Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (22/8): C4G, DPM và VRE
VNDirect tin rằng C4G sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông mạnh mẽ ở Việt Nam, dựa trên vị thế đầu ngành.
VND: Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu C4G
Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM: C4G) công bố kết quả kinh doanh quý II ấn tượng với doanh thu và lợi nhuận ròng tăng lần lượt 43% và 128% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 952 tỷ đồng và 52 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) cho biết, biên lợi nhuận gộp trong quý giảm 7,3 điểm phần trăm, do mảng xây lắp sụt giảm rất mạnh về biên lãi gộp khi chịu ảnh hưởng từ giá vật liệu xây dựng tăng cao; đồng thời tỷ trọng đóng góp lớn hơn của mảng bất đọng sản trong tổng doanh thu với việc chuyển nhượng dự án Long Sơn 2&4 - có biên lợi nhuận gộp thấp.
Tuy nhiên nhu nhập tài chính quý II chỉ lỗ 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ đến 61 tỷ đồng, nhờ nợ vay ròng đã giảm 18% so với hồi đầu năm, sau khi C4G hoàn thành việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong quý I.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận ròng của C4G lần lượt đạt 1.379 tỷ đồng và 84 tỷ đồng, hoàn thành 38,8% dự phóng lợi nhuận ròng cả năm của VND.
Thời gian tới, VND tin rằng C4G sẽ hưởng lợi từ nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông mạnh mẽ ở Việt Nam, dựa trên vị thế đầu ngành. Doanh nghiệp sở hữu năng lực thi công vượt trội với việc đã hoàn thành nhiều công trình khó như cao tốc, đường băng sân bay, cầu vượt biển...
Năng lực tài chính cũng đã cải thiện đáng kể trong năm 2022, giúp C4G có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn đấu thầu khắt khe và chủ động nguồn lực để hoàn thiện các công trình đúng thời hạn thi công. Do đó, VND kỳ vọng doanh thu mảng xây lắp có thể đạt tăng trưởng kép 39% cho giai đoạn 2022-2023.
Công ty chứng khoán này đưa ra dự báo lợi nhuận ròng của C4G sẽ tăng trưởng kép gần 68% trong giai đoạn 2022-2023, được hỗ trợ bởi doanh thu mảng xây lắp tăng trưởng mạnh (ước tính 39%) nhờ giá trị backlog còn lại lớn và triển vọng ký mới khả quan. Việc chi phí lãi vay ước giảm 29% so với cùng kỳ trong năm 2022 do có dòng tiền mới huy động được trong năm sẽ giúp C4G cải thiện vốn lưu động.
VND hiện khuyến nghị khả quan cho C4G với giá mục tiêu 16.900 đồng/cổ phiếu, dựa trên phương pháp định giá tổng giá trị thành phần (SOTP). Tiềm năng tăng giá cổ phiếu là doanh nghiệp trúng nhiều gói thầu hơn dự kiến tại các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Rủi ro giảm giá cổ phiếu là dòng tiền tại các dự án BOT kém hơn so với dự kiến.
SSI: Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu DPM
Hết quý II, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (HoSE: DPM) tiếp tục chứng kiến kết quả kinh doanh khả quan, trong đó doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng (tăng 71% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 1.600 tỷ đồng, tăng gấp đôi. Tuy vậy, nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng của hai quý liền trước (quý IV/2021 và quý I/2022) thì đã chậm hơn đáng kể.
6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của DPM đạt 10.800 tỷ đồng (tăng 122% cùng kỳ) và 4.160 tỷ đồng (tăng 304% cùng kỳ), hoàn thành 63% và 101% kế hoạch năm.
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp tục giảm trong quý III này và thậm chí có thể âm trong quý cuối năm. Với giả định giá urê tiếp tục giảm so với mức đỉnh, công ty chứng khoán này duy trì giả định giá bán urê năm 2022 là 14.600 đồng/kg (tăng 38% so với cùng kỳ), so với giá bán trung bình 6 tháng đầu năm là 16.300 đồng/kg. Do đó, ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 vẫn lần lượt ở mức 17.700 tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ) và 5.100 tỷ đồng (tăng 61% so với cùng kỳ).
