm 2022.
Biên lợi nhuận gộp trong năm dự phóng tăng mạnh 14,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ, nhờ giá chuối dự phóng tăng 12% cùng kỳ, đồng thời tỷ trọng doanh thu chuối trong doanh thu hợp nhất tăng từ 45% lên 58%.
Bên cạnh đó, lỗ tài chính cũng dự phóng giảm 58 tỷ đồng trên cơ sở giả định đợt phát hành riêng lẻ 162 triệu cổ phiếu trong nửa sau 2022 sẽ thành công. MASVN cũng kỳ vọng HAG tiếp tục đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng ở mức 59% và 21% trong giai đoạn 2023-2024 nhờ sản lượng trái cây, lợn thịt tiếp tục tăng trưởng cao ở mở rộng thị phần ở Trung Quốc và Việt Nam.
Nhìn chung, MASVN hy vọng những kinh nghiệm tích lũy sau khoảng thời gian đầy khó khăn khi chuyển đổi qua lĩnh vực nông nghiệp của HAG sẽ doanh nghiệp thiết lập được mô hình kinh doanh kết hợp giữa trồng trọt - chăn nuôi hiệu quả cao để phát triển trong thời gian tới. Giai đoạn 3-5 năm kế tiếp, HAG được kỳ vọng đạt tăng trưởng dài hạn và sớm lấy lại được vị thế tài chính ổn định một thời.
MASVN hiện khuyến nghị các nhà đầu tư có thể mua HAG với giá mục tiêu 10.900 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này được định giá bằng phương pháp P/E với hệ số 11,2 lần áp dụng trên EPS dự phóng trung bình giai đoạn 2022-2023. Trong đó, hệ số mục tiêu được chiết khấu 10% so với trung bình của các doanh nghiệp cùng ngành trồng trọt, chăn nuôi do HAG có hệ số nợ/vốn lớn hơn.