Đối với năm 2023, SSI giảm giả định giá dầu nhiên liệu (từ 480 USD/tấn) xuống còn 456 USD/tấn (giảm 11% so với cùng kỳ). Giá dầu dự kiến sẽ điều chỉnh và sản lượng xuất khẩu từ Nga và Trung Quốc sẽ tăng lên trong năm 2023, do đó SSI điều chỉnh giảm giả định giá bán bình quân năm 2023 (từ 13.000 đồng/kg) xuống 12.500 đồng/kg (giảm 14% so với cùng kỳ). Trên cơ sở đó, SSI cũng giảm ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2023 từ 16.300 tỷ đồng xuống 15.900 tỷ đồng (giảm 10% so với cùng kỳ), và từ 4.100 tỷ đồng xuống 4.000 tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ).
SSI cũng chuyển cơ sở định giá đến năm 2023. Do đó, SSI đưa ra giá mục tiêu mới là 48.000 đồng/cổ phiếu (giảm từ 59.600 đồng/cổ phiếu) cho DPM và duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu này.
MASVN: Khuyến nghị mua VRE với giá mục tiêu 36.600 đồng/cổ phiếu
Vincom Retail (HoSE: VRE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II khả quan với doanh thu thuần đạt 1.850 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái), phần lớn đến từ hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư (1.822 tỷ đồng, tăng 33% cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng mạnh, gấp đôi cùng kỳ, đạt trên 770 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VRE ghi nhận 3.219 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 14% so với cùng kỳ) do doanh thu từ việc bán bất động sản giảm mạnh (từ 548 tỷ đồng còn 93 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm ghi nhận 1.150 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả trên, VRE đã hoàn thành 40% chỉ tiêu doanh thu (8.000 tỷ đồng) và 48% mục tiêu lợi nhuận sau thuế (2.400 tỷ đồng). Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) kỳ vọng VRE sẽ tiếp tục đà tăng trưởng khi thói quen mua sắm của người dân trở lại bình thường, phản ánh qua lượng khách trung bình trong quý II đã đạt xấp xỉ 12 triệu lượt/tháng, tính tổng lượng khách cả quý tăng trưởng 36% so với quý trước.
Cũng trong quý II, VRE đã khánh thành Vincom Mega Mall Smart City tại Hà Nội, Vincom Plaza Trần Huỳnh (tỉnh Bạc Liêu) và Vincom Plaza Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), nâng tổng số lượng trung tâm thương mại lên 83 và tổng diện tích sàn thương mại lên 1,75 triệu m2.
Dự kiến năm 2023, VRE sẽ mở thêm 2 Vincom Mega Mall tại Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire và tại Vinhomes Grand Park. Ngoài ra cũng sẽ mở thêm Vincom Plaza tại một số địa phương như Hà Giang, Điện Biên Phủ, Quảng Trị... nâng tổng diện tích lên gần 2 triệu m2.
Mục tiêu đến năm 2026, VRE sẽ sở hữu tổng diện tích sàn lên đến khoảng 4,7 triệu m2, hơn gấp đôi so với diện tích hiện tại. MASVN cũng dự phóng lượng khách đến trung tâm thương mại sẽ tăng dần đạt trung bình 13 - 14 triệu lượt/tháng trong nửa cuối năm nay và có thể quay lại mức 16 triệu lượt/tháng (tương đương với mức trước dịch) trong năm 2023.
Về dài hạn, chúng tôi vẫn đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của VRE khi đang nắm giữ vị thế dẫn đầu về thị phần, quỹ đất, thương hiệu, cũng như khả năng kết nối với hệ sinh thái của Vingroup. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam còn nhiều triển vọng khi các yếu tố vĩ mô như thu nhập bình quân, tỷ lệ đô thị hóa, cơ cấu dân số... vẫn rất thuận lợi so với các nước trong khu vực.
Hiện MASVN khuyến nghị các nhà đầu tư có thể mua VRE với giá mục tiêu 36.600 đồng/cổ phiếu, tăng 25% so với giá đóng cửa phiên 19/8.